- Nghệ sĩ Cát Tường: Nếu nhận câu hỏi này vào khoảng 3-4 năm trước, câu trả lời của tôi là có. Buồn chứ. Nhưng giờ, trải qua nhiều thứ để ngộ ra nhiều điều, tôi nhận ra rằng có những giá trị quan trọng hơn sự nổi tiếng nhiều. 21 năm trước, tôi bắt đầu vào nghề diễn và nhanh chóng có được vị trí sao hạng B trên lĩnh vực hoạt động của mình. Tôi không vất vả với những giai đoạn xin vai, thử vai hay đóng vai quần chúng. 21 năm sau, tức ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn thế, vẫn ở vị trí sao hạng B. Thực tế giậm chân tại chỗ này cho thấy tôi đi thụt lùi. Tôi đã nhiều lần nghĩ về nó với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Nhưng lúc này khi nghĩ lại, tôi thấy mình thực sự may mắn bởi vẫn được làm nghề, vẫn có khán giả. Về mặt nào đó, điều này được xem là thành công đấy chứ.
Không mộng tưởng
Đó có phải là cách nói tự an ủi mình?
- Hơn nữa, nhìn quanh mình sao hạng A có mấy người? Ai chẳng muốn nổi tiếng nhưng sự nổi tiếng nào cũng có lý do và cơ duyên của nó. Ví như anh Quyền Linh, cũng từng chật vật trên con đường sự nghiệp của mình với vai quần chúng, cũng vất vả thử vai. Cho đến khi anh nhận được lời mời làm MC cho "Vượt lên chính mình". Đến nay, anh không chỉ là ngôi sao mà còn là một MC quốc dân trong lòng khán giả hâm mộ. Ngoài tài năng, niềm đam mê, sự cống hiến còn cần phải có may mắn nữa mới có thể trở thành ngôi sao được. Không hẳn người nổi tiếng là người giỏi nhất và ngược lại. Nghệ thuật luôn đặc biệt hơn nhiều ngành nghề khác là vậy. Sự may mắn luôn giữ một vị trí không nhỏ trong thành công của một nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Cát Tường trong vai trò người dẫn chương trình của "Bạn muốn hẹn hò". (Ảnh do chương trình cung cấp)
Nghĩa là Cát Tường xinh đẹp, giỏi giang nhưng thiếu may mắn. Có bao giờ chị nghĩ đáng lẽ ra mình đã có nhiều thành tựu hơn trong con đường sự nghiệp so với những gì đang có hiện tại không?
- Tôi từng nhiều lần nghĩ về điều ấy và rồi cũng đã có đáp án nên không còn cay cú cho bản thân mình nữa. Tôi yêu nghề nhưng không thật sự sống chết với nghề. Tôi bị chi phối bởi cuộc sống riêng tư, tình cảm trai gái nên có lúc tôi bỏ lơ. Ngay cả khi trở lại, đam mê cũng không đủ, hy sinh cho nghề cũng chẳng nhiều bằng người ta. Ai chẳng mong mình là ngôi sao hàng đầu. Nhưng ước mơ là một chuyện còn làm được đến đâu lại là chuyện khác. Khi thấu hiểu mọi lẽ, tôi không còn ám ảnh hay day dứt điều gì nữa. Việc của tôi là tìm cơ hội và phấn đấu nhiều hơn chứ không phải ngồi đó suy nghĩ và mộng tưởng.
Khư khư ôm kịch là chết đói
Nhiều ý kiến cho rằng diễn viên sân khấu kịch đang hết thời khi sô diễn truyền hình thực tế chiếm lĩnh mọi tiêu điểm và giữ chân công chúng. Chị có bị hiện trạng này chi phối?
- Sân khấu không "chết" nhưng thực sự chựng lại khi ngay cả các sân khấu trụ cột cũng ngắc ngoải. Nhiều sân khấu nhỏ thì đóng cửa hay sáng đèn kiểu "chớp tắt". So với nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực khác, diễn viên sân khấu kịch là nghèo nhất, cao lắm là được 2 triệu đồng/đêm diễn. Có yêu nghề kiểu gì đi nữa cũng không thể chính chuyên được. Thời này, cứ khư khư ôm kịch là chết đói liền. Truyền hình thực tế chính là cơ hội giúp nghệ sĩ mưu sinh. Thị hiếu thưởng thức nằm ở khán giả, định hướng nằm ở nhà đài, nghệ sĩ kịch chỉ là công cụ chuyển tải thông điệp, định hướng của nhà đài đến khán giả. Khán giả chấp nhận thì tốt mà không chấp nhận thì kẻ làm công như nghệ sĩ sẽ bị thất nghiệp. Nghệ sĩ bắt kịp xu hướng thưởng thức của khán giả, làm công ăn lương một cách chân chính thì sao phải từ chối những lời mời từ truyền hình thực tế? Như trường hợp của tôi, được mời làm MC với thù lao cao, sao tôi không nhận được? Tôi phải sống nữa mà.
Tuy nhiên, làm gì thì cũng phải giữ "nét" cho mình, đó là nhiệm vụ của nghệ sĩ, đặc biệt những người được xem là "già cỗi" như tôi trong nghề. Biết nói "từ chối" với những trò câu khách rẻ tiền, với những tình huống có thể tạo nên những ảnh hưởng xấu cho công chúng. Nhưng mỗi năm, tôi vẫn để dành một khoản tiền đầu tư cho sân khấu kịch. Tôi bỏ tiền đầu tư cho nhóm kịch Buffalo thực hiện những vở nhạc kịch, ra mắt đều đặn hằng năm. Tôi đâu có thu hồi vốn được nhưng tôi làm vì niềm tin, một ngày nào đó kịch sẽ trở lại và lại tìm được chỗ đứng riêng trong lòng khán giả.
Theo chị, làm thế nào để một nghệ sĩ sân khấu có thể sống được lúc này, khi sự nổi tiếng không cần tài năng mà chỉ cần tai tiếng, có tiền?
- Có lẽ điều này ứng đúng với hành trình làm nghề của tôi. 21 năm làm nghề, tôi chẳng biết chiêu trò gì, không tạo xì-căng-đan hay chủ động PR (quảng bá) nên tôi chưa nổi tiếng chăng? Tôi tên Cát Tường mà mãi chẳng thấy cát tường gì cả. Đúng là thời nay, muốn nổi tiếng cần phải có 3 yếu tố: giỏi; không đủ giỏi thì phải có chiêu để lăng-xê bản thân và cái cuối cùng là tiền. Đợi mãi không có người mời vai chính thì bỏ tiền ra đầu tư vở diễn, thuê mọi người phục vụ cho mình.
Nhưng suy đi tính lại, cái quan trọng nhất vẫn là tài năng. PR hay tiền cũng chỉ là phương tiện để tạo nên cơ hội. Để có thể sống được trong lòng khán giả, bạn phải thực tài.
Đấy là lý do người ta vẫn nói showbiz là nơi những giá trị ảo - thật luôn trộn lẫn, đặc biệt ở thời điểm này?
- Xã hội là thế, không riêng gì nghệ thuật, luôn là vàng thau lẫn lộn. Nghệ thuật thì không có công thức khi sự cảm thụ của khán giả thuộc về cảm tính còn sự nhận định, định hướng của mỗi nghệ sĩ lại thuộc về nền tảng giáo dưỡng từ gia đình. Mỗi nghệ sĩ sẽ có sự lựa chọn riêng cho sự phát triển sự nghiệp và cả cuộc đời mình. Tôi không bao giờ chỉ trích ai chỉ vì họ không có chung lựa chọn với mình. Thậm chí, chuyện nghệ sĩ cặp đại gia hay nằm trong đường dây gì đó thì cũng kệ họ. Mình chỉ là người ở ngoài, sao có thể thấu hiểu được vấn đề bên trong thế nào? Nhưng tôi biết ai là người tôi nên chơi với họ. Làm nghệ thuật là để phục vụ khán giả. Khán giả ngày nay tinh ý lắm. Xỏ mũi khán giả bằng những trò vặt vãnh, chỉ khiến cho bản thân người chơi chiêu sớm "tắt bóng" mà thôi. Thế nên, mình cứ phải làm nghề một cách nghiêm túc nhất thì khán giả sẽ thương.
Khát khao lớn nhất: Báo hiếu cha mẹ
Trải nghiệm nhiều, chắc chị nhìn cuộc sống có khác?
- Công việc của tôi hiện nay tốt lên, cơ hội đến cũng nhiều nên tôi thấy cuộc sống của mình thực sự bình yên và vui vẻ. Tôi đã đánh mất nhiều thứ, ngộ ra nhiều điều rồi nên tôi biết giá trị gia đình với tôi mới là điều đáng quan tâm nhất. Tôi xưa giờ toàn dựa vào cha mẹ nên có bao giờ tôi nghĩ cha mẹ mình già đâu. Điều đó khiến tôi đi miết vì mọi thứ đã có cha mẹ lo hết rồi. Giật mình nhìn lại, mình đã tứ tuần và cha mẹ cũng lục - thất tuần hết cả. Bán mạng để kiếm tiền đến lúc được hưởng thì cũng chẳng hưởng được nữa. Bây giờ, tôi mất ngủ triền miên. Tôi cũng sợ chết. Cha mẹ thì không khỏe như xưa. Con thì không cha, ai sẽ song hành cùng chúng trên bước đường dài phía trước. Thế nên, tôi nghĩ lại rồi, có làm gì thì việc đầu tiên phải làm là dành thời gian cho gia đình. Chăm sóc cha mẹ và bản thân. Giàu có cũng không mua được hạnh phúc. Nổi tiếng cũng chỉ là hư danh mà thôi.
Cát Tường duyên dáng trong tà áo dài con gái Huế
Khát khao lớn nhất cuộc đời chị chắc là không phải danh vọng, càng không phải sự giàu có, vậy nó là gì?
- Cuộc sống vô thường mà. Sống nay, chết mai, ai có thể đoán được ngày mai có điều gì xảy ra. Nên tôi luôn sống trọn vẹn cho ngày hôm nay. Khát khao lớn nhất cuộc đời tôi là được báo hiếu cha mẹ nhiều hơn và nhìn con gái của mình trưởng thành trong sự yêu thương của người khác. Mỗi ngày, tôi mở mắt ra thấy mình vẫn còn thở, vẫn còn việc để làm là quá đủ rồi. Với tôi, điều quan trọng lúc này không phải là thành công thế nào, nổi tiếng đến đâu mà là một cuộc sống vừa vặn, thoải mái nhất.