Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, ra đời đã hơn 700 năm. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát Xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Hà Nội, thành phố của di sản văn hóa, từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ và phát triển nhiều loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, trong đó có hát Xẩm. Từ một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo bị thất truyền, nhờ đam mê và sự cố gắng không mệt mỏi của những người tâm huyết, xẩm Hà thành đã và đang sống lại và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần người dân Hà Nội. Không dừng lại ở đó, những người yêu xẩm Hà Nội còn đưa loại hình âm nhạc này "sống" gần hơn với nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung bằng việc tạo ra những không gian, "đất diễn" mới cho Xẩm. Đưa Xẩm trở thành loại hình âm nhạc đường phố góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long – Hà Nội.
Đặc điểm của Xẩm gắn liền với hình ảnh của người dân nghèo khổ, người khiếm thị. Nội dung các bài Xẩm thường phản ánh hiện thực xã hội qua từng thời kỳ cụ thể. Nghệ thuật hát Xẩm yêu cầu cao về biểu đạt cảm xúc và thành thạo chơi nhạc cụ. Nội dung và ca từ trong hát Xẩm thường là hình thức hát nói, vừa hát vừa kể chuyện mang tính tự sự và lời văn, phản ánh tâm tư và suy nghĩ của người dân trước xã hội và nhà nước thời bấy giờ.
Nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, người có nhiều năm nghiên cứu nghệ thuật Xẩm, cho biết: hát Xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ, Xẩm xoan (chênh bong), Huê tình (riềm huê); Xẩm nhà trò (ba bậc), Nữ oán (phồn huê), Hò bốn mùa, Hát ai, Thập ân.
Chợ Đồng Xuân do người Pháp xây dựng năm 1889, khánh thành vào năm 1890, sau đó được xây kiên cố vào đầu thế kỷ XX. Chợ Đồng Xuân là chợ bán buôn lớn nhất Bắc kỳ hồi đó, hằng ngày lượng người đổ về Đồng Xuân rất đông - đây là điều kiện “sân khấu” lý tưởng cho Xẩm chợ ra đời, phát triển.
Xẩm chợ khởi nguồn từ cuộc sống của những người dân lao động bình thường, phần lớn là những nghệ sĩ mù, hát rong khắp nơi. Họ sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn nhị, phách và trống, tạo nên những giai điệu đặc trưng, thấm đượm tình cảm và sâu lắng. Lời hát Xẩm thường xoay quanh những câu chuyện về đời sống, tình yêu, công lý và thậm chí là những lời chỉ trích xã hội.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, do người hát hầu hết đều bị khiếm thị nên họ lấy thơ lục bát có nội dung buồn hay éo le hoặc các bài ca dao nói về thân phận người nghèo, do đó dễ khiến người nghe rung động. Sau một ngày mưu sinh vất vả, chiều xuống, vợ chồng con cái những gia đình hát Xẩm tay chiếu tay nhị dắt díu nhau về bãi An Dương (nay thuộc quận Ba Đình). Những năm 1930, khu vực nói trên có tới mấy chục nhóm nên có tên gọi là “xóm Xẩm”.
Xẩm tàu điện, còn có tên gọi khác là Xẩm Bờ Hồ. Bởi trạm tàu điện của Hà Nội ở Bờ Hồ – Hồ Gươm. Từ trạm Bờ Hồ, tàu điện tỏa đi các tuyến Yên Phụ, chợ Bưởi, chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng nối nông thôn với nội thành. Những chuyến tàu điện do Pháp mở có số lượng khách đông đúc, thường xuyên, đã tạo nên “sân khấu” lý tưởng cho Xẩm tàu điện ra đời.
Xẩm tàu điện xuất hiện và phát triển như một hình thức Xẩm thích nghi với đô thị hóa. Các nghệ sĩ Xẩm bắt đầu biểu diễn trong các toa tàu điện để kiếm sống, mang nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với người dân đô thị. Với sân khấu chính là các toa tàu nên khi biểu diễn Xẩm, các nghệ nhân đã rất khéo léo “nương” theo hoàn cảnh, chọn nhạc cụ gọn nhẹ và điều chỉnh âm lượng, cường độ của giọng hát, tiếng đàn sao cho phù hợp, giúp hành khách thư giãn giữa tiếng tàu chạy đinh tai nhức óc.
Nội dung các bài Xẩm tàu điện cũng không dài lê thê, giai điệu buồn… như Xẩm ở làng quê, Xẩm chợ mà ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh, rộn ràng hơn… Thường mỗi bài Xẩm có cấu trúc, độ dài vừa vặn với lịch trình đón, trả khách của tàu điện, để không một hành khách nào phải nghe dang dở một bài Xẩm. Bên cạnh đó, Xẩm tàu điện còn có các bài quảng cáo bán hàng như: tăm tre, thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là… phục vụ người buôn bán.
Xẩm nhà trò là một dòng Xẩm độc đáo, phát triển trong các không gian biểu diễn sang trọng và tư gia ở Hà Nội, phá vỡ quy tắc truyền thống về không gian diễn xướng dân gian. Dòng Xẩm này, xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, thời điểm đời sống đô thị phát triển và hệ thống ca quán nở rộ. Xẩm nhà trò phản ánh nhu cầu thưởng thức văn hóa phong phú của tầng lớp trung lưu, và được biểu diễn trong không gian ca quán, nơi tụ họp của các tao nhân mặc khách. Đặc biệt, dòng Xẩm này đã bổ sung chất trữ tình, văn chương và tính tự sự cho Xẩm Hà thành, mở rộng không gian và nội dung biểu diễn của Xẩm.
Xẩm nhà trò giữ nguyên “hồn cốt” truyền thống của Xẩm với thơ lục bát và chữ Nôm, nhưng chọn lọc tác giả văn học một cách kỹ càng hơn. NSND Xuân Hoạch chia sẻ, cũng như Xẩm chợ và Xẩm tàu điện, Xẩm nhà trò có các tác phẩm đặc trưng cho dòng Xẩm này, như “Anh Xẩm” của Tản Đà và “Mục hạ vô nhân” của Nguyễn Khuyến, được biểu diễn với sự kết hợp của ca và diễn trò. Sự linh hoạt và khả năng ứng tác của các nghệ nhân Xẩm cũng được thể hiện qua việc họ có thể sáng tác ca từ nhanh chóng tùy theo yêu cầu gia chủ.
Tuy nhiên, giống như ca trù, Xẩm nhà trò đã dần thất truyền do sự suy tàn của hệ thống ca quán. Việc khôi phục dòng Xẩm này gặp khó khăn do tiêu chí khắt khe của nhà trò, không phải nghệ nhân Xẩm nào cũng đủ tiêu chuẩn biểu diễn trong ca quán. Công cuộc hồi sinh Xẩm nhà trò càng gian nan khi hầu hết các nghệ nhân dân gian đều đã khuất núi. Những người còn lại, có khi, cũng chỉ nhớ “mang máng” về một dòng Xẩm Hà thành nức tiếng thuở xưa…
Nội dung & trình bày: Tô Ngọc Oanh
26/06/2024 09:54