Báo Văn nghệ kỷ niệm 75 năm ra số đầu tiên (1948 - 2023)
Sáng ngày 26/10/2023, Lễ Kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên (1948 - 2023) đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Tại buổi lễ, Báo Văn nghệ vinh dự nhận được thư và lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Tham dự Lễ kỷ niệm có gần 400 khách mời là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện các đơn vị kết nghĩa là các tạp chí văn nghệ địa phương; nguyên cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên đã và đang công tác tại Báo Văn nghệ và đông đảo các văn nghệ sĩ, cộng tác viên, bạn đọc thân thiết.
Trong thư chúc mừng, đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự tri ân tới các văn nghệ sĩ thế hệ tiền bối và đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà báo, cộng tác viên đã và đang đóng góp sức lực, trí tuệ và tài năng để làm nên truyền thống tốt đẹp đáng tự hào của Báo Văn nghệ, góp phần xây dựng nền văn hóa cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển. Tổng Bí thư cũng khẳng định, suốt 75 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày ra số đầu tiên đến nay, làm theo lời dạy của Bác Hồ Kính yêu “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, vượt qua bao gian khổ ác liệt của chiến tranh và những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới của đất nước, Báo Văn nghệ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt với sự góp mặt của nhiều cây bút chất lượng có tên tuổi được bạn đọc quý mến… Với những cố gắng, nỗ lực, thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ văn nghệ sĩ, người làm báo Văn nghệ trong 75 năm qua, Báo Văn nghệ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
“Nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn sắp tới đang đặt ra nhiều vấn đề mới và phức tạp, đòi hỏi sự sáng tạo và nỗ lực rất lớn, sự đóng góp tích cực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà và những người làm báo Văn nghệ. Tôi tin tưởng và mong rằng, dưới ánh sáng của các nghị quyết của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất định những người làm báo Văn nghệ cùng với đội ngũ cộng tác viên hùng hậu của mình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, đoàn kết, ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ để có nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí có giá trị cao, xứng đáng là một trong những cơ quan báo chí trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Báo Văn nghệ (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) trước đây là Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam). Cách đây 75 năm, vào tháng 3/1948, số báo đầu tiên của Báo Văn nghệ đã ra đời tại xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trong khói lửa kháng chiến chống Pháp. Đó là tiếng nói của các văn nghệ sĩ kháng chiến kiến quốc như Tố Hữu, Văn Cao, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi…
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng Biên tập Báo Văn nghệ xúc động chia sẻ, 75 năm là một chặng đường dài đầy thăng trầm, gian lao. Dù vậy, Báo Văn nghệ luôn lấy bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh làm ngọn đuốc soi đường, hội tụ được sự cộng tác của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi và uy tín vừa là những chiến sĩ can trường trên mặt trận kháng chiến như Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh… Cho đến nay, Báo Văn nghệ đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác có uy tín và trở thành “thương hiệu”, là nơi phát hiện, nuôi dưỡng và tạo động lực cho nhiều cây viết tiềm năng trở thành những tên tuổi quan trọng trên văn đàn như Ma Văn Kháng, Lý Biên Cương, Bùi Bình Thi, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Đăng Khoa, Pờ Sào Mìn,...
Tổng Biên tập Báo Văn nghệ tự hào vì Báo Văn nghệ đã không bị nhấn chìm trong cơ chế thị trường, mà đã làm báo bằng tình yêu, sự nhiệt huyết và sự cộng hưởng tài năng của cả một đội ngũ hùng hậu những người yêu văn chương, nghệ thuật, yêu lý tưởng chân - thiện - mỹ trên khắp đất nước.
“Sự ra đời của một tờ báo sẽ không có ý nghĩa gì, nếu nó không thực sự trở thành một diễn đàn lớn, có sức tập hợp và hội tụ đội ngũ những người sáng tạo văn chương, nghệ thuật vì một lý tưởng chung cao đẹp”, nhà văn Khuất Quang Thụy nhấn mạnh.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, Báo Văn nghệ đã có nhiều thay đổi qua các giai đoạn, thời kỳ nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là lương tri của các nhà văn với dân tộc, với con người. Con đường của Báo Văn nghệ không chỉ là con đường của báo chí cách mạng mà nhiều hơn thế, còn là con đường của một nền văn hóa…
“Dịp kỷ niệm này là cơ hội để chúng ta nhìn về quá khứ mà biết ơn, trân trọng các thế hệ tiền bối; để học hỏi và duy trì những giá trị cốt lõi và vươn đến tương lai với một giai đoạn mới trong thời kỳ đầy khó khăn, thử thách phía trước. Báo Văn nghệ không chỉ là một tờ báo của nhà văn mà còn là di sản của báo chí cách mạng Việt Nam, là minh chứng của sự đúng đắn trong đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Đừng để di sản đó biến mất khỏi đời sống này. Phải làm sao để di sản đó phát triển, lan tỏa và mang lại nhiều giá trị văn hóa hơn nữa, góp phần vào cuộc chấn hưng văn hóa đất nước trong thời đại mới này", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của Lễ kỷ niệm, Ban Biên tập Báo Văn nghệ đã ra mắt giao diện mới Báo Văn nghệ điện tử tại địa chỉ: baovannghe.com.vn; baovannghe.vn và Báo Văn nghệ trẻ điện tử tại địa chỉ: vannghetre.com.vn; vannghetre.vn./.