Bát bún 5 nghìn đồng giữa lòng Thủ đô
Trên con phố nhỏ 245 Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có một quán bún riêu đầy đủ riêu cua, đậu, chả cua mà chỉ có giá 5 nghìn đồng.
Với mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chị Vũ Thị Thu Huyền (sinh năm 1992, chị chủ của tiệm Bếp Huyền Anh) đã duy trì, đều đặn mỗi ngày, chuẩn bị 200 suất bún với giá 5 nghìn đồng, hỗ trợ những người kém may mắn hơn trong cuộc sống này.
Bên cạnh những bát bún 5 nghìn đồng, quán vẫn bán với giá bình thường cho các đối tượng khách hàng khác như: người dân lao động bình thường, nhân viên văn phòng,...
Chị Huyền cho biết, từ lâu, chị đã ấp ủ quán bún giá rẻ dành cho người lao động nghèo nhưng nay mới có cơ hội để làm. Đây là việc làm tự phát, từ sự đồng cảm với những người khó khăn, chứ chị không đi kêu gọi ủng hộ, quyên góp từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào khác.
"Để có kinh phí thực hiện những bát bún 5 nghìn đồng, tôi đã trích một phần từ hoạt động kinh doanh của quán và thu nhập riêng của cá nhân", chị Huyền chia sẻ.
Nhờ tấm lòng nhân ái của chị Huyền, đều đặn mỗi ngày, hàng trăm người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều được ăn uống đủ đầy hơn và bớt đi những gánh nặng về mặt tài chính.
Thực khách đến ăn tại quán, không chỉ được thưởng thức một bát bún ngon "đầy đủ hương vị tình thương" mà còn nhận được sự tận tình, chu đáo của chị chủ và nhân viên quán. Với chị Huyền, nấu cho mọi người cũng như nấu cho chính mình nên bún ngon thôi chưa đủ mà cần phải sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm nữa.
Vì quán bún gần xóm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai nên phần lớn khách hàng đến đây là những bệnh nhân trong viện.
Chị Đặng Khánh Ly (sinh năm 1993) đã chạy thận ở đây 11 năm. Sau khi thăm khám từ Bệnh viện Bạch Mai về, chị vô tình đọc được tấm biển treo ở trước quán nên tò mò vào ăn thử.
Chị Ly chia sẻ, “tôi chạy thận cũng được 11 năm, đối với người bệnh như tôi ngoài việc uống thuốc với đi chạy thận, bữa ăn cũng rất quan trọng. Nếu không đầy đủ chất sẽ bị tụt hồng cầu. Có những lúc, kinh tế không đủ buộc tôi phải cắt giảm đi khẩu phần ăn để có tiền trang trải những cái khác".
“Mỗi sáng thức dậy, mình không cần tính toán lời lãi, chỉ cần làm việc thiện để cho đi và nhận lại nụ cười, thế là mình thấy hạnh phúc. Đây mới là công việc mà mình yêu thích nhất”, chị Huyền chia sẻ./.