Xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài và tâm sự của người trong cuộc

Kiều Bích Hậu| 30/07/2022 08:19

Làm thế nào để tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở nước ngoài một cách đầy đủ, trọn vẹn, sao cho bạn đọc yêu văn chương và những nhà nghiên cứu văn học quốc tế có một hình dung chính xác nhất về chân dung văn học Việt Nam xưa - nay? Đó là điều mong ước không chỉ của Nhà nước ta, Hội Nhà văn, mà còn của mọi nhà văn Việt Nam.

Xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài và tâm sự của người trong cuộc

Một số đầu sách văn học Việt Nam do nhóm Nữ dịch giả Hà Nội dịch và xuất bản ở nước ngoài

Dò dẫm từng bước

Từ năm 2019 đến 2022, với nỗ lực tự thân kết nối với các nhà xuất bản, các biên tập viên và dịch giả quốc tế, tôi có tìm kiếm được một số bạn đồng nghiệp, đồng ý giúp đỡ để dịch và đăng tác phẩm văn học Việt Nam lên tạp chí, báo chuyên ngành văn học, văn hóa của nước bạn. Đầu tiên phải kể đến tạp chí văn hóa NEUMA của Romania. Qua việc Tổng Biên tập tờ NEUMA – nhà thơ, dịch giả Andrea H Hedes có gửi câu hỏi phỏng vấn tôi về thể loại tiểu thuyết mùa hè vào năm 2019, trả lời phỏng vấn xong, tôi đã gửi một chùm thơ do tôi sáng tác bằng tiếng Anh cho chị đọc, và nhờ chị góp ý. Nào ngờ chị đã dịch chùm thơ đó (gồm 7 bài thơ) ra tiếng Romania và đăng chùm thơ cùng ảnh và tiểu sử văn học vắn tắt của tôi lên tạp chí NEUMA tháng 9+10/2019.

Thật khó tả sự vui mừng của tôi khi ấy. Mặc dù truyện ngắn “Đợi đò” của tôi từng được dịch sang tiếng Anh và in trong hợp tuyển truyện ngắn của 20 tác giả trẻ tiêu biểu Việt Nam do nhà xuất bản Curbstone (Mỹ) ấn hành năm 2018. Nhưng tôi luôn nghĩ mình không có tài làm thơ. Việc sáng tác thơ bằng tiếng Anh đối với tôi chỉ là ngẫu hứng trong thời gian dài sống ở châu Âu, được tiếp xúc với những bạn văn nước ngoài, thường xuyên trò chuyện và chịu ảnh hưởng từ họ. Vậy mà những bài thơ đầu tiên của tôi lại được đăng trang trọng trên một tạp chí văn hóa của châu Âu thì thật quá sức tưởng tượng của tôi.

Khi ấy tôi vui mừng nghĩ, nếu thơ tôi mà còn được đăng, thì hẳn rằng thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp khác, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chắc chắn sẽ được báo chí nước ngoài chấp nhận. Nghĩ là làm liền, tôi đã ngỏ lời với Tổng Biên tập tạp chí NEUMA, được chị đồng ý, nên tôi đã liên tiếp giới thiệu các chùm thơ của các nhà thơ Việt Nam, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Hoa, Nguyễn Bình Phương, Phan Hoàng, Đoàn Mạnh Phương, Trần Quang Quý, Lê Thanh My, Trần Thu Hà, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Đình Tâm,…

Tôi cũng muốn giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lên tạp chí NEUMA, nhưng khi tôi đề nghị anh gửi thơ của mình, thì anh tế nhị từ chối, và bảo rằng “Em cứ giới thiệu thơ của các hội viên khác đi nhé.” Tôi hiểu rằng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng có nhiều tác phẩm đã được giới thiệu ở nước ngoài, cho nên anh muốn dành cơ hội giới thiệu tác phẩm ra nước ngoài cho những hội viên khác. Tôi trân trọng quyết định đó của anh.

Công tác tại Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn từ tháng 6.2019, tôi cũng rất mong muốn làm cách nào đó để dịch và quảng bá nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, không chỉ là những tác phẩm lẻ đăng trên các báo, tạp chí, mà phải là những tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết được các nhà xuất bản quốc tế đón nhận và dịch, xuất bản ở nước họ. Khi nhà thơ Hữu Thỉnh còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông phải tự vận động, xin những khoản đầu tư bất thường của Nhà nước, bên ngoài nguồn kinh phí nhà nước cấp cho công tác đối ngoại của Hội Nhà văn (vốn chỉ dùng để đón tiếp đoàn nước ngoài vào thăm, làm việc, hoặc đoàn nhà văn Việt Nam công tác nước ngoài, và các hội nghị, hội thảo quốc tế) để đầu tư dịch một số cuốn sách và xuất bản ở nước ngoài, như “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất bản tại Slovakia, hợp tuyển thơ “Sông núi trên vai” của 60 nhà thơ Việt Nam xuất bản tại Ý, Tập thơ của 6 nhà thơ thời chiến tranh chống Mỹ, xuất bản tại Hungary, Tập truyện ngắn Bảo Ninh, xuất bản tại Hungary, Hợp dòng văn học Ấn Độ - Việt Nam, xuất bản tại Ấn Độ. Khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, mong muốn việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài được thực hiện theo chiến lược dài hơi, bài bản, ông đang xây dựng một bản đề án dịch văn học Việt Nam đồ sộ, sẽ đệ trình Chính phủ xem xét và duyệt kinh phí.

Tự thân vận động

Kinh phí từ nhà nước cấp cho việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam chưa được thực hiện ngay, nguồn vốn xã hội hóa chưa có. Vậy thì từng cá nhân nhà văn, nhà thơ có tự đầu tư làm được chăng?

Với câu hỏi này, tôi liên hệ với nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ – nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, và biết được phần nào hành trình cá nhân của các anh, chị tới thị trường văn học quốc tế. Như vậy, họ chính là ví dụ tiêu biểu cho việc tự thân vận động, để tác phẩm văn học của mình vượt ra khỏi biên giới quốc gia, đến với bạn đọc toàn cầu. Thơ của Mai Văn Phấn đã được dịch ra tới 40 ngôn ngữ khác nhau, tiểu thuyết của Nguyễn Phan Quế Mai cũng được dịch ra 6 ngôn ngữ khác. Nguyễn Phan Quế Mai có thể sáng tác song ngữ, nhưng Mai Văn Phấn thì chỉ viết bằng tiếng Việt và qua cầu dịch giả để tác phẩm được chuyển ngữ. Hai cách làm khác nhau đó của họ khiến tôi suy nghĩ và rút ra được những kinh nghiệm riêng cho mình.

Khi tập thơ “Ẩn số” do tôi sáng tác bằng tiếng Anh, được nhà thơ người Ý Laura Garavaglia dịch sang tiếng Ý, và Nhà xuất bản IQdB xuất bản năm 2020, nhiều báo chí đưa tin vui, nhưng lại có đồng nghiệp cao tuổi thân thiết rỉ tai tôi rằng, có ý kiến nói tôi tận dụng việc mình làm ở Ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam mà làm riêng cho mình một tác phẩm xuất bản ở nước ngoài. Tôi khá ngỡ ngàng, hóa ra sức sáng tạo của mình, nỗ lực của mình để tìm kiếm kênh xuất bản nước ngoài lại bị nhìn nhận theo cách khác. Nhưng tôi không buồn lâu về việc này, nó cho tôi động lực để thực hiện mong ước giống như tôi của các tác giả khác: đó là một ngày được thấy tác phẩm của mình vượt biên, sánh ngang hàng trên kệ sách cùng các tác phẩm văn học nước ngoài ở thị trường quốc tế.

Nghĩ như vậy là tôi làm liền. Tôi tích cực hơn trong việc qua bạn đồng nghiệp quốc tế, tìm kiếm thêm các tạp chí, báo văn, các nhà xuất bản nước ngoài để vận động họ in tác phẩm cho Việt Nam. Việc này không hề dễ, và tôi cần lấy lòng tin của họ bằng việc hàng ngày cần mẫn dịch tác phẩm cho bạn, đăng tải trên các báo, tạp chí văn học Việt Nam, đem lại niềm vui cho bạn trước. Và tôi phát hiện ra rằng, các đồng nghiệp văn thơ nước ngoài cũng rất thích được giới thiệu tác phẩm của họ ở báo chí Việt Nam, muốn in sách của họ ở Việt Nam, không thua gì khao khát của chính nhà văn Việt Nam. Khi được tôi vô tư dịch cho họ, đăng tác phẩm của họ ở Việt Nam, các đồng nghiệp nước ngoài đã cảm kích mà mở lòng với tôi, giúp đỡ tôi dịch và đăng tác phẩm của tác giả Việt Nam trên báo chí nước họ, hoặc các nền tảng văn chương quốc tế. Bước đầu, tôi đã tạo được một quỹ bạn hữu là những nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản nước ngoài. Cây cầu nhỏ đã được nối, cho tôi niềm phấn khích.

Tuy nhiên, sức tôi làm một mình không nổi. Tôi bắt đầu tìm kiếm những người có cùng chí hướng, dấn thân việc dịch văn học. Những nhà văn, nhà thơ biết ngoại ngữ ở nước ta không thiếu, nhưng để đủ trình độ dịch ngược và lại có tâm nguyện dành thời gian dịch tác phẩm cho người khác thì đếm trên đầu ngón tay. Bởi ai cũng đang thiếu thời gian viết tác phẩm của chính mình! Thật may mắn, tôi nhớ ra nữ nhà văn Khánh Phương, người từng có thời gian sống, học tập và làm việc tại nước Ý. Khánh Phương là cô gái có năng lượng phi thường, sức làm việc của cô thật đáng nể. Cô có thể làm việc thâu đêm suốt sáng, luôn giữ lời hứa, và hoàn thành công việc đúng thời hạn. Có Khánh Phương, tôi như trút được một phần gánh nặng. Sau này, chúng tôi có thêm nhà thơ Đỗ Mai Hòa, từng được đào tạo tại trường của Úc tham gia nhóm và đỡ đần thêm việc dịch, chăm sóc các bạn văn và chia sẻ việc nhóm tham gia các sự kiện văn học trực tuyến quốc tế. Cô cũng đảm nhiệm phần lớn gánh nặng kinh tế cho nhóm, khi có những sự kiện mà chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra chi để đối đãi lại với bạn quốc tế. Tiếp đó, nhóm có thêm nhà văn-nhà thơ Phạm Vân Anh, nhà thơ Võ Thị Như Mai (đang giảng dạy tại Úc) tham gia. Hiện nay, nhóm Nữ dịch giả Hà Nội (Hanoi Female Translators) đã có 5 thành viên chính thức, gồm: Kiều Bích Hậu, Đỗ Mai Hòa, Khánh Phương, Võ Thị Như Mai, Phạm Vân Anh. Khi nhóm đã giới thiệu thơ, truyện của gần 100 nhà thơ ra các báo chí nước ngoài, hơn 10 đầu sách văn học xuất bản ở nước ngoài, thì nhóm có thêm các cộng tác viên dịch và hiệu đính tác phẩm cả ở trong và ngoài nước.

Xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài và tâm sự của người trong cuộc

Nhóm nữ dịch giả Hà Nội - ảnh Quang Thái

Tính hai mặt của sự việc

Thấy được thành quả làm việc của nhóm, nhiều nhà văn, nhà thơ trong nước đã tỏ ý vui mừng, ra mặt động viên nhóm Nữ dịch giả Hà Nội. Nhưng do tôi là Trưởng nhóm, lại đang công tác tại Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, nên cũng có một số hội viên của Hội tưởng nhầm những việc chúng tôi đang làm đó là do Hội Nhà văn đầu tư, nên thắc mắc và phê phán, cho rằng chúng tôi làm việc không có sự chọn lọc, cứ ai có tiền tự đầu tư là tác phẩm được “xuất khẩu”. Nhưng người phê phán cũng bỏ qua việc trong số những người có tác phẩm được nhóm Nữ dịch giả Hà Nội giới thiệu đăng báo chí, xuất bản nước ngoài, có những người được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, và toàn bộ tác giả được giới thiệu, đều là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội văn học nghệ thuật địa phương. Các tác phẩm của họ cũng đã được đăng tải, xuất bản trên báo chí, sách trong nước. Có người nhỏ to với nhau, rỉ tai một vài nhân vật trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, thậm chí gọi điện cho Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để phản ứng việc này, và hỏi Chủ tịch có biết việc tôi đang làm không, tại sao Ban Đối ngoại lại chọn tác phẩm này mà không chọn tác phẩm khác, vv…

Trước sự việc đó, tôi đã có một lần được phát biểu trong một cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, và đã giải thích rõ việc chuyên môn của Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là hàng năm, cứ đến tháng 11 là Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam cần có một bản kế hoạch cứng các hoạt động trong năm (bao gồm đón đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc, đi thực tế, và đưa đoàn nhà văn Việt Nam đi nước ngoài thực tế, thăm và giao lưu, hoặc dự sự kiện văn học quốc tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam). Sau khi được Ban đối ngoại Trung ương duyệt kế hoạch, thì Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam mới thực hiện công việc theo bản kế hoạch này. Từ 2019-2022, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức dịch và xuất bản được các cuốn “Nhật ký trong tù” (Tác giả: Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Slovakia; Hợp dòng văn học Việt Nam - Ấn Độ (nhiều tác giả) tại Ấn Độ; Hợp tuyển thơ “Sông núi trên vai” (nhiều tác giả) tại Ý; Hợp tuyển 6 nhà thơ thời chiến Việt Nam (6 nhà thơ) tại Hungary, Tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” (tác giả Bảo Ninh) và tập thơ “Bay trong mơ” (tác giả Trần Quang Đạo) tại Hungary. Kinh phí cho việc dịch và xuất bản 6 tập sách kể trên là do Lãnh đạo Hội vận động riêng và một phần eo hẹp trích ra từ kinh phí đối ngoại được cấp hàng năm. Việc đầu tư dịch và quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài hiện chưa có kinh phí Nhà nước cấp để thực hiện. Hầu hết những tác phẩm văn học được giới thiệu ở nước ngoài trong gần 3 năm qua đều do tự cá nhân đầu tư, với sự hỗ trợ dịch thuật, hiệu đính, quản lý tác phẩm và kết nối với tổ chức xuất bản ở nước ngoài của nhóm Nữ dịch giả Hà Nội.

Dù vậy, vẫn có những “tấn công” âm thầm hoặc trực tiếp vào việc nhóm Nữ dịch giả Hà Nội đang làm. Tôi cũng thấy buồn, có lần nói với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, rằng “hình như có chuyện ì xèo về em ở bên ngoài, mà em thì không có thời gian quen biết và quan hệ với tất cả các nhà văn trong Hội, thế nên, có điều gì chưa đúng, anh hãy góp ý cho em, bởi chúng ta là người làm việc chung cơ quan, và anh lại là Sếp trực tiếp của em”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời rằng, “không có chuyện gì đâu em ạ, có gì anh sẽ bảo em”. Được anh nói như vậy, tôi cũng an lòng phần nào, dẫu đôi lúc buồn thì không tránh khỏi.

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim bảo tôi: “Em đang ngồi trên cái tổ ong bầu đấy! Ghen ghét, đố kỵ, châm chích…” Một nhà thơ khác gọi điện cho tôi bảo: “Em và nhóm bạn của em đã làm được những việc tuyệt vời. Từ trước đến nay chưa ai làm được. Anh rất mừng. Các em hãy kiên tâm làm việc tốt đó cho văn học nước nhà nhé. Anh luôn ở bên các em. Nhưng có một số người không vui đâu, nên em hãy cẩn trọng. Dù là việc làm riêng cho từng tác giả, do nhóm tự nguyện và tác giả tự nguyện, thì cũng nên báo cáo Lãnh đạo Hội biết.”

Chia sẻ tình hình này với con gái tôi, con bảo: “Tại sao trong số 10 người, có 8 người ngợi khen, chỉ có 2 người chê bai, do họ đố kỵ, mà mẹ lại buồn?”

Tôi chuyển hướng nghĩ, rằng những người đang chỉ trích hoặc không thích việc làm của tôi và nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, trong việc dịch và xuất bản tác phẩm văn học của một số tác giả Việt Nam ra nước ngoài, có lẽ họ chưa đủ thông tin mà thôi.

Quả vậy, đã tìm ra một con đường mới, thì cứ đi thôi.

(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài và tâm sự của người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO