“Bầu Show - Độc cầm thanh âm”: Khi âm nhạc truyền thống và hiện đại cùng hoà nhịp
Đàn bầu, từ lâu đã gắn liền với các thể loại âm nhạc dân gian như hát Xẩm, hát Chèo. Tuy nhiên, ngày nay, với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đàn bầu đã có những thay đổi, biến tấu để hòa mình vào dòng chảy âm nhạc hiện đại. Đó cũng là “thời khắc chuyển mình” được thể hiện rõ tại sự kiện “Bầu Show - Độc cầm thanh âm” do Further, nhóm sinh viên chuyên ngành Quản lý giải trí và sự kiện của Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào ngày 20/6 vừa qua. Sự kiện không chỉ đánh dấu sự kết hợp độc đáo giữa âm thanh mộc mạc của đàn bầu và nhạc điện tử, mà còn mở ra một không gian âm nhạc sáng tạo, mang lại những trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn cho khán giả.
Sự kiện “Bầu Show - Độc cầm thanh âm” với đàn bầu là chủ thể chính được khai thác và thể hiện trong ba hồi chương: từ lặng lẽ âm thầm và ẩn mình bổ trợ các thể loại âm nhạc dân gian như hát Xẩm, hát Chèo trong hồi 1: Thanh âm thời gian đến khi không còn gò bó trong vai trò phụ trợ, vai trò “đệm hát” mà đàn bầu đã “cất lên tiếng hát” với những giai điệu độc tấu ở hồi 2: Giai điệu độc tấu và hòa nhịp với dòng chảy đương đại khi kết hợp với nhạc điện tử qua hồi 3: Thanh âm thời đại.
Từ ẩn mình lặng lẽ đến “độc cầm thanh âm”
Đàn bầu (hay còn gọi là Độc Huyền Cầm) là một nhạc cụ thuần Việt nhất, đặc trưng nhất của dân tộc Việt và cũng được coi là một trong số hiếm hoi những cây đàn độc nhất vô nhị trên thế giới bởi cấu trúc, âm thanh cũng như lối diễn tấu không giống bất kỳ một loại nhạc cụ nào.
Trong văn hóa Việt Nam nói chung, trong nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đàn bầu giữ một vị trí bền vững không thể phủ nhận. Từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, các lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử để hai chữ “Việt Nam” hiên ngang sánh vai với các cường quốc năm châu, và cũng từng ấy năm, đàn Bầu với những âm hưởng “tích tịch tình tang” du dương, trầm lắng vẫn luôn tồn tại trong huyết mạch dân tộc, lặng lẽ âm thầm và ẩn mình bổ trợ các thể loại âm nhạc dân gian như hát Xẩm, hát Chèo…
Tiếng đàn bầu như “những giọt âm thanh tâm hồn của dân tộc”, chứa đựng cả nhiều âm hưởng đa sắc văn hóa. Dù là trong những lúc thăng trầm, hay trong những thời kỳ hưng thịnh, tiếng đàn bầu vẫn vang lên, như một lời nhắc nhở về cội nguồn, về truyền thống văn hóa phong phú và sâu sắc của dân tộc.
Theo thời gian, không chỉ dừng lại ở vai trò bổ trợ cho các thể loại âm nhạc dân gian, đàn bầu đã dần trở thành một nhạc cụ độc lập với những giai điệu độc tấu đặc trưng khó có thể thay thế. Sự “lột xác” ngoạn mục này là kết quả của bao nỗ lực bền bỉ từ nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ. Họ đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, mầu âm và ngoại hình thân đàn để đáp ứng thị hiếu của thời đại và cho ra đời những tác phẩm dành riêng cho đàn bầu. Nó cũng là minh chứng cho khả năng thích ứng và sáng tạo của nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Tiếng đàn bầu như lời thủ thỉ, kể chuyện về quê hương, về tình người, về những giá trị nhân văn cao cả. Qua từng phím đàn, từng giai điệu, đàn bầu không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là một biểu tượng của văn hóa và tâm hồn Việt Nam.
Hòa mình vào dòng chảy đương đại
Theo dòng chảy của thời gian, những nghệ sĩ, nghệ nhân đàn bầu đã không ngừng sáng tạo và khám phá các kỹ thuật mới để làm phong phú thêm âm sắc của đàn bầu. Từ hình dáng đến chất liệu làm đàn; từ tác phẩm đến cách thức trình diễn, kỹ năng chơi đàn, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức âm nhạc của con người Việt Nam hiện đại. Chính nhờ sự đổi mới này, đàn bầu không chỉ giữ được vị trí quan trọng trong âm nhạc truyền thống mà còn phát triển ở những sân khấu âm nhạc hiện đại.
Chia sẻ tại sự kiện, NSƯT Xuân Diệu - Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, hiện nay đàn bầu đã được cải tiến cộng hưởng với âm nhạc điện tử để cho âm thanh đàn trở nên vang hơn, nhưng tiếng đàn bầu vẫn luôn giữ được sự “mộc mạc” đặc trưng của nó. Sự kết hợp này đã tạo ra những trải nghiệm âm nhạc mới lạ và hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của nhiều thế hệ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, những người yêu thích sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Sự đổi mới trong cách biểu diễn và kỹ thuật chơi đàn đã mở ra những cơ hội mới cho nghệ sĩ đàn bầu, trong đó có các nghệ sĩ trẻ. Họ không chỉ được truyền cảm hứng từ những giá trị truyền thống mà còn được khuyến khích sáng tạo, khám phá những hướng đi mới trong âm nhạc. Điều này đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc âm nhạc dân tộc, đồng thời giúp đàn bầu tiếp cận được nhiều hơn với thế hệ khán giả hiện đại.
Theo đó, các tiết mục biểu diễn tại “Bầu Show - Độc cầm thanh âm” đã minh chứng cho sự linh hoạt và khả năng thích ứng của đàn bầu trong nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Từ những bản nhạc dân gian đậm chất Việt đến những giai điệu pop, rap và đặc biệt là nhạc điện tử, tất cả đều được thể hiện một cách tinh tế và hài hòa. Tiếng đàn bầu vẫn giữ được cái hồn mộc mạc, giản dị, nhưng cũng không kém phần hiện đại và phong phú khi được pha trộn với âm nhạc hiện đại.
Nhìn chung, sự đổi mới trong cách biểu diễn và kỹ thuật chơi đàn bầu không chỉ tạo ra những cơ hội mới cho các nghệ sĩ mà còn góp phần làm giàu thêm di sản âm nhạc dân tộc. Sự kiện “Bầu Show - Độc cầm thanh âm” đã cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa các sắc thái trong âm nhạc, phản ánh sự đa dạng, phong phú khi các nền văn hóa giao thoa với nhau./.