Âm vang tiếng trống trường

Nguyễn Đình Ánh| 03/09/2020 16:55

Âm vang tiếng trống trường

Hè qua, thu tới. Bước đi của thời gian có bao giờ ngừng nghỉ. Với thi nhân, họ nhạy cảm ngắm nhìn bước chân giao mùa đầy tinh tế: ''Gió chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về''… Còn với các cô cậu học trò có lẽ tiếng trống trường là thanh âm đầu tiên thông báo cho các em biết nàng thu đã tới gõ cửa sân trường…

Ai từng một thời áo trắng mộng mơ lại không nuôi cho mình một góc nhỏ yêu thương với những kí ức rất riêng về tiếng trống trường. Một lần muộn học cùng tiếng trống vọng buồn xoáy vào tâm can. Một lần có lỗi với bác lao công do sự hiếu động nghịch ngợm của tuổi học trò. Những lần bồi hồi phấn chấn với tiếng trống khai giảng năm học mới. Những lần vỡ òa, nhốn nháo với tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi… Và để rồi lớn lên tiếng trống trường tự nhiên được cất giữ cùng ta lang bạt kì hồ. 

Có cô cậu học trò nào không ít nhiều xao động khi tiếng trống đầu năm học mới vang bay. Tiếng trống làm rung rinh tán lá cây bàng, hàng phượng. Mấy tháng hè buồn tênh giờ đây tiếng trống thổi vào hồn trường lớp không khí nô nức, náo nhiệt của tình cảm bè bạn, cô thầy. Khoảnh khắc được lắng lòng ngồi dưới tán cây phượng già, cây bàng đứng tuổi hay bác xà cừ râm mát là nỗi ước ao của những người đã rời xa trường lớp. 

Giờ đây khi tuổi hồn nhiên áo trắng đã rời xa, tôi của ngày xưa đã là một thầy giáo nhưng kí ức về tiếng trống trường vẫn luôn đồng vọng trong mình khi ngày khai trường đến. Cảm nhận về thanh âm rộn ràng của tiếng trống dường như còn vẹn nguyên. Một chút hồi hộp. Một chút náo nức. Và một điều gì khó diễn tả nên lời khi tiếng trống đầu năm học mới vang lên. Ta chợt thấy mình hạnh phúc vì đang được đếm đong, trải lòng với những kí ức một thời trong biết bao ánh mắt trong veo như những thiên thần.

Cô hiệu trưởng đánh hồi trống dài dồn vang. Tiếng trống trường ngày xưa lần nữa đầm ấm, rộn rã cộng hưởng vang lên trong lòng. Dưới lá cờ Tổ quốc đỏ tươi thầy cô, các em học sinh hát vang bài Quốc ca. Phút ấy sao mà xúc động. Ngắm nhìn đồng nghiệp với những khuôn mặt vui tươi, những ánh mắt đầy thân thiện, tôi lại thấy phấn khởi, tự tin hơn để bước vào một năm học mới. Tiếng trống trường như giục giã cô thầy chúng tôi đoàn kết, cố gắng dạy học tốt hơn nữa. Và nó cũng như đang nhắc nhở hàng ngàn học sinh khắp cả nước gắng công luyện rèn để trở thành người có ích cho xã hội.

Từ văn phòng phóng tầm mắt qua ô cửa nhỏ đã bao lần bắt gặp những trò nghịch ngợm của học trò nhưng vẫn thấy thiêu thiếu cái hồn nhiên của ta ngày xa ngái. Đâu rồi sau tiếng trống ra chơi trên sân trường ngập tràn ánh nắng là những trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, bắn bi, rồng rắn lên mây, giải danh… Vẫn huyên náo sân trường những ngày đầu tháng Chín nhưng chẳng còn những trận cười giòn vang trong các trò chơi hấp dẫn. Trò bây giờ vẫn hiếu động, tinh nghịch nhưng dường như đã bớt đi một chút hồn nhiên, vô tư. 

Trống trường tựa như ông tướng cầm quân. Một hồi trống vang dài cả sân trường đang rộn rã bỗng chốc im ắng lạ thường - ''hồi trống thu quân'' - trả lại vẻ yên bình cho sân trường đầy nắng. Những tháng hè ''Cái trống lặng im/ Nghiêng đầu trên giá''. Và để giờ đây khi nàng thu sang, những bước chân tuổi mộng mơ tung tăng đến trường ''trống mừng vui'' đến độ kêu vang: '' Tùng! Tùng! Tùng! Tùng/ Vào năm học mới/ Giọng vang tưng bừng''. Tiếng trống đầu năm bao giờ cũng có âm vang lắng sâu vào tâm hồn của các cô cậu học trò. Tiếng trống giục giã. Tiếng trống tươi tắn. Nó truyền vào không gian thu. Nó phả vào từng lớp học đâu dễ gì quên. Nó gợi kí ức cho những mái đầu chẳng còn xanh. Tiếng trống trường đồng vọng diệu kì về trang thơ nói hộ cái day dứt của mỗi người không thể thốt nên lời:

Vừa mới đây 
đã bao năm xa cách
Bạn bè ơi 
giờ ở những nơi đâu
Nghe tiếng trống 
sao chẳng về tụ lại
Trước sân trường
 ríu rít nắm tay nhau.

Trong nắng thu đầu năm học mới, ta nghe sao tiếng trống trường quen thân, có gì tươi mới mời gọi ta quay về với tiếng trống trường ngày xưa - Ngày dại khờ dễ vỡ đã qua…
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ký ức về cha và bản tình ca ngày thống nhất đất nước
    Từ năm 13 tuổi, tôi theo bố (nhạc sĩ Lê Việt Hòa) ra Hà Nội học tại Nhạc viện, trong khi mẹ vẫn dạy học ở quê, chăm lo cho các em và bà ngoại. Hai bố con sống trong căn phòng nhỏ 16m² trên tầng 2 khu nhà lắp ghép E2, Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (128 Đại La).
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Lời cảm ơn của Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
    Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã được tổ chức trọng thể và thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1/5, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 và Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TPHCM có Lời cảm ơn. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn Lời cảm ơn.
  • 'Lật mặt 8' của Lý Hải vượt 100 tỷ đồng
    Sau chưa đầy một tuần công chiếu, bộ phim 'Lật mặt 8: Vòng tay nắng' của đạo diễn Lý Hải đã vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng phòng vé.
Đừng bỏ lỡ
Âm vang tiếng trống trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO