Kiến trúc - Quy hoạch

“Ý tưởng xây dựng Bãi Giữa sông Hồng thành công viên văn hoá là một cách trả nợ dòng sông”

Trung Kiên 02/12/2023 18:37

Đó là nhận định của Tiến sĩ – Kiến trúc sư (KTS) Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Thành phố Hà Nội) về việc Thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng thuộc địa giới 4 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên thành “Công viên Văn hóa”.

Sông Hồng không chỉ là yếu tố Di sản đô thị mà đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Ttg ngày 26/7/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Trong đó cũng đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều được duyệt; xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị…

song-hong-1-.jpg
TS.KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình gần đây đã có những chia sẻ ý tưởng về việc quy hoạch khu vực Bãi Giữa sông Hồng (Hà Nội) thành Công viên văn hóa.

Bàn về quy hoạch chi tiết khu vực Bãi Giữa sông Hồng, trong một hội thảo gần đây, TS.KTS Tạ Nam Chiến khẳng định, trong các Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô qua các thời kỳ, sông Hồng và các không gian Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông được xác định đóng vai trò không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của Thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển tại Bắc sông Hồng, đảm bảo an toàn lũ, an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, sử sách chép rằng, trong cuộc kinh lý, khởi đầu Lý Thái Tổ đi về phía Bắc trên sông Hoàng Long, qua sông Đáy, vào Châu Giang và đến sông Nhị (sông Hồng). Khi cập bến Tây Long, vua Lý Thái Tổ nhận thấy rằng vùng đất Đại La là trung tâm của giao thông thuỷ bộ, trung tâm kinh tế, văn hoá... Hai bên bờ sông Tô và sông Hồng thuyền bè buôn bán tấp nập.

“Sông Hồng được nhiều thế hệ cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ coi là dòng sông “mẹ”, gắn liền với sự hình thành và phát triển văn hóa, kiến trúc cảnh quan truyền thống của vùng đất này từ bao đời nay. Trải qua thời gian, biến đổi của địa lý và cả của con người, vai trò của sông Hồng ngày càng ăn sâu vào đời sống đô thị. Đến nay, sông Hồng không chỉ là một trong năm yếu tố Di sản đô thị (phố cổ, phố cũ; các công trình di tích lịch sử; các làng xóm đô thị hoá, hệ thống hồ ao và sông Hồng) đem lại giá trị đặc trưng cho một đô thị lớn như Hà Nội, mà đã đi vào ký ức, tình cảm của bao thế hệ người Hà Nội”, TS. KTS Tạ Nam Chiến, cho biết.

song-hong-2.jpg
Sông Hồng gắn với nhiều công trình di sản có giá trị lịch sử, kiến trúc, trong đó nổi bật có cầu Long Biên.

Trong ký ức của người dân Thăng Long - Hà Nội, sông Hồng được xem như là một nhân chứng lịch sử. Giai đoạn trước thế kỷ XVIII, nhiều nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã cho thấy mối liên hệ của sông Hồng với sự hình thành của khu vực phố cổ, phố cũ. Trong đó Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây được các chuyên gia nhận định là dấu tích còn lại trong quá trình bồi lắng của một nhánh sông Hồng, gắn với nhiều công trình di sản có giá trị lịch sử của Thủ đô, gồm: Tháp Bút và đền Ngọc Sơn, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn Hà Nội, Viện Viễn đông Bác cổ (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày nay) và đặc biệt là cầu Long Biên...

Sông Hồng, nhiều thế kỷ là chứng nhân của một dân tộc cần cù lao động, vật lộn với lũ lụt, từng chứng kiến những biến đổi để chuyển mình thành một đô thị kiểu châu Âu; từng in dấu chân những chiến sỹ cảm tử trong cuộc rút quân lặng lẽ “ra đi hẹn ngày trở lại”, cũng như những bước chân của đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô.

Sông Hồng cũng từng chứng kiến những ngày đêm oằn mình gánh bom đạn của đế quốc xâm lược,...và sông Hồng cũng gánh chịu sự đè nén của tốc độ đô thị hoá ngày càng gia tăng. Mật độ dân cư khu vực ngoài đê tăng cao, các hoạt động vi phạm hành lang đê điều, lấn chiếm, thậm chí san lấp bờ vở, có thời kỳ trở nên phổ biến, nhiều năm không được đầu tư thoả đáng về hạ tầng đường xá, thoát nước, xử lý nước thải...

“Ý tưởng cải tạo, xây dựng khu vực Bãi Giữa, bờ sông thành công viên văn hoá là một cơ hội để lấy lại những giá trị đã bị mai một của sông Hồng, trả lại những gì mà cuộc sống đô thị đã lấy đi của dòng sông lịch sử này. Hay nói khác đi, đó là cách mà chúng ta “trả nợ” dòng sông”, TS.KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, nhấn mạnh.

“Hiến kế” để hiện thực hóa Công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng

TS.KTS Tạ Nam Chiến cho biết, trên cơ sở các yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, với Thủ đô Hà Nội, không gian sông Hồng cần được biến đổi mạnh mẽ, để đạt được vai trò là trục cảnh quan quan trọng, điều hòa cân bằng cho đô thị, đồng thời là nơi chơi giải trí, luyện tập thể thao cho người dân, đảm bảo an toàn chống thoát lũ cho đô thị.

songhong3.png

Vấn đề đặt ra là việc khai thác quỹ đất tạo giá trị cảnh quan cần được thực hiện như thế nào? Những yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hoa cần được khơi gợi, bảo tồn dưới những hình thức nào để có thể phát huy? Tuy nhiên, cũng phải xác định rằng việc khai thác quỹ đất ở đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vậy cần xác định phạm vi của quy hoạch - dự án ở những phần quỹ đất có khả năng thực hiện.

Mặt khác, khu vực Bãi Giữa, bờ vở sông Hồng không thể tách rời khỏi đô thị. Nó luôn gắn bó với các khu dân cư ngoài để cần được cải tạo, chỉnh trang, thậm chí mở các trục xanh để kết nối dòng sông với phần đô thị hiện hữu. Những di sản kiến trúc đặc trưng của Hà Nội như cầu Long Biên cổ kính, chợ Đồng Xuân,... cần được gắn kết để tạo ra một giá trị cao hơn.

Từ đó, TS.KTS Tạ Nam Chiến đưa ra ý tưởng xây dựng Công viên văn hóa sông Hồng, gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ Bãi Giữa và khu vực ven sông, khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu... thuộc Khu phố cổ, phố cũ.

Khu vực đầu tư mới nằm ở Bãi Giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian - sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử: Khu vực quận Hoàn Kiếm - thời thị thành phong kiến “trên bến dưới thuyền”; Khu vực cầu Long Biên - quận Long Biên, Ba Đình - thời kỳ cận hiện đại: Pháp thuộc và chiến tranh chống thực dân, đế quốc; khu vực quận Tây Hồ - thời đương đại: văn hoá, vui chơi giải trí kết hợp sinh thái...

Ngoài ra, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian - kết nối thị giác với Khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên. Đồng thời, đề xuất tạo dựng các quảng trường tại khu vực Bãi Giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, thị giác tại đây để kết nối với các điểm nhấn đô thị sẵn có như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân - chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu...

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
“Ý tưởng xây dựng Bãi Giữa sông Hồng thành công viên văn hoá là một cách trả nợ dòng sông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO