Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Phát triển văn hóa (bao gồm văn học, nghệ thuật) là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và sứ mệnh của nền văn học, nghệ thuật tiến bộ bao giờ cũng gắn liền với nhau. Sứ mệnh ấy cần phải trở thành động lực thôi thúc từ bên trong, cao cả, thiêng liêng đối với sự phát triển. Vai trò của văn hóa được Hồ Chí Minh đề cao ngang với chính trị, kinh tế và xã hội, trong đó văn hóa là kiến trúc thượng tầng. Trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa 1951, một lần nữa Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Giữa văn hóa, nghệ thuật với kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng. Theo đó, văn hóa, nghệ thuật được dẫn dắt, định hướng bởi tư tưởng chính trị, chịu sự quyết định của cơ sở kinh tế. Tuy nhiên, văn hóa, nghệ thuật cũng có tính độc lập tương đối, nghĩa là nó vẫn có thể phát triển theo logic nội tại và tác động trở lại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với chính trị và kinh tế.
Văn hóa, nghệ thuật muốn chứng minh vai trò to lớn và sứ mệnh cao cả của mình thì phải tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân do Đảng lãnh đạo. Trong Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng… Nhiệm vụ văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”. Theo Đảng, làm cách mạng, văn nghệ sĩ chắc chắn sẽ được mở mang tầm mắt, sẽ nhận thức ngày càng đầy đủ hơn nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ, sẽ biết mình cần phải làm gì để tạo ra “những tác phẩm xứng đáng” cho hiện tại và tương lai.
Sau này, ngày 1/12/1962, nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích một cách sâu sắc rằng dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng bị mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng. Ở đây, Hồ Chí Minh đã đề cập đến một vấn đề rất cơ bản của văn nghệ đó là tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo sẽ tạo ra động lực để văn nghệ sĩ phát huy tính độc lập và năng lực sáng tác, biểu diễn. Chính sự tham gia vào sự nghiệp cách mạng, đập cùng nhịp đập trái tim của nhân dân, phấn đấu cho một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc là sự bảo đảm cho văn nghệ sĩ thực sự được tự do với đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp của từ này.
Văn nghệ cách mạng phải trở thành một mặt trận, có tính chiến đấu cao, yêu ghét rõ ràng, không được lập lờ hai mặt hoặc đánh tráo khái niệm. Bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên gia thi trong Nhật ký trong tù thể hiện rõ quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Tính chiến đấu của văn nghệ chủ yếu thể hiện ở nội dung của tác phẩm chứ không chỉ ở tuyên ngôn của văn nghệ sĩ.
Cũng trong bài nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III (1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra yêu cầu của nhân dân và cũng là của Đảng, của cách mạng về một nền văn nghệ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự chính nghĩa: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những con người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”. Văn nghệ không chỉ khen ngợi một chiều mà cần phải mạnh dạn đấu tranh nghiêm khắc với cái xấu như tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu… Có điều khen và chê phải trúng, phải đúng mức, không tô hồng hay bôi đen. Chỉ có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm mà theo Hồ Chí Minh là “có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi, khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích”. Để làm được điều đó, văn nghệ sĩ đồng thời phải là “chiến sĩ nghệ thuật” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Hiểu sâu sắc điểm mạnh, điểm yếu của văn nghệ sĩ, với sự trân trọng, quý mến, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn anh chị em phải học tập chính trị để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, phải rèn luyện đạo đức cách mạng, đi sâu vào quần chúng, học ở nhân dân. Bởi vì theo Hồ Chí Minh quần chúng không chỉ là những người sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà còn là những người sáng tạo ra những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay, không “trường thiên đại hải” mà vẫn là những hòn ngọc quý.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra sứ mệnh cao cả của văn học, nghệ thuật trong việc vươn lên giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại tức là những vấn đề toàn cầu. Trong Thư gửi Hội nghị các nhà văn Á - Phi lần thứ hai (2/1962), Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cây bút phục vụ chính nghĩa trong tay nhà văn chiến đấu có một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ… Nó sẽ làm cho các nhà văn góp phần xứng đáng trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, đoàn kết các dân tộc để đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và hạnh phúc cho cả loài người trên thế giới”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đảng và Nhà nước đặc biệt chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đầu tư các nguồn lực cho sáng tạo, nghiên cứu, công bố các tác phẩm, tôn vinh các tác giả, tác phẩm có giá trị về nhiều mặt thông qua việc trao các giải thưởng cao quý, ưu tiên phát triển văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, văn nghệ sĩ trẻ. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật cũng luôn được đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển toàn diện, mạnh mẽ, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ. Quán triệt tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu “cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay”. Làm được điều đó chắc chắn “tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng trong Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa 1951.