Sự kiện & Bình luận

Bão số 3 tại Hà Nội: Cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân được đảm bảo an toàn

Phạm Quỳnh - Đình Thế 08/09/2024 15:34

Bão số 3 đã đi qua Hà Nội, nhưng nhờ sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị Thành phố đến cơ sở trong công tác phòng chống bão, Hà Nội đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra.

Thông tin từ một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội về phòng, chống bão số 3 cho thấy, ngoài thiệt hại thuộc về yếu tố khách quan (thiên nhiên) do gió, dông lốc, mưa lớn gây ra như cây đổ gãy, nhà dân tốc mái, ngập hoa màu… thì các địa phương đã làm tất cả những gì tốt nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố để đảm bảo an toàn, tính mạng người dân trước, trong bão số 3.

Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng, ảnh hưởng của bão số 3, tính đến sáng 8/9, quận không có thiệt hại về người. Có 1 nhà tốc mái, 1 nhà kho Công ty giầy Thượng Đình, 5 mái nhà dân hư hỏng. Trên địa bàn quận có 6 trạm biến áp bị chập điện, đến nay đã xử lý xong 5 trạm còn 1 trạm đang khắc phục. Ngoài ra, có 2 cột điện bị gãy; 3 ô tô, 1 xe máy hư hỏng; 370 cây bị gẫy đổ. Các lực lượng xung kích các phường phối hợp các đơn vị liên quan xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến giao thông.

a-hai-thanh-xuan.jpg
Đồng chí Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 tại phường Thanh Xuân Bắc, sáng 8/9.

Trong sáng nay, 8/9, đồng chí Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 tại phố Nguyễn Quý Đức - phường Thanh Xuân Bắc. Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của quận Thanh Xuân trong việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão; quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huy động được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân; chuẩn bị điều kiện, phương tiện, vật chất phòng chống bão kịp thời, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra…

Để nhanh chóng khắc phục sự cố do bão gây ra, đồng chí Hà Minh Hải yêu cầu quận Thanh Xuân tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Sơn Tây, cho biết, ảnh hưởng của bão số 3, tổng cộng 424 cây các loại (cây nội thị do thị xã quản lý, cây ngoài vành đai do thành phố quản lý, cây nhỏ và vừa trong khu dân cư) bị gãy, đổ. 24 vụ sự cố trên 12 lộ đường, 6 vụ tốc mái; 2 vụ tường bao bị đổ; 27 ha lúa bị ngập, 52,5 ha lúa bị gãy đổ; cây màu, cây rau, cây khác bị ngập 1,6ha, gãy đổ 15,9 ha. Các xã phường cũng đã di dời 33 hộ dân đến nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Thị xã Sơn Tây không có thiệt hại về người do bão số 3.

son-tay.jpg
Sáng ngày 8/9, đồng chí Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy và các đồng chí lãnh đạo thị xã trực tiếp kiểm tra công tác xử lý các thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số xã, phường trên địa bàn.

Để đảm bảo tốt việc khắc phục các hậu quả do bão gây ra, ngay trong sáng ngày 8/9, các đồng chí lãnh đạo thị xã đã trực tiếp kiểm tra công tác xử lý các thiệt hại do bão số 3 gây ra tại một số xã, phường. Thay mặt lãnh đạo thị xã, đồng chí Trần Anh Tuấn – Thành ủy viên - Bí thư Thị ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, hệ thống chính trị các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp tục khắc phục hậu quả do bão gây ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị, khu dân cư, tổ dân phố và nhà mình để sớm đưa thị xã Sơn Tây trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.

UBND các xã, phường chủ động tổ chức giải tỏa kịp thời cây đổ, gãy không để ùn tắc giao thông. Rà soát cây xanh, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Quân số huy động gồm lực lượng công an, quân đội, UBND các xã phường tổ chức ứng trực Ban chỉ huy, lực lượng quân sự xã để khắc phục kịp thời các sự cố cây đổ gãy.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì chế độ trực 24/24h tại Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các điếm canh đê cũng như các đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra. Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và tình hình mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho Nhân dân trên địa bàn.

Tại huyện Thanh Oai, chịu ảnh hưởng trực tiếp của báo số 3 với gió thổi mạnh và mưa lớn, tấm tôn và biển hiệu bay đổ, một số cây cối dọc đường bị gió bão quật ngã. Khi bão đổ bộ, người dân đã chấp hành và tuân thủ khuyến cáo của các cấp không có việc thật sự cần thiết đã hạn chế ra đường… Về thiệt hại nông nghiệp, khoảng 3.500ha lúa và chưa có diện tích lúa bị ngập nước, có khoảng 5ha rau, màu bị dập nát và hư hỏng tại huyện Thanh Oai.

thanh-oai-4.jpg
Ông Nguyễn Xuân Đại- Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Thanh Oai, chiều 7/9.

