Mặc dù sự cố cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) đã xảy ra 2 tuần, thế nhưng, những thông tin liên quan về vụ việc chưa bao giờ hết nóng trên các diễn đàn xã hội và các phương tiện truyền thông.
PGS.TS.Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Rất may hỏa hoạn không có thiệt hại về người nhưng với sự nhiễu loạn thông tin, xuất phát từ các đơn vị chuyên môn và chính quyền sở tại, khiến hậu quả xảy ra là sự ‘khủng hoảng” lòng tin trong cộng đồng, nhất là người dân sống tại khu vực.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, sự cố hỏa hoạn ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã xảy ra gần 2 tuần, thế nhưng sức nóng về vụ việc vẫn chưa giảm. Theo ông đâu là nguyên nhân?
- Vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường nhưng được đẩy lên cao trào mà không có sự hiểu biết về chuyên môn để giải thích rõ ràng cho người dân. Thông tin từ các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn thì bất nhất.
Các phương tiện truyền thông thì tự tìm thông tin rồi có gì đưa nấy, ai nói gì đúng sai không cần biết cứ đẩy lên mạng.
Nhân dân hoang mang đến mức muốn bán nhà đi nơi khác vì sợ khí độc thủy ngân. Tôi cho rằng, đây chính là hậu quả của việc không thiết lập được “tiếng nói chung” giữa các cấp chính quyền và các đơn vị chuyên môn, vô hình dung đã tạo lên sức “nóng” không đáng có về vụ việc trong dư luận.
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không?
- Thực ra câu chuyện có thể đi theo một chiều hướng tích cực hơn nếu cộng đồng có được thông tin chính xác, minh bạch và khoa học về ảnh hưởng của sự cố cháy nhà máy lên sức khỏe con người sống ở gần đó.
Tôi có cảm nhận là một số người đã hiểu sai về bản chất của vấn đề, một số người thì lại đưa tin theo kiểu “đe dọa” người dân nhiều hơn khi cứ nhấn mạnh là hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí gấp 1,6 lần, rồi trong nước sông gần khu vực thải ra gấp 6 lần tiêu chuẩn WHO. Trong khi đó, WHO không hề có các khuyến cáo về tiêu chuẩn nước thải.
Thậm chí, có người còn cảm thấy thất vọng khi những kết quả đo đạc ở khu dân cư nằm trong ngưỡng an toàn. Thực tế, WHO chỉ có khuyến cáo về tiêu chuẩn thủy ngân trong nước uống là 1 micro gram trong 1 lít nước uống và 1 micro gram thủy ngân trong một mét khối không khí xung quanh. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam giới hạn trong nước uống từ vòi cũng như của WHO là 1 micro gram trong 1 lít.
Còn đối với nước đóng chai thì quy chuẩn quốc gia cho phép tới 6 micro gram trong 1 lít tức là gấp 6 lần tiêu chuẩn nước uống và đúng bằng kết quả được Bộ TN&MT công bố về xét nghiệm nước thải ra sông cách nhà máy 500 mét.
Còn con số hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí khu dân cư gần nhà máy gấp 1,6 lần quy chuẩn quốc gia (QCVN là 0,3 microgram trên 1 mét khối không khí xung quanh) thì vẫn được coi là an toàn đối với sức khỏe nhưng một số người cứ nhấn mạnh để “hù dọa” người dân thường không hiểu biết về tiêu chuẩn cho phép. Vì con số trung bình 1 microgram thủy ngân trong 1 mét khối không khí là số giới hạn trung bình mà WHO đưa ra trong cả năm.
Thực tế quan trắc có những thời điểm nó cao lên gấp chục lần, có thời điểm nó thấp hơn chục lần. Tiêu chuẩn của Việt Nam mà Bộ TN&MT ban hành đối với không khí xung quanh là 0,3 microgram trên 1 mét khối không khí. Vì vậy, nếu gấp 1,6 lần tiêu chuẩn thì mới xấp xỉ tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO (1microgram trên 1 mét khối không khí) nên không có gì phải lo lắng.
Song ở đây, người ta không có sự so sánh với chất lượng không khí và nước thải ở các nơi khác, các quận khác của TP cùng thời điểm đó. Trong khoa học, khi đánh giá một mức độ ô nhiễm nào thì người ta phải so sánh với những khu vực tương tự gọi là “đối chứng”. Biết đâu cùng thời điểm đó có những khu vực khác ở xa nhà máy Rạng Đông cũng đo được nồng độ thủy ngân như vậy.
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông. |
|
Thêm vào đó, tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Việt Nam đối với những người làm việc trong môi trường lao động có thủy ngân là 30 microgram trên 1 mét khối cho ngày làm việc 8 giờ. Tức là cao gấp 30 lần số với con số đo được sau vụ cháy ở khu dân cư. Còn tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Hoa Kỳ là 50 - 100 microgram thủy ngân trong một mét khối không khí cho ngày làm việc 10 giờ. Tức là gấp 300 lần tiêu chuẩn không khí của Việt Nam.
Theo ông, điều đó có nghĩa, cùng với việc hiểu sai về cách áp dụng tiêu chuẩn của WHO là việc chạy theo thông tin của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đã đẩy sự việc ở vụ cháy Công ty Rạng Đông đi quá xa?
- Đúng vậy. Tôi thấy lạ là, một số phương tiện truyền thông chính thống cũng ồn ào về việc nhiều người dân có triệu chứng ngộ độc như ho, đau đầu. Những triệu chứng đó có thể do nhiều nguyên nhân trong đó có cả vụ cháy nhà máy.
Tuy nhiên, trong khói cháy phát ra thì còn có nhiều khí độc gây ho, đau đầu chứ không cứ là thủy ngân. Còn các triệu chứng lâm sàng ngộ độc cấp do khí thủy ngân thì chỉ xuất hiện ở người bình thường khi nồng độ thủy ngân trong không khí từ 1 mg thủy ngân trong 1 mét khối không khí. Tức là hàm lương thủy ngân trong không khí phải cao gấp 1.000 lần hàm lượng mà cơ quan quan trắc môi trường đo được ở khu dân cư tiếp giáp với nhà máy Rạng Đông.
Như vậy, việc dân lo lắng, đi tản đi nơi khác và bán rẻ nhà đất liệu có cần thiết không. Chắc chắn là không nên nhưng truyền thông đã đẩy họ hoang mang đến độ ấy, khơi sâu vào việc học sinh nghỉ học, cư dân bỏ nhà đi thuê chỗ khác, khiến cả những người tuy nhận biết được sự việc cũng khó lòng ở lại vì cũng bị dao động. Còn vấn đề yếu kém trong quản lý sự cố cũng như năng lực ứng phó với thảm họa của chúng ta lại là một câu chuyện khác.
Vậy, ông có lời khuyên gì xung quanh vụ cháy ở Công ty Rạng Đông và những vụ tương tự?
- Đây là một bài học đắt giá về xử lý sự cố môi trường nên các nhà quản lý cần phân tích để xử lý tốt hơn trong tương lai. Chúng ta cần thành lập đơn vị phản ứng nhanh có sự phối hợp liên ngành và các thành viên đội phản ứng phải được huấn luyện và diễn tập thường xuyên. Công tác kiểm tra, thanh tra môi trường cần được chấn chỉnh lại.
Đối với truyền thông đại chúng thì chúng ta cần có những người phát ngôn chính thống khi có sự cố, để định hướng dư luận báo chí với nhưng phân tích khoa học rõ ràng minh bạch. Đối với dân cư quanh khu vực nhà máy thì tôi khuyên nên ở lại không vội vàng bán nhà để di chuyển sang nơi khác, vì sự cố đã qua rồi, không khí trở lại bình thường, tro của đám cháy đang được các đơn vị chuyên môn xử lý tiêu hủy theo quy định.
Còn về lâu dài thì nên di dời các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm ra các khu công nghiệp, lấy đất đó trồng cây xanh hoặc xây dựng các trung tâm giải trí.
Xin cảm ơn ông!