Những nghệ sĩ yêu Xẩm, những người yêu quý dòng nhạc dân gian, đã tìm đến và mang lại sức sống mới cho Xẩm. Họ không chỉ duy trì truyền thống mà còn sáng tạo, kết hợp các yếu tố hiện đại vào nghệ thuật truyền thống này.
Nhóm Xẩm Hà thành thành lập năm 2009, bởi nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa – người học trò xuất sắc của nghệ nhân Hà Thị Cầu và nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long. Nhóm hoạt động với mục đích "Nỗ lực để Xẩm sống trong đời sống đương đại", đã làm sống lại nhiều bài Xẩm truyền thống, cũng như phục dựng dòng Xẩm Hà Nội, đặc biệt là Xẩm tàu điện.
Họ chú trọng vào việc kết hợp Xẩm với yếu tố đương đại, như trong “Xẩm trà đá” (phản ánh vấn đề xã hội hiện đại) và “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội” (ngợi ca vẻ đẹp văn hóa Hà Nội). Đặc biệt, nhóm đã sử dụng các kênh truyền thông như YouTube để phổ biến Xẩm với thế hệ trẻ. Năm 2015, trong liveshow “Xẩm và Đời”, nhóm đã kết hợp Xẩm với beatbox và hiphop, tạo nên một sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật Xẩm với các nghệ sĩ Khương Cường (Xẩm), Minh Kiên (beatbox), Hoa Đức Công (hip hop).
Từ đó đến nay, Hà Nội đã hình thành nên hàng chục câu lạc bộ, nhóm Xẩm. Từ sức sống của Xẩm Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đã hình thành nên các câu lạc bộ, nhóm hát Xẩm. Lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm được những người yêu Xẩm Hà Nội hồi sinh sau nửa thế kỷ vắng bóng. Hát Xẩm dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội và du khách. Không chỉ các câu lạc bộ, nhóm Xẩm hoạt động tích cực, nhiều nghệ sĩ cũng nhiệt huyết đưa Xẩm đến công chúng thông qua hoạt động văn hóa, ra sản phẩm âm nhạc riêng về Xẩm.
Xẩm vốn là môn nghệ thuật sinh ra nơi “đường phố”, là một hình thức để mưu sinh nơi đầu đường, góc chợ, bến nước, mom sông… Muốn bảo tồn đúng truyền thống thì cần không gian diễn xướng truyền thống. Bởi bản thân Xẩm là loại hình nghệ thuật đàn hát, không có vũ đạo, nội dung các bài hát mang tính chất châm biếm, đả kích, nói chuyện nhân tình thế thái... và thời kỳ cách mạng là cổ vũ động viên, tuyên truyền. Bên cạnh những giá trị đặc biệt trong quá khứ, ở giai đoạn hiện nay, môi trường trình diễn xưa đã không còn, thay vào đó là những môi trường trình diễn mới, sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa.
Vì thế, Xẩm cần được thích ứng với những thay đổi trong môi trường biểu diễn để tiếp tục tồn tại và phát triển. Sự sân khấu hóa và chuyên nghiệp hóa không nhất thiết làm mất đi bản chất của Xẩm, mà có thể là một cách để làm mới và phổ biến loại hình nghệ thuật này đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều quan trọng là cần giữ gìn và truyền tải đúng tinh thần, nội dung và cách thể hiện của Xẩm, đồng thời tạo ra không gian để nghệ thuật này có thể diễn xướng một cách tự nhiên và gần gũi như truyền thống.
Có thể kể đến một số ví dụ tiêu biểu cho quá trình tự chuyển mình lên sân khấu của Xẩm như:
Và gần đây nhất là vào ngày 2/12 vừa qua, tại Lễ hội Văn hoá Ẩm thực Hà Nội 2023, Xẩm kết hợp với ẩm thực mang lên sân khấu những bài hát với nội dung linh động, sáng tạo, và rất ấn tượng.
Có thể thấy, thực tế, vài năm gần đây, tại Thủ đô Hà Nội, người yêu thích hát Xẩm đã có dịp khám phá nghệ thuật độc đáo này khá thường xuyên với nhiều chương trình được thực hiện bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong những nhóm tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống do họ tự tập hợp và thành lập. Trong đó, nổi bật và tích cực, tổ chức nhiều chương trình thành công có nhóm Đông Kinh cổ nhạc, Xẩm Hà thành…
Trong thời đại số hóa, mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok, và Twitter đã trở thành cầu nối văn hóa vô cùng hiệu quả cho giới trẻ. Không chỉ là nơi giao lưu, kết bạn, mạng xã hội còn mở ra cánh cửa mới cho âm nhạc truyền thống, giúp loại hình diễn xướng dân gian này trở thành một xu hướng thu hút giới trẻ. Sự kết hợp này không chỉ làm sống lại nghệ thuật xưa mà còn là bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tạo nên một làn sóng mới trong thế giới số.
Thế hệ trẻ bắt đầu tìm về văn hóa truyền thống, thể hiện tình yêu và sự kế thừa qua các dự án sáng tạo và nhân văn. Biết đến Xẩm, mê mẩn trước “sức sống” bền bỉ của loại hình nghệ thuật này trong xã hội đương đại, đồng thời với mong muốn đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với đời sống, nhiều bạn trẻ tích cực tổ chức các dự án, workshop và sự kiện văn hóa, nhằm tôn vinh, lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm.
Có thể kể đến:
Đây là những tín hiệu “tốt” trong quá trình tìm về di sản: Phục hồi, kế thừa và phát triển Xẩm mà đối tượng tổ chức là các bạn trẻ - thế hệ thanh niên nối tiếp đóng vai trò quan trọng trong quá trình gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát Xẩm.
Hà Nội đang tiến hành các bước cần thiết để làm hồ sơ đưa nghệ thuật hát Xẩm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong giai đoạn đầu, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tiến hành kiểm kê các đơn vị, câu lạc bộ liên quan và số lượng người học, biểu diễn hát Xẩm. Việc xây dựng hồ sơ và các kế hoạch bảo tồn cho nghệ thuật hát Xẩm đang được thực hiện, nhằm mục tiêu lan tỏa và nâng cao giá trị của Xẩm Hà Nội trong cộng đồng và văn hóa đương đại hơn nữa./.
Nội dung/Thiết kế: Tô Ngọc Oanh
01/07/2024 06:59