Lịch sử xây dựng và phát triển của các ngành văn học - nghệ thuật Việt Nam trong ngót 80 năm qua đã ghi lại biết bao sự kiện hào hùng, biết bao gương mặt ngời sáng và quả cảm của các nghệ sĩ, biết bao thành tựu xuất sắc trong cuộc chiến đấu và đồng hành cùng dân tộc. Học tập và noi gương Bác, làm theo lời căn dặn, dạy dỗ của Bác, các ngành đều có những bước tiến đáng trân trọng, đã sáng tạo và cung cấp cho nhân dân những món ăn tinh thần ngày càng giá trị, có tính thẩm mỹ cao. Được như thế, những người làm công tác văn nghệ hơn bao giờ hết càng nhớ tới công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mà UNESCO đã tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ lỗi lạc của Đảng và dân tộc ta cũng chính là người đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của văn học - nghệ thuật cách mạng Việt Nam trong hơn ba phần tư thế kỷ qua. Chỉ một năm sau khi tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Người đã khẳng định quan điểm:
Hai năm sau đó, vào năm 1948, tại Đào Giã (Phú Thọ), Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chỉ đạo tiến hành Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất nhằm tập hợp lực lượng sáng tác văn học - nghệ thuật - những người hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã đi vào cuộc trường chinh đầy gian khổ và vẻ vang chống thực dân Pháp từ cuối năm 1946. Từ thành thị, từ nông thôn, họ lên đường, mang theo balo, quần áo, chăn màn, đồ dùng thường ngày và vật liệu nghề nghiệp, với tinh thần hăm hở của người nghệ sĩ - chiến sĩ.
Có thể nói, đó là cột mốc quan trọng trong lịch sử trưởng thành của giới văn học - nghệ thuật Việt Nam. Đi theo con đường của Bác Hồ kính yêu, họ đã vượt lên muôn ngàn khó khăn gian khổ để phục vụ nhân dân bằng mọi khả năng của mình. Cũng có thể nói rằng, năm 1949 là một trong những thời điểm diễn ra nhiều sự kiện tiêu biểu của văn nghệ kháng chiến:
Gần ba năm sau, trong dịp kỷ niệm lần thứ 5 Ngày Toàn quốc kháng chiến, một cuộc triển lãm và Hội nghị mỹ thuật đã được tổ chức. Chính dịp này, Bác Hồ gửi bức thư lịch sử tới giới mỹ thuật với những lời ấm áp, ân cần, đánh thức trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng. Người viết:
Văn hóa nghệ thuật cũng là mặt trận.
Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Người đã chỉ cho họ hướng đi và niềm tin mãi mãi. Do công tác bận, Người không thể đến thăm triển lãm và Hội nghị, song, bên cạnh bức thư nói trên, Người đã ghi mấy lời dặn đồng chí Tố Hữu: "Chú Lành, chú nói với chú Vân (Tô Ngọc Vân): Bác bận không đến được".
Ngoài Bác Hồ, các vị lãnh đạo khác như Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng rất quan tâm sự kiện quan trọng này. Bức thư của đồng chí Trường Chinh đề cập nhiều vấn đề cơ bản của nghệ thuật. Đồng chí Phạm Văn Đồng không đến phòng tranh, nhưng có dự hội nghị bàn về hội họa. Bên đống lửa đêm giữa rừng, ông đã có những cuộc trò chuyện thân tình với các họa sĩ có mặt.
Ban Thường vụ Quốc hội cũng gửi tới hội nghị bức thư khích lệ sự sáng tạo phong phú của các nghệ sĩ. Hơn 300 tác phẩm hội họa được trưng bày, tuy còn điều này điều khác cần trao đổi thêm về nội dung cũng như nghệ thuật, đã là một bước tiến đáng cổ vũ và đã được Bác Hồ khen ngợi.
Sự khẳng định lớn nhất về nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng và kháng chiến là Sắc lệnh số 147-NĐ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15/3/1953. Đó là Sắc lệnh "Thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam".
Như vậy là, theo phương châm "Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến" mà Bác Hồ nêu lên trong Hội nghị văn hóa lần thứ hai (1948), văn học - nghệ thuật Việt Nam đã có những bước tiến lớn về tư tưởng, nghiệp vụ và tổ chức đội ngũ.
Chúng ta hiểu rằng, “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” là một phương châm chung cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Riêng với giới văn nghệ lại càng phải cố gắng thể hiện đầy đủ. 82 năm trước, trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác đã viết bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” (in trong tập thơ Nhật ký trong tù): Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Hai câu thơ như một tuyên ngôn, yêu cầu người nghệ sĩ phải nêu cao tính chiến đấu, tính tư tưởng, nhận thức sâu sắc quan điểm “lấy văn học - nghệ thuật làm công cụ đấu tranh giai cấp, vũ khí đấu tranh cách mạng”. Rõ ràng, Bác Hồ nói với văn nghệ sĩ không lý luận dài dòng, không viết hẳn ra thành sách nghiệp vụ về quan điểm văn học - nghệ thuật. Nhưng, bằng những lời lẽ rất tóm tắt mà Bác từng nói ở các Đại hội văn hóa, ở các bức thư đầy tình thân ái của một vị lãnh tụ, đặc biệt là trong các hoạt động thực tiễn của Người, các quan điểm, tư tưởng của Người đã có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ và sâu rộng trong giới nghệ sĩ thuộc mọi loại hình nghệ thuật.
Sinh thời, Bác chỉ nhận mình là một nhà báo, chứ không phải một nhà thơ, một nghệ sĩ. Thực tế đã cho thấy, bằng các tác phẩm ngôn từ, hội họa, sân khấu, nhiếp ảnh... của mình, Bác là một nhà văn, nhà thơ, một nghệ sĩ đích thực. Kiến thức và tài năng nghệ thuật của Người đã được nhiều nghệ sĩ lớn trên thế giới và và trong nước thừa nhận và đánh giá cao. Ở Người, qua tác phẩm và ứng xử hằng ngày, ai cũng cảm nhận Bác có một tâm hồn nghệ sĩ rất phong phú. Người đã từng trao đổi hàng giờ đồng hồ về hội họa với Picasso, Johansson, Drack, về âm nhạc với Thủ tướng kiêm nghệ sĩ Đức Otto Grotewohl, về điện ảnh với J.Ivens, Carmen, về nghệ thuật nhiếp ảnh với Vũ Năng An, Đinh Đăng Định...
Có những người, nhờ sự gợi ý và khích lệ của Bác, đã làm nên các công trình lớn, như nhà thơ Franz Faber từng dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Đức, nhà điện ảnh Hà Lan J.Ivens làm nên những thước phim quý giá về vĩ tuyến 17 trong kháng chiến chống Mỹ.
Thật cảm động khi đọc các hồi ức của Diệp Minh Châu, Phan Kế An về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc; của Phan Tứ, Trần Đình Vân từ miền Nam chống Mỹ ra thăm Bác. Họ đã được Bác ân cần chăm sóc, dành cho những tình cảm cha con, những điếu thuốc lá thơm, được Người giảng “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm” - những áng văn chương cổ điển của dân tộc mà trong những năm tháng xa Tổ quốc, Người vẫn thuộc từng câu, từng chữ.../.
Nội dung: Nhà thơ, dịch giả Trần Đương
Thiết kế: Tô Ngọc Oanh
28/08/2024 14:16