Tọa đàm hướng nghiệp “Nhân sự kinh doanh quốc tế thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” ngày 18/11 tại Đại học Thương mại, sinh viên tham dự có cơ hội được trải nghiệm những tình huống thực tế rất bổ ích cho công việc sau này.
Thời gian vừa qua, khái niệm "Cách mạng Công nghiệp 4.0" được nhắc đến rất nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó, những hứa hẹn về cuộc "đổi đời" của các doanh nghiệp tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này cũng đã được đưa ra. Theo ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử".
So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Điều này đặt ra những cơ hội mới và cả những thách thức mới cho hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, trong đó có ngành kinh doanh quốc tế.
CLB Xuất nhập khẩu khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế - ĐH Thương mại.
Vận hội cũng là thách thức, cách mạng cần phải đổi mới, chuyển biến là để thích nghi. Chính bởi thế Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Thương mại và CLB Xuất nhập khẩu khoa (HEC) đã tổ chức Tọa đàm hướng nghiệp: “Nhân sự kinh doanh quốc tế thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” vào sáng ngày 18 tháng 11 năm 2017 tại hội trường V101. Nội dung chính của buổi “hội thảo mở” này là để giải đáp khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh doanh nói chung và ngành kinh doanh quốc tế nói riêng. Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động hướng nghiệp cho sinh viên do khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trong năm học 2017 - 2018.
Đến với buổi tọa đàm có sự tham dự của thầy PGS.TS Doãn Kế Bôn, Trưởng khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế cùng các chuyên gia đầu ngành, các khách mời và toàn thể các bạn sinh viên quan tâm đến chương trình.
Mở đầu tọa đàm là phát biểu khai mạc của thầy Vũ Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức. Tiếp theo, thầy Nguyễn Duy Đạt, phó trưởng khoa, đã có bài phát biểu sơ lược về nền công nghiệp 4.0 và tác động của nó trong thời đại hiện nay, bên cạnh đó định hướng phát triển các hoạt động liên kết doanh nghiệp trong công tác hướng nghiệp của Khoa. Đại diện BTC cũng có phần quà cám ơn và tri ân nhà tài trợ, anh Nguyễn Văn Đích - Hội xuất nhập khẩu – vươn ra biển lớn và 2 diễn giả khách mời đã đồng hành cùng chương trình.
Tọa đàm chuyển sang phần chia sẻ của diễn giả, với nội dung đầu tiên là “Tuyển dụng nhân sự thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0” của anh Đào Công Tuấn, Ban tổ chức cán bộ ĐH Quốc gia Hà Nội. Với kinh nghiệm nhiều năm tuyển dụng, diễn giả đã làm rõ về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng tuyển dụng nhân sự trong thời kỳ mới và những khuyến nghị chung với sinh viên về kiến thức, kỹ năng, thái độ cần chuẩn bị trước khi tốt nghiệp.
Phần tiếp theo anh Lê Công Minh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư SPG đã có bài trình bày về “Nhân sự kinh doanh quốc tế thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”. Diễn giả đã có những chia sẻ cực kỳ hữu ích thông qua kinh nghiệm tham gia các dự án đầu tư FDI và các hoạt động xuất nhập khẩu. Diễn giải đã làm rõ ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động kinh doanh quốc tế và những yêu cầu với nhân sự kinh doanh quốc tế trong thời kỳ mới.
Phần thứ ba – “Phỏng vấn giả định” được coi là phần được mong chờ nhất trong chương trình. Diễn giả sẽ chọn ngẫu nhiên 1 CV trong số các CV được gửi về cho BTC và tiến hành PV giả định ngay trong chương trình. Kết thúc phỏng vấn, anh Lê Công Minh đã chỉ ra những mặt đã đạt được và những mặt còn hạn chế trong phần phỏng vấn của bạn ứng viên. Qua đó giúp sinh viên hiểu thêm được nhiều điều, những điều tưởng chừng như đơn giản như cách chào nhà tuyển dụng khi vào phòng phỏng vấn, cách giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể,... đều được diễn giả lưu ý cho các bạn sinh viên.
Qua những chia sẻ của các diễn giả, các bạn sinh viên có thể hiểu được phần nào về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những cơ hội và thách thức mà nó đem lại với nguồn nhân lực trẻ. Cuộc cách mạng này đặt ra nhiều yêu cầu lớn cầu mà trước tiên phải kể đến là ngoại ngữ vì tính chất hội nhập của cuộc cách mạng lớn này. Đồng thời các diễn giả cũng đưa ra những lời khuyên cho các sinh viên cần phải chuẩn bị những gì để có thể có kinh nghiệm và tự tin đón nhận công việc trong tương lai.
Trước khi bế mạc chương trình PGS.TS Doãn Kế Bôn đã có đôi lời phát biểu, cảm ơn tới các diễn giả đã có những chia sẻ cực kỳ hữu ích với sinh viên khoa Kinh Tế & Kinh doanh Quốc tế. Thầy cũng đã biểu dương CLB Xuất nhập khẩu Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế đã tổ chức được những chương trình bổ ích cho sinh viên và hy vọng trong thời gian tới CLB sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.
Được biết, trong thời gian tới khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế sẽ kết hợp với CLB Xuất nhập khẩu khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế (HEC) để liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên hơn nữa các buổi chia sẻ và hướng nghiệp cho sinh viên của trường.