“Xóm chạy thận” những ngày cận Tết

Bài và ảnh: Chi Lê/KTĐT| 21/01/2019 07:57

Xóm chạy thận ở 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) những ngày cận Tết buồn hiu hắt. Trong khi ở ngoài kia, phố phường Hà Nội đã bắt đầu trang trí rực rỡ chuẩn bị đón năm mới, các cửa hàng, siêu thị tấp nập, ở đây chỉ thấy những bức tường xám ngắt, thưa vắng tiếng người. Có những tiếng thở dài, thật khẽ!

“Chỉ cần cái bánh chưng”

Chúng tôi đến "xóm chạy thận" vào một ngày mưa cuối tuần, bên trong những căn phòng ẩm thấp, tăm tối, là hàng trăm người đang gắng sức chống chọi với bệnh tật trong thời tiết mưa lạnh. Vào đến nơi, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Tuất đang cùng con gái chuẩn bị bữa ăn trưa trong căn phòng trọ chỉ hơn 10m2. Căn phòng chật chội, lại thấp hơn mặt đường 50cm, cửa chính chỉ đủ cho một người đi vào, nên hai mẹ con phải hạn chế hoạt động nhằm tránh tình trạng người này va phải người kia.
Bà Tuất năm nay 50 tuổi, quê ở xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Gia đình bà làm nghề nông, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng, đó là khoản để bà chữa bệnh và nuôi 2 con ăn học. Bà bị suy thận nặng từ năm 2001, ở quê không có máy móc chữa trị nên bà lặn lội tìm tới Bệnh viện Bạch Mai, rồi trở thành cư dân “xóm chạy thận”, còn chồng và con trai cả tiếp tục bám trụ ở quê làm nông, gửi tiền ra cho mẹ chữa bệnh.

Bà kể, tính sơ sơ một tháng, bà phải tiêu tốn từ 4 - 5 triệu đồng tiền thuốc. Đây cũng là vấn đề luôn canh cánh trong lòng bà, bởi gia cảnh bà nghèo lắm. Nhưng ngày ngày không thể thiếu thuốc điều trị, hàng tuần không thể không chạy thận. Còn các chi phí khác cứ tăng dần theo từng năm. Riêng căn phòng nhỏ bà đang thuê trọ gần 2 triệu đồng/tháng, tiền học phí cho con gái thứ hai đang học đại học cũng là cả một vấn đề. Trong khi đó, sức khỏe của hai vợ chồng bà ngày càng giảm sút. Trước bà còn làm thêm kiếm sống, vài năm nay sức yếu, bà không thể đi làm, nên càng khó khăn hơn. Cũng may, thẻ BHYT dành cho hộ nghèo hỗ trợ bà phần nào tiền viện phí.

Mải miết với những toan tính mưu sinh, với những cơn đau bệnh tật hành hạ, ý niệm của bà về ngày lễ, Tết rất mờ nhạt. Nhắc đến Tết cổ truyền, bà chia sẻ, những người ở xóm nhỏ này không tổ chức ăn Tết. Có chăng, khi các đoàn từ thiện tới, họ biếu mấy cái bánh chưng, coi như có Tết rồi. Bà tâm tư: "Sang năm mới, tôi chẳng ước mình khỏi bệnh, bởi bệnh này phải chung sống cả đời. Vậy nên điều quý giá nhất với chúng tôi, đó là duy trì được tình trạng bệnh ổn định, thế là tốt lắm rồi”.

Muôn vàn nỗi lo

Khi chúng tôi rời khỏi căn phòng trọ của bà Tuất thì cũng là lúc bà Vi Thị Lành (62 tuổi, quê Yên Thế, Bắc Giang) trở về từ bệnh viện. Gần 12 giờ trưa, bà Lành mới về đến nhà, muộn hơn rất nhiều so với những ngày khác. Len lỏi vào chiếc giường đặt giữa những vật dụng kê san sát nhau, bà Lành thở dốc, nghỉ ngơi một lát bà mới tiếp chuyện được chúng tôi. Bà cho biết, vì trời mưa, cầu đi bộ bằng sắt nối đường Lê Thanh Nghị với Bệnh viện Bạch Mai rất trơn trượt, cơ thể lại mệt mỏi nên bà đi lại khó khăn, cứ đi một đoạn lại phải dừng lại nghỉ, nên hôm nay về nhà muộn hơn những lần trước.

Bà Lành là một trong 7 bệnh nhân của xóm ngoài căn bệnh suy thận, bẩm sinh bị thành mạch yếu. Hai cánh tay của bà vì cắm quá nhiều kim truyền nên mạch máu đã vỡ nát hết. Để chữa bệnh này, bà phải phẫu thuật ghép thành mạch từ chân lên cánh tay phải, rồi đến cánh tay trái. Thế nhưng giải pháp đó chỉ giúp bà duy trì được thành mạch trong một thời gian ngắn. Mấy ngày trở lại đây, mỗi lần bà đi chạy thận, khi trở về, thành mạch đều căng phồng, nổi màu xanh tím chực vỡ. Bên cạnh đó, chạy thận xong cơ thể cũng cần được theo dõi xem liệu có phản ứng nào khác thường hay không. Vì vậy, bà Lành phải ở gần bệnh viện để phòng trường hợp khẩn cấp.

Với bà, Tết năm nay cũng giống như 10 năm trước đó, bà đón giao thừa ở Hà Nội, còn lịch chạy thận thì rơi vào đúng mồng Một Tết. Hiện bà vẫn còn nợ 3 tháng viện phí, tới 6 triệu đồng. Gia đình bà Lành chỉ làm nghề nông, kinh tế chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, mấy con lợn, con bò và tiền lương của cô con gái lớn đi làm tại công ty, vì vậy 6 triệu đồng là cả một khoản tiền lớn, chưa tính các chi phí sinh hoạt khác như tiền nhà, tiền điện, nước…

Có một dạo, theo chân những bệnh nhân khác trong xóm, bà bán hàng rong trong khuôn viên bệnh viện, kiếm thêm chút thu nhập. Nhưng chẳng lời lãi được là bao, bà lại phải kiếm việc làm thêm, đi giúp việc theo giờ. Rồi tuổi cao sức yếu, người ta chẳng nhận bà làm nữa, bà cũng chẳng thể kham được, vậy là bỏ việc, cuộc sống đã khốn khó nay càng khốn khó hơn. "Bác sĩ bảo tôi phải nghỉ ngơi, không được lao động nặng nhọc. Thôi thì gắng gượng được đến bao giờ thì gắng, đến lúc nào không còn gắng được nữa thì đành buông tay" - bà thở dài.

Trong 10 năm ở Hà Nội đón Tết, cái Tết của năm 2015 có lẽ không bao giờ bà Lành có thể quên được. Chồng mắc bệnh mất sớm, bà quyết định không đi bước nữa mà ở vậy nuôi 2 con gái ăn học. Năm ấy, bà chạy thận vào đúng ca cuối cùng của ngày 29 Tết đến 1giờ sáng ngày 30 mới xong. Đúng lúc đó, bà hay tin con gái bị tai nạn giao thông trên đường lên Hà Nội thăm mẹ, bị chấn thương sọ não nặng phải mổ cấp cứu ngay. Không kịp nghỉ ngơi, bà vội vàng chạy về khu trọ trong cơn mưa tầm tã, dốc hết tiền bạc mang theo rồi bắt xe về Bắc Giang với con. “May mắn là con tôi vẫn còn lành lặn, nhưng di chứng của vụ tai nạn khiến nó mất sức lao động, hiện nay chỉ ở quê trông nhà cho mẹ” - bà quẹt nước mắt, thở dài. Nhắc đến cái Tết đang cận kề, bà bảo, với mình Tết cũng giống như ngày thường mà thôi, ngày nào mà chẳng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, đối mặt với nỗi lo bạo bệnh.

Chia tay bà Lành, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tuấn, người được coi là trưởng xóm cũng chính là một bệnh nhân chạy thận 24 năm nay. Anh Tuấn cho biết, "xóm chạy thận" hiện có 124 người, tất cả đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. 124 người là 124 phận đời khác nhau, nhưng đều có hoàn cảnh chung là gia cảnh rất nghèo khó, họ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, nhưng thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, cùng động viên nhau yêu đời để chữa bệnh.

Một cái Tết nữa lại sắp về, chia tay những bệnh nhân ở "xóm chạy thận", chúng tôi chỉ mong điều ước của bà Tuất sẽ thành hiện thực với bà, và với tất cả bệnh nhân chạy thận nơi đây. Mong họ có sức khỏe ổn định để lại tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • Lan tỏa tinh thần yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, phát triển của tuổi trẻ Thủ đô
    Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và các ngày lễ, kỷ niệm quan trọng trong năm 2024, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức “Festival Thanh niên quốc tế lần thứ III năm 2024” với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và phát triển của tuổi trẻ Thủ đô.
  • Ấn tượng sinh viên trường múa biểu diễn trong kỳ thi tốt nghiệp
    Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Chương trình thi Tốt nghiệp trình độ Trung cấp vào 3 ngày 14/5 đến 16/5 vừa qua với những nội dung thi như: múa cổ điển Châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa đương đại,…
  • Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng
    “Trước khi về, nhớ sang Bát Tràng mua cho mẹ bộ bát đĩa nhé!”. Nghe lời dặn của mẹ, ký ức một thuở hiện về và nỗi nhớ căn nhà kỷ niệm cứ xốn xang trong tôi. Nơi đó có mẹ đang móm mém mỉm cười chờ tôi. Thấy con về, nhất định mẹ sẽ hỏi “Có sang Bát Tràng không?”. Tôi sẽ đùa “Nhà thiếu gì bát đĩa mà mẹ cứ phải Bát Tràng!”. Mẹ sẽ mắng yêu “Đấy là tôi dặn mua sắm cho anh em anh đấy chứ. Thi thoảng các con về đây ăn uống đầy nhà đầy cửa không vui sao!”... Càng nghĩ, ký ức càng cuộn lên khôn nguôi, trong đó có những hình ảnh rất quen thuộc trong nhà tôi – một gia đình miền núi nhưng đậm đặc hơi hướng một miền đất đồng bằng nổi tiếng - Bát Tràng.
  • Vinamilk & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam lần thứ 17 thêm nhiều bữa có sữa cho trẻ em
    Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.
Đừng bỏ lỡ
“Xóm chạy thận” những ngày cận Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO