Văn hóa kiến trúc Hà Nội là biểu hiện sâu đậm của lịch sử, của văn minh cư trú, cũng là nơi kết tinh - hội tụ nên những đặc trưng của nền kiến trúc Việt trải dài trên mảnh đất nghìn năm văn hiến. Kiến trúc Thủ đô mang trong mình ký ức của lịch sử, ký ức của lớp lớp biết bao thế hệ, đời người. Trên mảnh đất hào hoa, kiến trúc Hà Nội như rèn đúc, gạn chắt, duy trì và phát triển, chậm chạp và bền bỉ, làm nên những trụ cột, dựng xây truyền thống và giá trị tinh thần của Thủ đô.
Đó là những nét vàng son, bên cạnh cốt cách: tinh tế, lịch thiệp mà trọn vẹn - đủ đầy của người Hà Nội trong diễn trình lịch sử.
Bấy lâu nay, câu hỏi “bản sắc kiến trúc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng” là gì vẫn luôn khiến giới kiến trúc sư và những nhà nghiên cứu trăn trở. Và khiến cuộc kiếm tìm “ta là ai giữa thế gian này” như chẳng bao giờ có hồi kết, để mỗi thời đại lại nhìn thấy bản sắc riêng của kiến trúc Hà Nội ở những thời khắc đã qua đi; như thể định hình lại, và làm sâu sắc hơn văn hóa đất Thăng Long.
Phố cổ Hà Nội đã và đang đổi thay. Những nếp nhà mái ngói rêu phong lô xô, xen lẫn những sân trời nhỏ, nét đẹp bình dị đến nao lòng đã đi vào thi ca, hội họa và trở thành bản sắc riêng có của Thủ đô - với những con phố chất đầy năm tháng. Cũng chẳng nhiều người cho là những ngôi nhà ấy đẹp theo quan điểm nghệ thuật, mặt khác chúng lại càng ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế bởi sự chật chội, chung chạ, tối tăm… Nhưng dù thế nào đi nữa, phố cổ Hà Nội vẫn được thừa nhận là nơi trầm tích văn hóa phi vật thể và vật thể hòa quyện với nhau một cách tuyệt vời. Những giá trị văn hóa xưa vẫn “sống” trên những phố Hàng sầm uất, hơi hướng thời đại mang trong lòng phố cổ nét truyền thống. Ở nơi ấy, những ngôi nhà không chỉ hiện thân cho sự đan xen giữa không gian nghề, không gian thương mại với không gian cư trú; mà còn khoác trên mình hình ảnh của nhiều phong cách kiến trúc lịch sử và đương đại. Một sự giao hòa thú vị. Những ngõ nhỏ tĩnh mịch như tách biệt với không gian sống động trên từng con phố. Và trên từng con phố, dường như “có một phố vừa đi qua phố” luôn xuất hiện, trên dòng chảy thời gian vĩnh hằng của Kẻ Chợ ngày xưa. Bản hòa ca của “làng trong phố”, của nhịp sống phố - phường, là dòng chảy văn hóa mãnh liệt được vun trồng từ gốc rễ Thủ đô. Đó là bản sắc văn hóa kiến trúc Hà Nội đấy thôi!