Tuy nhiên, do có sự chủ động, lên phương án kế hoạch từ trước để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, huyện Thanh Oai đã tập trung chỉ đạo các đơn vị địa phương. Các trạm bơm đã ứng trực 100% quân số đảm bảo làm nhiệm vụ, các đê kè được tu bổ, khơi thông dòng chảy kênh mương…

Huyện Thanh Oai tập trung đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để nhân dân ở lại khu vực nguy hiểm khi có bão, mưa lớn, lũ, ngập. Bên cạnh đó, kiểm tra các công trường xây dựng đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị, phương tiện, vật tư; kiểm tra, cắt tỉa cây cối trên các tuyến đường giao thông; kiểm tra các cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... đôn đốc các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở có phương án đảm bảo an toàn cho con người và tài sản. Các xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo công tác rà soát các phương án PCTT&TKCN, phương án đảm bảo đời sống dân sinh, phương án phục hồi sản xuất... đảm bảo sát và phù hợp với thực tiên tại địa phương.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì, tính đến 6 giờ sáng 8/9, trên địa bàn đã bị gãy đổ 3.597 cây xanh. Lực lượng chức năng đã khắc phục được 1.030 cây; đang tiếp tục huy động lực lượng để xử lý đảm bảo giao thông cho nhân dân.

thanh-tri(1).jpg
Chính quyền địa phương huyện Thanh Trì di chuyển các hộ dân đến nơi ở an toàn tránh bão số 3.

Có 5 công trình trường học, chợ bị tốc mái. Thiệt hại sản xuất nông nghiệp với 527ha lúa bị đổ ngập. Trên địa bàn huyện có 19 lộ, nhánh đường dây trung thế bị mất điện; gãy đổ 16 cột điện. EVN Thanh Trì đã khắc phục hoàn toàn được 15 lộ đường dây và nhánh. Toàn huyện đã di chuyển 52 hộ dân gồm người gia neo đơn, hộ nông nghiệp tại các diện tích chuyển đổi thủy sản, trồng hoa cây cảnh, công nhân tại các công trình đang thi công với 189 người đến nơi ở an toàn.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai, trước khi bão số 3 đổ bộ, Huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra. Thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện Quốc Oai chưa ghi nhận thiệt hại về người, có 241 cây to, cây bóng mát bị gãy, đổ. 210 ha lúa bị đổ. Đồng thời, 676 ha lúc bị ngập do mưa lớn và khoảng 180 ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại.

quoc-oai-2.jpg
Lãnh đạo huyện Quốc Oai kiểm tra hiện trường, triển khai công tác khắc phục sự cố do bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện, sáng 8/9.

UBND các xã, trị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động tổ chức giải tỏa kịp thời cây đổ, gãy không để ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, cưa cành, thu dọn cây đổ, trả lại giao thông thông thoáng trên các tuyến đường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới người dân cũng như các công trình nhà ở của người dân, công trình công cộng. Sáng 8/9, các đồng chí lãnh đạo huyện Quốc Oai cùng đoàn công tác đã đến các xã, thị trấn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi mưa bão để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Trước mắt, huyện Quốc Oai tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ, ngập úng xảy ra đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi, giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn lưới điện, thông tin, chiếu sáng, nước sạch, vệ sinh môi trường, rò rỉ chất thải, hóa chất độc hại, phòng chống dịch bệnh, trật tự, an toàn xã hội,…/.

Bài liên quan
  • Hà Nội: Báo động lũ trên sông Bùi, sông Tích
    Hiện tại mực nước sông Bùi, sông Tích đang lên nhanh đáng báo động, cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm khi lũ lên cao gây sạt lở đất ở vùng ven sông, nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất,...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thủ đô Hà Nội trở lại phong quang, sạch đẹp sau bão lũ
    Bão số 3 kèm mưa lớn trong những ngày qua làm ảnh hưởng nặng nề đến các công trình, cảnh quan đô thị, nhà cửa, cây cối… lực lượng chức năng, người dân Thủ đô đã chung tay dọn dẹp, tái thiết để trả lại bộ mặt xanh, sạch đẹp cho thành phố.
  • [Podcast] Hoàng thành Thăng Long – Chứng nhân lịch sử lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày Giải phóng Thủ đô
    Vào lúc 15 giờ (10/10/1954), lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự tham gia của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và đông đảo người dân Hà Nội. Ngày 10/10/1954 trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
  • [Podcast] Câu chuyện truyền thanh: Công tác lưu trữ hồ sơ và báo cáo của cảnh sát biển Việt Nam
    Hải và Thuỷ đang bê những thùng tài liệu lên xe chuẩn bị rời khỏi khách sạn, vừa đi Thuỷ vừa quay sang hỏi Hải: Công tác lưu trữ hồ sơ và báo cáo của cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào?
  • Thủ tướng chủ trì hội nghị khắc phục hậu quả bão lũ
    Sáng 15-9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (bão Yagi) về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
  • Huyện Sóc Sơn khắc phục hậu quả sau bão lũ
    Là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Sóc Sơn trong đợt mưa lũ vừa rồi, người dân các thôn Hòa Bình, An Lạc của xã Trung Giã đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ để sớm ổn định cuộc sống.
Đừng bỏ lỡ
Bão số 3 tại Hà Nội: Cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân được đảm bảo an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO