Minh họa của Lê Huy Quang
Bây giờ là tháng Sáu âm lịch. Bão ập đến giật đổ cả cây xoài cổ thụ đầu làng Nành. Cây xoài đứng đó mấy chục năm, bom đạn còn chả hề hấn gì thế mà lần này còn không trụ được. Nhưng có hề gì, lúa dưới đồng thì dân đã gặt rồi. Ở làng này cũng như cả huyện đang khấm khá lên từng ngày, làm gì còn mái nhà tạm nào. Ít cũng phải đổ mái bằng tầng một. Thế mà, suốt mấy đêm nay Đạm cứ thao thức trằn trọc không ngủ được. Lạ, mấy anh phụ trách kinh tế, xây dựng, tài chính còn “ngáy o o” trong đêm mưa bão thế mà cỡ trưởng phòng văn hóa như Đạm lại bất an thế? Tất cả là tại, như người ta nói trong lá số tử vi của anh. Có tiểu nhân ám hại.
Vốn dĩ, Đạm làm cái chân cán bộ văn hóa đến hơn hai mươi năm nay rồi. Còn nhớ như đinh cái buổi chiều hôm ấy. Từ mái trường trung cấp nghệ thuật nóng hầm hập toàn những căn nhà cấp bốn lợp phi bờ rô, Đạm đạp xe một mạch về cái thị trấn có mỗi con đường trải nhựa cũ kĩ với hai hàng cây này. Lúc ấy, ông Điềm đánh cờ với ông Thanh - trưởng phòng văn hóa huyện. Nhường người bạn tâm giao một nước, là vì ông thấy nản cái sự thắng mãi rồi, vừa lúc ngước lên nhìn thấy thằng con lếch thếch từ tỉnh về:
- Đấy, hôm nay mà không bị phân tâm vì ngóng thằng cu Đạm nó về thì còn lâu ông mới hạ được tôi.
Bất luận thế nào, ông Thanh cứ sướng vỗ đùi cái đã. Ngẫm ra còn sướng hơn cả khi thấy anh “gà trống Pháp” bị mấy ông da đen châu Phi chọc cho một quả ở Word Cup 2002. Nhưng ông phải kìm giọng xuống.
- Đâu về, học hành xong chưa?
- Thì nó học xong tôi mới sốt ruột, học xong cũng chẳng nên thầy, nên thợ gì đâu ông?
- Cũng phải, chỗ thiếu chỗ thừa - ông Thanh tỏ về trầm ngâm - như cái phòng tôi có tay Lân tay đàn, tay bút thế mà đùng cái đi… Hôm nay cũng được bốn chín ngày mà còn chưa tìm được tay nào thay. Lắm lúc văn nghệ, văn gừng bí phết.
- Ối, thế sao ông không để thằng Đạm nhà tôi nó thử một lần xem?
Thấy ông Thanh còn lưỡng lự, sẵn cái mẹo nhích rào lấn đất, ông Điềm bồi thêm:
- Coi như là tôi cho nó đi hầu việc bác, về vẫn ăn cơm tôi thổi.
Từ hôm đó, ban đầu còn cái sáo trúc cắp nách thủ sẵn bài tủ “Bèo dạt mây trôi”, vài lần được giải ở hội diễn nó lấn sang cả tiểu phẩm tuyên truyền. Chân trong là thế, còn chân ngoài nó lập được mấy đội bát âm cho đám ma, móc nối xe hoa cho đám cưới. Túi lúc nào cũng lủng lẳng hai cái di động, phục vụ hai cung bậc khóc cười của thiên hạ. Lắm khi nó còn trả lời nhầm.
Ấy thế mà, leo mãi, Đạm vẫn mắc ở cái chức phó phòng. Có đứa từng ví làm phó nó như con ruồi mắc vào mạng nhện. Khối đứa thấp hèn nó thèm nhưng phải trong cuộc mới hiểu là… đói. Vút lên chả được, tụt xuống không xong, chỉ có ngồi đợi khô xác cho đến nghỉ hưu.
Ấy thế mà đùng cái, có một quái nhân đến làm cái máu muốn thăng quan của Đạm lại nổi lên. Một hôm đang cùng bố vào thăm một người bạn trong bệnh viện, bỗng nghe tiếng gọi:
- Thằng Điềm, đúng thằng Điềm rồi,…
Láo thật, đứa nào dám xưng hô thế nhỉ. Ở cái thị trấn này hơn tuổi bố mình chắc không quá năm đầu ngón tay. Nhìn trước, ngó sau, Đạm thấy một ông lão dáng người nhỏ thó đang nằm còng queo trong cái chăn xanh của bệnh viện. Lúc ra về, ông Điềm bảo con:
- Ông Đặng đấy, bạn đồng ngũ với bố. Còn một mắt mà vẫn có hai đời vợ, nhà xây mặt phố trên tỉnh, theo bồ nhí giờ sa cơ đến thế.
- Trời, ông ấy làm gì mà giỏi thế bố?
- Làm nghệ sĩ, chỉ có làm nghệ sĩ mới nhanh như thế.
Một lần khi đã thân quen, ông Đặng cũng nói với anh:
- Mày muốn lên chức trưởng phòng ắt phải có cái gì đó đặc biệt hơn những đứa khác.
- Mày làm văn hóa thì phải là nghệ sĩ, hiểu chửa?
Bẵng đi một thời gian, một hôm, gần đến kì sắp xếp nhân sự đại hội, tay trưởng phòng tổ chức cầm sang phòng Đạm bao thuốc lá thơm, tự rút một điếu châm lửa, đầu ngả trên ghế trầm ngâm:
- Hồi nhỏ, tôi và ông từng bỏ học đi bắt chim, bị thầy giáo bắt làm bản kiểm điểm.
- Thầy Hiếu, tôi nhớ!
Đạm trả lời trong khi tim đập thình thịch. Lão này mỗi khi đến phòng ai, tự dưng nói gì đều được người ta đưa lên kính hiển vi để phân tích rồi giảng giải theo bóng chữ, theo “ý tại ngôn ngoại” thành điềm, triệu. Bỗng hắn lại tiếp:
- Ông có nhớ vì lý do gì không?
- À, thì hôm ấy ông bảo phát hiện ra một tổ chim chào mào đã đủ lông có thể nuôi được. Trong ấy, có một con rất đặc biệt, lông trắng muốt.
- Ừ - hắn nhếch mép - ăn thua ở cái đặc biệt đấy ông ạ!
Nói xong hắn chào rồi về phòng.
Đêm. Đạm nằm nghĩ mãi. Tay này thì kín, có chạy tiền cũng không dễ. Mà “đặc biệt” trong lĩnh vực này thì là gì nhỉ? Phải lạ, phải xuất chúng hơn tiêu chuẩn bình thường thì chỉ có làm… nghệ sĩ. Phải, phải nhất định thành được nghệ sĩ. Nhưng mà kiếm đâu ra con đường để thành nghệ sĩ bây giờ? Bỗng dưng, Đạm nhớ đến lão Đặng.
- Phải, tao chỉ cần mỗi con máy Praktica LTL mà thành được nghệ sĩ. Làm nghệ sĩ nhiếp ảnh là dễ nhất, mày cứ cầm máy theo tao dăm bữa, nửa tháng.
Chắc sợ Đạm còn chưa tin, lão Đặng bồi thêm:
- Ngày xưa trên thị xã ít hiệu ảnh, tao chụp, rửa ảnh đến phát nôn ra vì mệt, tiền thì bỏ vào bị cói đêm vợ tao mới dở ra đếm.
Từ hôm ấy, tâm trí của Đạm dồn hết cả vào mấy chiếc máy chụp ảnh. Sau cùng là thuyết phục vợ. Trâm vợ anh là người thận trọng nhưng đàn bà bao giờ cũng linh cảm được cơ hội đổi đời. Nghe chồng bảo, có gã cũng lẹt đẹt đường quan lộ, một hôm vào rừng bẫy chim giải sầu lại vớ được con chim có giọng hót lạ. Sếp ưng lắm và từ đó mọi chuyện lại phăng phăng về đích. Lại có mụ vợ sếp chỉ ưng ăn mắm tép với cơm tám. Phải là loại mắm làm kì công, mỗi lần chỉ một lọ, chưng lên ăn thơm phức… Nhờ thế, cái lập luận của Đạm bắt đầu làm xiêu lòng vợ. Nàng gật. Mười, à không, phải ba mươi triệu. Lão Đặng bảo:
- Thôi được con máy tuy mới ở mức bình dân nhưng “súng kíp” vẫn có thể hạ được máy bay, quan trọng là ở cái đầu của anh.
Lại cái “đầu”, lại mất ngủ trở mình vặt tóc không nghĩ được ra. Cái đầu của anh thổi sáo bấy lâu nó mênh mang gió, hơi thuốc lào, thuốc lá, men nồng, lấy đâu ra sỏi. Thôi, lần này thì “bố chỉ đâu con đánh đấy” cho đỡ hại não. Đạm nói với lão Đặng thế.