Kỳ lạ thay bản sắc Hà Nội chẳng hề nhạt phai bởi sự du nhập kiến trúc cận đại, khi người Pháp đặt chân lên mảnh đất này. Những nếp nhà xưa, những đình, đền, chùa ẩn mình trong lòng khu phố dạng bàn cờ kiểu châu Âu, bên cạnh những phong cách kiến trúc Pháp đầy tính nghệ thuật. Nét đặc thù của khu phố thể hiện ở nhiều phong cách kiến trúc đa dạng của các công trình xây dựng ban đầu do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế có tính ngoại lai như phong cách thuộc địa, Gothic mới, cổ điển, tân cổ điển, và phong cách địa phương Pháp, nhưng sau đó đã sáng tạo nên một phong cách pha trộn được gọi là “phong cách Đông Dương”. Sự giao hòa Đông - Tây trên bình diện văn hóa kiến trúc trong lòng khu phố cũ hình thành thời Pháp thuộc làm cho Hà Nội có thêm một quỹ di sản đô thị có một không hai. Khu phố cũ Hà Nội ngày nay, ngoài giá trị đặc biệt về vị thế, thẩm mỹ, giá trị nổi trội về quỹ di sản kiến trúc, nó còn mang một giá trị lớn nữa, đó là tính toàn vẹn của một di sản - khu đô thị hiện đại đầu tiên ở Đông Nam Á. Quỹ di sản ấy thể hiện sự phát triển của văn hóa Hà Nội ở thời kỳ chuyển đổi mô hình đô thị từ phong kiến sang hiện đại. Nó minh chứng cho sự tiến bộ của văn minh đất nước, thông qua một quá trình phức tạp, giữa những trao đổi giữa hai nền văn hóa vốn rất khác nhau… Quá trình hình thành và phát triển của khu phố cũ biểu hiện sự tiếp nối các cấu trúc và hoạt động từ truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu của cư dân bản địa, vừa bắt kịp văn minh thế giới đầu thế kỷ 20. Việc tạo dựng được những giá trị mới đem đến sự phồn vinh của khu phố cho đến ngày nay. Trên bình diện văn hóa kiến trúc, khu phố cũ Hà Nội thể hiện sự kết nối hài hòa giữa những thời kỳ của lịch sử. Đặc điểm này đã quyết định đặc trưng riêng biệt, của một đô thị Thủ đô giao hòa giữa hiện đại với cổ kính làm nên lõi trung tâm lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội xưa. Trong lõi trung tâm lịch sử ấy, khu vực hồ Gươm có một vị thế vô cùng đặc biệt. Hồ Gươm là nơi trung chuyển từ khu phố cổ sang khu phố cũ, tạo nên một diễn biến hài hòa của những hình thái đô thị khác biệt, với không gian đệm là công viên, quảng trường. Đó là nghệ thuật bố cục không gian của khu vực lõi Hà Nội, theo kiểu phương Tây pha trộn phương Đông. Đặc điểm chứa đựng sự lôi cuốn của không gian khu vực hồ Gươm và phụ cận, ở khía cạnh kiến trúc chính là nơi xuất hiện sự tiếp xúc, va chạm và giao thoa rõ rệt nhất giữa hai nền văn hóa trên khía cạnh đô thị. Khu phố kiểu châu Âu xung quanh hồ với những công trình kiến trúc mang phong cách Pháp có quy mô thích hợp không làm ảnh hưởng đến không gian hồ Gươm. Yếu tố bản địa xuất hiện tinh tế trong nhiều kiến trúc Pháp. Những nhà phố nhỏ nhắn có cấu trúc dạng ống đặc trưng của Hà Nội trên phố Hàng Khay cũng “tìm cách học hỏi” cho mình nghệ thuật trang trí Âu châu. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mang dáng dấp kiểu châu Âu tiếp giáp khu phố cổ như đối thoại với không gian công cộng xanh mang chất phương Đông ở nơi bắt đầu của khu phố kiểu châu Âu, qua mặt nước hồ Gươm. Và đặc biệt, các công trình mang đậm dấu ấn truyền thống trong không gian cảnh quan hồ Gươm như: quần thể đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, nhà Thủy Tạ, tháp Hòa Phong là một điển hình tuyệt tác về phương diện thẩm mỹ đô thị, để thông qua kiến trúc, truyền tải tư tưởng, triết lý của dân tộc Việt. Dù có quy mô và khối tích khiêm tốn so với các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp, nhưng những kiến trúc bản địa vẫn đóng vai trò là những điểm nhấn cảnh quan quan trọng, chi phối tổng thể không gian khu vực hồ Gươm.
Nếu như hồ Gươm là trái tim của thành phố, thì khu trung tâm Ba Đình lại mang trọng trách là biểu tượng của đất nước. Khu trung tâm Ba Đình trở thành một ngoại lệ về sự dựa dẫm, pha trộn, và chồng lớp không gian bằng thủ pháp tạo lập trung tâm kiểu phương Tây trên nền Thành cổ Thăng Long. Ở nơi trung tâm ấy, những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, trên những tầng văn hóa chồng xếp lên nhau ở di sản văn hóa thế giới: Hoàng thành Thăng Long đã trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Nghệ thuật tổ chức không gian kiểu châu Âu với các công trình công cộng quan trọng mang phong cách kiến trúc của từng giai đoạn lịch sử đứng ở trung tâm của các tuyến đường. Theo trình tự thời gian đó là các công trình kiến trúc truyền thống trên trục thần đạo còn lại của thành cổ; Phủ Chủ tịch mang kiến trúc phục hưng hậu kỳ châu Âu; trụ sở Bộ Ngoại giao với kiến trúc Đông Dương; lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng mang tên Người và đài liệt sĩ vô danh hay tượng đài Lê nin - dấu ấn kiến trúc xã hội chủ nghĩa; Nhà Quốc hội với kiến trúc mang hơi hướng hiện đại. Sự chồng lớp các kiến trúc đương đại lại đều có hướng nhìn về các di sản truyền thống: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng về Đoan Môn ở khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tượng Lê nin cũng nhìn vào đây. Bộ Ngoại giao có hướng nhìn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo đường Chu Văn An. Điều này vừa thể hiện sự kế thừa, tương đồng, và như vô tình như tôn trọng truyền thống Á Đông. Sự đan xen các phong cách kiến trúc, cảnh quan đô thị ở khu trung tâm Ba Đình như những lát cắt thời gian tạc trong một không gian được chồng lớp, đã tạo nên một quần thể văn hóa kiến trúc có giá trị hiếm có đại diện cho tư tưởng hiện đại trên nền tảng truyền thống.
Truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước là giá trị cốt lõi mà Hà Nội đương đại đã và đang kế thừa, đại diện cho lương tri và phẩm giá người dân Việt. Yếu tố ấy hiển thị tinh tế trong kiến trúc thời đại Hồ Chí Minh, thời đại mà gần nửa thể kỷ qua đi trong gian khó để vươn mình bay lên. Kiến trúc đương đại thế giới đã được Hà Nội tiếp dẫn âm thầm ở nhiều công trình và tại khu đô thị. Trong sự phát triển mạnh mẽ dẫn đến nhiều hỗn độn, đâu đó vẫn nhìn thấy bản sắc Thủ đô ở những kiến trúc tiêu biểu. Hình ảnh hoa sen, mái cong, hàng cột cách điệu của kiến trúc truyền thống được khéo léo cách điệu, lồng ghép ở lăng và bảo tàng Hồ Chí Minh. Ở Đài liệt sĩ vô danh, anh linh các anh hùng liệt sĩ như tỏa sáng, khắc ghi trong hình bóng quê hương. Những nếp sóng mang tên biển Đông trên mái Trung tâm hội nghị Quốc gia như nhắc nhở người dân về chủ quyền đất nước. Hình tượng của bánh chưng, bánh dầy bao bọc hội trường mang tên Diên Hồng lịch sử ở tòa nhà quốc hội; Tà áo dài như phấp phới bay ở cao ốc Lotte hiện đại…
Thủ đô cùng với cả nước đang bước vào một thời kỳ mới, thế hệ mới có thể lại đang trên con đường đi tìm bản sắc Hà Nội trong sự hội nhập văn hóa sâu rộng. Cũng có thể thế hệ ấy, và cả các thế hệ tương lai lại nhìn lại một diễn trình lịch sử của Thủ đô. Hà Nội ngày hôm nay trao truyền cho mai sau một kho tàng di sản văn hóa kiến trúc - đô thị rất đáng để trân quý, tự hào và cả những nghĩ suy.