Người Hà Nội

“Bông hồng thép” chinh phục “vàng mềm”

Trần Chung 08:06 13/06/2023

“Mình không nhớ bao nhiêu lần phải thuê xe công nông chở đông trùng hạ thảo bị hỏng đi vứt. Sợ nhiều người thấy, mình thường làm vào giữa trưa hay đêm khuya”. Chị Nguyễn Thị Hồng hội viên nông dân xã Dân Hòa, Thanh Oai (Hà Nội) ngậm ngùi khi nhớ về tháng ngày lập nghiệp cơ hàn của mình trên hành trình chinh phục đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý hiếm được coi như “vàng mềm”.

anh-chi-hong-1.jpg
Trải qua bao nhiêu thất bại, chị Hồng vui mừng khi những lọ phôi giống đều sống và bắt đầu mọc lên cây nấm màu vàng

Trả giá bằng thực tế để có… bí quyết!

Vượt qua quãng đường mấy chục km từ trung tâm thành phố cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến xã Dân Hoà. Nằm giữa vùng thôn quê yên ả hiện lên trước mắt chúng tôi là khu trang trại hoành tráng nhà vườn rộng hàng nghìn m2 với cả trăm người đang làm việc tất bật gồm lao động phổ thông, học sinh, sinh viên... Bên cạnh là những dãy nhà thí nghiệm khang trang dành cho nghiên cứu khoa học. Chủ nhà là một phụ nữ trạc tuổi ngoại tứ tuần nhanh nhẹn với mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt phúc hậu và nước da trắng sáng. Đon đả mời khách vào nhà, rót chén nước xanh ngắt nét mặt cười hiền chị giới thiệu đó là một trong những sản phẩm do mình làm ra từ đông trùng hạ thảo.

Xuất phát từ người con Thanh Oai có nghề trồng nấm, năm 2003, một lần tham gia nghiên cứu nấm linh chi, chị tình cờ biết nấm đông trùng hạ thảo. Khi ấy, Việt Nam chưa có bất kỳ tài liệu nghiên cứu hay cơ sở nuôi trồng nào về loại nấm này. Từ niềm say mê nghiên cứu khoa học, năm 2009, chị quyết định một mình sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm những mô hình trồng đông trùng hạ thảo.

Thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn vì toàn bộ công nghệ trồng đông trùng gần như tự mày mò, mua giống rất khó. Sau nhiều lần nhờ bạn bè mua giống Hàn Quốc, Nhật Bản không được, chị tự đến Tây Tạng (Trung Quốc) mua giống và học hỏi thực tế công nghệ. Một thân một mình sang Trung Quốc vất vả vô cùng; không chỉ bất đồng ngôn ngữ mà do kinh tế eo hẹp chị phải “thắt lưng buộc bụng”.

Với mong muốn kết nối bà con nông dân, nhà khoa học và người tiêu dùng, năm 2010, chị thành lập Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc. Khởi điểm chị nuôi cấy đông trùng hạ thảo, hàm lượng hoạt chất sinh học cordycepin (chất quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo) chỉ có 0,37mg/g. Năm 2011 được hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chị nâng hàm lượng hoạt chất quý này lên 3,7mg/g, gấp 10 lần so thời điểm ban đầu.

Công nghệ sản xuất giống Cordyceps militaris tại Việt Nam do không chủ động nguồn giống phải sử dụng các chủng giống cấp 2 từ nước ngoài bằng con đường chính thức hoặc không chính thức nên chất lượng giống không đảm bảo. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của cá thể nuôi cấy. Ròng rã suốt hai năm 2012 – 2013 quá trình sản xuất của chị liên tục thất bại. Thành lập công ty, chị đưa đông trùng hạ thảo vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, triển khai nuôi cấy không dễ dàng; quy mô nhỏ 500 lọ/mẻ khác với quy mô 5.000 lọ/mẻ. Đông trùng hạ thảo khá “đỏng đảnh”, trong khi bản thân chị còn thiếu kinh nghiệm nên những mẻ nuôi cấy đông trùng hạ thảo bị thoái hóa theo từng giờ chứ không phải từng ngày. Có thời điểm cả chục ngàn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Bao nhiêu vốn liếng tích góp từ 6 năm đi làm nhà máy bia và trồng nấm linh chi, nấm rơm, mộc nhĩ, đều… “đội nón ra đi”. Chị bán hết tài sản cũng không đủ trả nợ, vay mượn đầm đìa khắp nơi.

