Bãi xe tập lái không phép tại 132 Nguyễn Xiển nhưng có nhiều xe “tập lái” hoạt động trong sáng 26/8 Ảnh: Anh Trọng
Qua công tác rà soát, thu thập thông tin, Sở GTVT Hà Nội vừa phát hiện, tại các quận nội thành đang tồn tại 7 địa điểm dạy lái xe không được Sở GTVT cấp phép theo quy định. “Việc này đã ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo được cấp phép và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố”, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.
Thống kê về các địa điểm này, Phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội cho biết, 7 sân đào tạo lái xe “chui” nằm ở các quận nội thành, trong đó quận Hoàng Mai: 2 sân, quận Nam Từ Liêm: 2 sân; quận Tây Hồ: 2 sân; quận Cầu Giấy: 1 sân.
Thống kê về các địa điểm này, Phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội cho biết, 7 sân đào tạo lái xe “chui” nằm ở các quận nội thành, trong đó quận Hoàng Mai: 2 sân, quận Nam Từ Liêm: 2 sân; quận Tây Hồ: 2 sân; quận Cầu Giấy: 1 sân.Trong các địa điểm này, sân dạy lái xe tại đường Đỗ Đức Dục ( Mễ Trì, Nam Từ Liêm) và cơ sở tập lái tại cột phát sóng VOV ( Mễ Trì, Nam Từ Liêm) là 2 điểm mới phát sinh thời gian qua; các điểm còn lại đã tồn tại nhiều năm nay. Ông Đào Duy Phong, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Nội) khẳng định: Về nguyên tắc các điểm dạy lái xe không có phép thì không được hoạt động, do vậy lãnh đạo Sở GTVT đã có văn bản gửi Thanh tra giao thông, công an tại các quận huyện và cơ sở đào tạo lái xe này phải chấm dứt hoạt động các sân tập lái này.
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong trong 2 ngày qua cho thấy, hầu hết các sân tập không phép kể trên vẫn hoạt động bình thường, xe ra vào tấp nập. Tại sân dạy lái xe số 312 Nguyễn Xiển, sáng 26/8, chúng tôi thống kế có hàng chục xe tập lái di chuyển, đi hết lượt này đến lượt khác trong sa hình (đường di chuyển theo bài thi thực hành lái ô tô). Mỗi xe khi di chuyển trên sân đều có một người ngồi ở ghế lái (được gọi là học viên) và một người ngồi ở ghế phụ bên phải (được gọi là giáo viên hướng dẫn, giám sát). Cùng với diện tích rộng gần 10.000 m2, sân và bãi tập lái xe ở đây được láng bê tông, kẻ vạch đường, làn đường và có các cột biển báo giao thông hướng dẫn các xe di chuyển theo bài thi sát hạch lái xe ô tô.
Trách nhiệm của ai
Tại sân tập lái xe cạnh cột phát sóng VOV sáng 25/8, chúng tôi ghi nhận, có từ 20 đến 30 xe tập lái hoạt động. Do lượng xe vào bãi tập quá đông nên nhiều lúc, tại một số khu vực xe phải đi chậm để học viên thực hành các bài tập “lùi chuồng”, “đề-pa”… xe tập lái dồn thành hàng dài, đứng chờ nhau. Ngoài một số biển hiệu đề tên sân tập lái VOV, nhiều xe chạy trong bãi tập cũng đeo tên đơn vị chủ quản và logo là: “Trung tâm DN và ĐT lái xe VOV” (một đơn vị thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam).
Trên diện tích rộng gần 10.000 m2, sân tập dưới chân cột phát sóng VOV cũng được thảm bê tông, vạch kẻ đường và cắm biển báo hướng dẫn xe học lái di chuyển theo bài thi sát hạch ô tô. Tại đây học viên cũng được tập các bài tập “tăng tốc”, “lùi chuồng” và vượt dốc “đề-pa”… So với hạ tầng một sân tập lái tiêu chuẩn, hầu hết các sân tập trong danh sách trên không thiếu hạng mục nào. Điều này chứng tỏ rằng, là bãi xe “lậu” nhưng hạ tầng được đầu tư công phu, có thời gian chuẩn bị, xây dựng và mời chào người đến tập, học lái công khai.
Với sân dạy lái xe tại đường Đỗ Đức Dục, ngoài sân tập, tại đây còn được đơn vị chủ quản bố trí một diện tích không nhỏ để làm bãi đỗ ngày đêm cho hàng chục xe khách, thậm chí có thời điểm các chủ nhà xe này còn vận chuyển, nhận - trả hàng gửi tại đây. Sau khi tìm hiểu được biết đơn vị chủ quản của cơ sở dạy lái kèm bãi đỗ xe này là Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh.
Để vào các sân này tập, người học lái xe có thể thuê thầy (chủ xe) trọn gói với giá từ 300 đến 500 nghìn đồng/giờ. Nếu cá nhân tự đưa xe vào bãi tập, mất phí từ 100 nghìn đến 150 nghìn/giờ. Ngoài sân bãi, tại hầu hết địa điểm tập lái đều có bộ phận bán vé, thu tiền, nhận đăng ký học lái xe, thậm chí hồ sơ đăng ký thi lái xe…
Trao đổi với PV Tiền Phong về hướng xử lý sau khi đơn vị phát hiện 7 sân dạy lái xe “chui”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, về mặt nhà nước Sở GTVT không cấp phép nên rất khó có các biện pháp xử lý trực tiếp. Xét về mặt chức năng và vị trí địa lý thì các đơn vị quản lý địa bàn như công an, chính quyền sở tại cần có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý. Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, việc này cần thực hiện ngay do các địa điểm này đang hoạt động không có phép, mặt khác quá trình tập và dạy lái xe trên có nguy cơ mất an toàn cao nếu không được kiểm tra, quản lý theo các điều kiện kèm theo.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi phát hiện sự việc, Giám đốc Sở Vũ Văn Viện đã ký văn bản thông báo cho các đơn vị có liên quan biết và vào cuộc. Cùng với đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị, Thanh tra Sở GTVT, Công an các phường sở tại, các đơn vị chủ quản xử lý xe dạy lái thực hành không đúng địa điểm đã đăng ký, tổng hợp báo cáo kết quả về Sở GTVT. “Căn cứ báo cáo của Thanh tra GTVT, Phòng Quản lý phương tiện và người lái tham mưu, đề xuất giám đốc sở hình thức xử lý đối với các cơ sở đào tạo lái xe vi phạm”, ông Viện yêu cầu.