Một trưa, sau rất nhiều cuộc điền dã sáng tác mà suy cho cùng, như thằng con út - nó bảo là để ăn cho nhờn mép thì Đạm đã thấy nản. Hay lão Đặng là nghệ sĩ rởm. Nhưng nếu không có tài, cỡ không công ăn việc làm như gã sao sống được, lại còn rủng rỉnh ở đất thị xã? Đang trong sự hồ nghi vào đức tin ấy thì bỗng chẳng thấy lão Đặng đâu, rõ là chiếc túi xách, áo khoác của gã vẫn trên bàn. Bỗng có tiếng gọi thất thanh của gã: “Nhanh lên, bắt lấy nó”. Cỡ lẻo khoẻo như Đặng thì chẳng dám rồi, nhưng mấy thằng choai choai chắc nịch như củ sắn đồi cũng lao vội ra phía đồi cỏ sau nhà hàng “Trâu đồi”. Giữa bãi cỏ mênh mông, lão Đặng đứng như trời trồng, miệng lắp bắp mắt tròn xoe, chỉ có bàn tay kịp hua hua ra hiệu gấp gáp cho Đạm. Đã theo gã nhiều ngày, Đạm nhớ ra lời thầy: “đang có một khoảng khắc trời cho, nghệ sĩ hơn người ta ở chỗ ngộ ra cái “trời cho” ấy mà giành lấy danh vọng, tiền bạc…”. Bấm máy liên hồi tưởng đến liệt cả nút, phải đến khi lão Đặng vỗ vào vai Đạm mới tỉnh ra. Đúng là cuộc săn này cũng đến hồi kết.
Chỉnh sửa, in ảnh rồi cẩn thận đưa đến tận tay lão Đặng, Đạm hồi hộp chờ tin. Bẵng đi một tuần, bỗng một hôm anh nhận được điện của lão Đặng :
- Ảnh của mày… khó.
- Khó mới cần bác giúp.
- Vấn đề là… khung hình đẹp thế lại lọt vào cái cột điện, mày phải làm lại, vào shop xóa ngay rồi đem lên đây đánh tráo cái cũ.
Đạm chả còn nghĩ gì, làm y như một cái máy. Sáng nay, những tấm ảnh đẹp nhất sẽ được trưng bày để bà con đến ngắm. Ban giám khảo cũng sẽ chấm trực tiếp tại đấy. Đạm có mặt từ rất sớm, bỗng nhiên anh thấy trước bức ảnh của mình, có một cô gái còn khá trẻ và xinh đẹp. Nhìn thấy Đạm, cô có vẻ lúng túng.
- Bức ảnh đẹp quá, anh là tác giả phải không?
Nắn lại cổ áo, Đạm thản nhiên:
- Em cũng thích món này à?
- Em thích bức này lắm nhưng tiếc là, nó còn thiếu một cái gì đó…
Đúng là không gì đen bằng sáng ra đã bị gái chê. Cuộc thi kết thúc Đạm chẳng được cái giải gì. Vừa thấy bóng lão Đặng, Đạm đã túm vội tay:
- Thì tao cũng hơn gì mày, ai ngờ được?
- Thế con tưởng ông trong ban giám khảo.
- Hì, tao nói thật, là nhà tao ở sát nhà… thằng nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nên hóng được thế. Nhưng lần này nó cũng chỉ là thành viên.
Đạm thẫn thờ, đúng lúc ấy thì cô gái lại xuất hiện.
- Giá mà, anh đừng xóa đường điện dẫn vào xóm. Em nhớ năm trước các bác cựu chiến binh đã quyên góp để ủng hộ xã làm hệ thống cột điện, dây dẫn kiên cố, chắc chắn để dẫn vào mấy xóm nằm cách biệt để bà con được sử dụng điện.
- Giờ có nói cũng chẳng được gì? Mà em cũng quan tâm điều đó sao
- Vâng, thế nên em tiếc. Có lẽ mọi nghệ thuật đều bắt đầu từ cuộc sống này, em thấy những thứ chỉnh sửa, tô vẽ rất phản cảm. Văn hóa nghệ thuật trước hết phải chân thực, phải vì chính người dân, bởi họ mới thực sự là chủ thể văn hóa. Thôi tạm biệt anh, mong sẽ có dịp gặp lại anh ở các cuộc thi khác.
Cô gái đi rồi, Đạm đứng ngẩn người nhìn theo cái dáng nhỏ nhắn xinh đẹp ấy, còn lão Đặng thì miệng giờ mới mấp máy:
- Nó, nó là trưởng ban giám khảo đấy…