Bồi hồi nhớ lại, chị kể: “Có giai đoạn tôi cùng mấy chị em tranh thủ buổi trưa mang đông trùng đến bãi rác đổ. Tôi sợ nhiều người nhìn thấy, nên có lúc phải đổ vào đêm khuya. Thậm chí bị hỏng nhiều tôi phải thuê xe công nông chở đông trùng đi vứt. Mệt mỏi, cả tháng tôi không ra khỏi phòng thí nghiệm, chỉ nghĩ làm thế nào để mọc được cây. Tôi tự nhủ, làm gì cũng có bí quyết, nhưng chẳng ai chia sẻ nên mình phải chấp nhận trả giá bằng thực tế để có… kinh nghiệm. Trong lúc bế tắc tột độ mình vẫn khát khao muốn phát triển nghề trồng nấm nên cố gắng làm, nghiên cứu và tin kiểu gì cũng tới đích”. Tình cờ nhiều lần nói chuyện với những người nông dân, chị đã tìm ra nguyên nhân đông trùng bị thoái hoá. Sau khi điều chỉnh lại các thông số nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp, các mẻ đông trùng hạ thảo đã thành công. Những lọ phôi giống đều sống và bắt đầu mọc lên cây nấm màu vàng.

Khổ nhiều thành… quen!

Từ tháng ngày đơn độc ra nước ngoài học công nghệ và trải qua hàng loạt thất bại ê chề, cuối cùng chị cũng tìm ra bí quyết trồng nấm đông trùng. Từ một mẻ nấm thành công, chị chia làm năm phần, đóng thùng gửi đi Mộc Châu, Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt, để một phần lại Hà Nội xem nơi nào điều kiện khí hậu giúp nấm phát triển tốt hơn. Kết quả ở Đà Lạt nấm để trong phòng nhỏ, chỉ mở cửa sổ, không cần bật điều hòa mà đông trùng hạ thảo lớn nhanh và đẹp nhất. Vì thế để chủ động nguồn giống đông trùng, ngoài khu nuôi trồng tại Hà Nội diện tích 9.929 m2, năm 2014 chị quyết định xây dựng thêm cơ sở sản xuất rộng 5.000 m2 tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là giống bản địa được lấy trên đỉnh Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, có khả năng sinh tồn tốt, ít bị thoái hoá. Hàm lượng hoạt chất cordycepin trong đông trùng thành phẩm của công ty lên đến 10mg/g, gấp gần 30 lần so với thời điểm ban đầu. Hiện, chị đã đầu tư trang thiết bị nhà xưởng, tự động hóa các quy trình kiểm soát điều kiện nuôi trồng.

anh-2.jpg
Chị Hồng trong những lần lên dãy Hoàng Liên Sơn tìm đông trùng 

Chị cho biết: Năm 2020- 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi cùng công nhân công ty nỗ lực vượt qua. Điều mà tôi thấy may mắn không phải là vẫn tiêu thụ được sản phẩm hay là “3 tại chỗ” thành công, mà đã hỗ trợ được rất nhiều cho bà con nông dân nuôi tằm. Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc đã kết nối tiêu thụ được một số lượng lớn kén tằm cho bà con ở Thanh Hoá, Yên Bái, Hà Nội, Thái Bình. Bình quân mỗi tháng thu mua khoảng 3 – 5 tấn kén cho bà con. Theo tôi, để sản xuất bài bản, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ. Nông dân có nguồn nông sản, doanh nghiệp có dây chuyền, công nghệ chế biến sâu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nông dân không phải lo lắng dồn ứ khi thị trường bị đóng băng hoặc tiêu thụ khó khăn. Hiện nay, hàng năm mình cung cấp khoảng 27 tấn dược liệu tươi; doanh thu năm 2022 đạt 50,085 tỷ đồng; số lao động làm viêc thường xuyên là 98 người, đảm bảo thu nhập bình quân là 8 triệu đồng/người/tháng.

“Nông nghiệp là cơ thể sống, thay đổi liên tục cho nên ngày nào mình cũng có cái mới để nghiên cứu, xử lý. Có khi cùng được nuôi cấy trong một lọ nhưng các con giống lại có hàm lượng khác nhau?... Đấy là những khó khăn của người làm nông nghiệp. Vì vậy, chọn lập nghiệp từ nông nghiệp mình phải thực sự tâm huyết. Trải qua bao biến cố thăng trầm, có lẽ do khổ nhiều thành quen, lâu dần mình coi khó khăn là niềm vui và đam mê”- chị Hồng thổ lộ.

