Bộ phim tài liệu "Dearest Viet" về cặp song sinh Việt - Đức lấy đi nhiều nước mắt khán giả
"Dearest Viet", phim tài liệu về người em trong ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức nổi tiếng cách đây 36 năm, lấy nước mắt khán giả khi công chiếu ở Liên hoan phim Quốc tế TPHCM.
Buổi chiếu Dearest Viet có tựa Việt là Việt yêu dấu trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP HCM, tối 8/4, thu hút khoảng 200 khán giả. Sau khi công chiếu, bộ phim nhận tràng vỗ tay giòn giã của hàng trăm khán giả. Buổi giao lưu giữa ê-kíp làm phim và nhân vật chính cũng khiến nhiều người bật khóc vì xúc động.
Dearest Viet do đạo diễn Kohei Kawabata thực hiện. Đây là phim đồng hợp tác sản xuất năm 2023 giữa Nhật Bản và Singapore nhân dịp tri ân 35 năm cuộc phẫu thuật mổ tách cặp song sinh dính nhau Việt - Đức, đồng thời kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam.
Bộ phim tài liệu dài 73 phút, kể cuộc sống thường nhật của Nguyễn Đức, một trong hai anh em sinh đôi. Sau ca mổ tách rời, anh may mắn sống sót cho đến hiện tại, còn người anh tên Nguyễn Việt qua đời năm 2007.
Khi phim đã kết thúc và anh bước lên giao lưu cùng khán giả, Nguyễn Đức khóc như mưa bởi đây là bộ phim chân thực nhất về cuộc đời anh, nơi anh dâng tặng tất cả yêu thương cho người anh Nguyễn Việt quá cố cùng gia đình nhỏ của mình.
Người phiên dịch phải bỏ dở câu nói và bật khóc giữa chừng khi chứng kiến những giọt nước mắt xúc động của anh Nguyễn Đức.
Trong phim, khán giả thấy Nguyễn Đức luôn lạc quan dù phải chịu đựng nhiều cơn đau do bệnh tật mang lại. Anh cho biết sau ca mổ năm 1988, anh có thêm nhiều ca mổ mà không ai biết. Đau đớn luôn kề cận nhưng anh vẫn nỗ lực, trân quý từng phút giây trong cuộc sống.
"Tôi đau lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng vì 2 điều. Một là vì người anh trai của tôi. Thứ hai là tôi muốn sống để thấy 2 con của tôi trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội", Nguyễn Đức chia sẻ.
Bộ phim Dearest Viet đưa khán giả đến với Đức của hiện tại.
Anh đang là một người chồng, cha của cặp song sinh Phú Sĩ - Anh Đào 14 tuổi, làm việc tại làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ - ngôi nhà của những đứa trẻ bị bỏ rơi, như chính anh và Nguyễn Việt ngày xưa.
Hai đứa con như hình ảnh của Đức thời niên thiếu: vui vẻ, hoạt bát, vẫn còn vô tư. Mỗi khi bố kể chuyện về bác Việt, xem lại những hình ảnh thời dính liền của bố và bác Việt, cả hai đều rất xúc động, đôi khi ngượng nghịu không biết diễn tả suy nghĩ của mình.
"Anh Việt à, khi bộ phim chiếu ra, em hy vọng anh Việt hiểu em mong muốn làm bộ phim này để dành tặng cho anh. Anh đã hy sinh để em có được ngày hôm nay. Em đã cố gắng sống thật tốt để làm tròn trách nhiệm của mình, tận hưởng những gì anh chưa tận hưởng được. Em rất thương anh và luôn nghĩ về anh" - anh Đức nhắn nhủ cuối bộ phim.
Ở phần giao lưu, nhân vật chính - Nguyễn Đức, 43 tuổi - khóc cho biết: "Nếu không có những bác sĩ phẫu thuật, trong đó có má Phượng, sẽ không có tôi ngày hôm nay".
Đúng lúc ấy, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một trong những người mổ tách hai anh em bất ngờ đứng dậy từ hàng ghế khán giả, bước lên sân khấu ôm lấy Đức. Nhiều khán giả rơi nước mắt khi chứng kiến cuộc hội ngộ, trong đó có đạo diễn, nhà sản xuất người Nhật.
Trên sân khấu, bác sĩ Ngọc Phượng ôn kỷ niệm về ca phẫu thuật. Bà gọi Nguyễn Đức là "bé Đức", theo cách năm xưa bác sĩ vẫn gọi khi chăm sóc hai anh em. "Nguyễn Đức năm nay 43 tuổi, nhưng với tôi, con vẫn là bé Đức như ngày tôi ẵm trên tay, bế sang Nhật để điều trị", bác sĩ nói.
Bà Ngọc Phượng cho rằng thành công lớn nhất của ca mổ là mang lại cuộc sống bình thường cho Nguyễn Đức. Có dịp tiếp xúc trước cuộc đại phẫu, bác sĩ dần cảm mến, xem Nguyễn Đức như con ruột. Sau này, lúc Nguyễn Đức có hai con, bà nhận cả hai làm cháu./.