Từ chuyện một người lạ cho hơn 300 triệu đồng

Bằng nghị lực và ý chí phi thường vượt lên hoàn cảnh khẳng định bản thân, không những làm giàu ngay trên cánh đồng quê hương mà chị còn có tấm lòng nhân hậu, san sẻ đồng cảm với nhiều người yếu thế. Từ năm 2017 đến nay, chị đã chi cả chục tỷ đồng làm thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, hướng về cộng đồng như xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng học sinh, sinh viên nghèo vượt khó,... Riêng năm 2021, chị chi 1.114.500.000 đồng làm công tác xã hội. Bình quân mỗi năm chị giúp hàng chục hộ gia đình nông dân thoát nghèo. Ghi nhận những việc làm nhân văn sâu sắc ấy, năm 2022, chị được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Còn nhớ, năm 2011, khi chị đang bắt tay trồng nấm rơm, nấm linh chi, mộc nhĩ... ở quê có một người Mỹ về thăm. Bà khách ngoại quốc thấy một cô bé nhếch nhác nhà quê đang cùng mấy nông dân chăm sóc, hái nấm thủ công. Nhìn dáng nhỏ thó lam lũ mồ hôi nhễ nhại nhưng chịu khó của chị, bà khách bắt chuyện: “Bây giờ cháu cần gì?. Chị bảo: “Tôi cần máy hỗ trợ đảo mùn cưa cho đỡ vất”. Bà nói: “Cháu tính xem tổng cộng bao nhiêu tiền?”. Chị cộng đi, cộng lại mấy cái máy sàng, máy đóng, máy trộn mùn cưa hết khoảng 200 triệu đồng. Đó là khoản tiền quá lớn đối với một cô gái nhà nghèo đang ước ao làm giàu. Nghe xong, bà khách hỏi tiếp: “Nếu sau này cháu giàu sẽ làm gì?”. Lúc đó đang nghèo rớt mồng tơi, chị nào dám nghĩ có ngày giàu. Nhưng chị vẫn trả lời bà khách: “Nếu giàu tôi sẽ giúp người khác cùng giàu!”. Bà khách nghe xong không nói gì, đứng lên về luôn. Sau đó không lâu, bà ấy gửi đến cho chị hơn 300 triệu đồng. Khoản tiền đó đã góp phần giúp chị cầm cự, vượt qua giai đoạn gian nan thời khởi nghiệp. Sau này có dịp gặp lại bà khách, chị hỏi: “Vì sao bà cho tôi nhiều tiền thế?”. Bà nói: “Cháu muốn giàu hãy làm cho người khác giàu trước. Cháu muốn khỏe hãy làm cho người khác có sức khỏe”…

Chị chia sẻ: “Từ câu chuyện trên mình rút ra phương trâm nếu muốn gì sẽ giúp người khác được cái đấy trước. Vì vậy hiện nay không chỉ giúp người dân làm giàu, mà mình còn đang hỗ trợ 100% cho tất cả học sinh, sinh viên trên cả nước có nhu cầu tìm hiểu, thực hành, khởi nghiệp về nông nghiệp. Mình mong, trong số những bạn sinh viên đó sẽ có người yêu nông nghiệp. Mình tin khi thành công các bạn sẽ nhớ có một người từng giúp các bạn để các bạn lan toả tình thương "lá lành đùm lá rách". Mình cứ làm và nghĩ thế thôi cũng đủ ưng lòng. Như mình, vô tình gặp người khách lạ tốt bụng ngày nào nên mới có ngày nay”- thoáng chốc mắt chị ưu tư, nhìn xa xăm mà giọng chùng xuống./.

Bài liên quan
  • Bài 2: Xây dựng xã hội học tập từ thư viện “cấp thôn”
    Hơn 20 năm qua, có một thư viện cấp thôn tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội) đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân đến đọc sách, mượn sách, góp phần đẩy mạnh phong trào xã hội học tập, học tập suốt đời. Đó  là Thư viện thôn Bình Vọng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • [Podcast] Bánh đúc riêu cua – Món ngon của người Hà Nội xưa
    Hà Nội là nơi lưu giữ những hương vị khó quên với những món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy của đất trời, của văn hóa, của con người, được tích tụ và lan tỏa theo chiều dài hơn 1000 năm lịch sử. Và có một món ăn dân dã, bình dị nhưng đã đi cùng bao thế hệ người Hà Nội, nhất là những ai từng lớn lên trong những con phố nhỏ. Một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi lên cả một trời ký ức: Bánh đúc riêu cua.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
“Bông hồng thép” chinh phục “vàng mềm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO