Vụ án "Giả mạo trong công tác": Quá trình tố tụng có nhiều sai sót?

Hoàng Dương/báo Công luận| 28/12/2017 15:58

Theo đơn kêu cứu của bị cáo Trần Văn Ngọc (phố Đa Hội, phường Châu Khê, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) gửi tới các cơ quan có thẩm quyền thì ông Ngọc bị xét xử hai lần về một tội phạm.

Diễn tiến vụ án

Năm 2012, chú họ của Trần Văn Ngọc là ông Trần Mạnh Công (Việt kiều Mỹ về thăm Việt Nam) nhờ Ngọc nhập hộ khẩu cho một số Việt kiều. Nể nang chú, Ngọc đã nhận lời, thông qua người quen, liên hệ với Trưởng, Phó Công an các xã Long Châu, Đông Tiến, huyện Yên Phong và xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để đăng ký thường trú cho 29 trường hợp Việt Kiều; còn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thì "giúp" nhập khẩu đăng ký thường trú cho 07 trường hợp khác tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, đều trong khoảng thời gian tháng 6 và tháng 7 năm 2012….

Ngày 9/9/2014, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can Trần Văn Ngọc về tội “Giả mạo trong công tác”. “Trong quá điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Ngọc đã thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh và giúp cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án” (Trích kết luận của CQĐT tỉnh Bắc Ninh).

Vụ án
 Các quyết định liên quan đến sự việc 

Tuy nhiên, ngày 8/4/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành bàn giao hồ sơ, tài liệu giữa Công an Bắc Giang và Bắc Ninh (tách đôi vụ án).

Ngày 29/7/2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án hình sự và ngày 18/9/2015, khởi tố các bị can Trần Văn Ngọc, Hữu và Minh cũng về tội “Giả mạo trong công tác”.

Ngày 22/9/2015, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Ngọc 36 tháng tù giam. Ngày 30/3/2017, TAND huyện Tân Yên (Bắc Giang) xét xử sơ thẩm, cũng tuyên phạt Ngọc 36 tháng tù giam.

Theo thông báo của VKSND tối cao: “Bị cáo Ngọc đã kháng cáo bản án của TAND tỉnh Bắc Ninh, nên khi xử phúc thẩm vụ án, TAND và VKSND Cấp cao tại Hà Nội cần xem xét lại vụ việc này” (Trích thông báo của VKSND Tối cao số 136/TB-VKSTC).

Điều đáng nói là Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Ngọc về tội “giả mạo trong công tác” về hành vi đã nhập hộ khẩu "khống" cho 36 Việt Kiều nói trên. Tuy nhiên, Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh lại ra quyết định tách 07 trường hợp ở Bắc Giang để các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang điều tra, truy tố, xét xử.

Theo đó, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi tố Ngọc cùng về một tội danh là "Giả mạo trong công tác" theo điều 284 luật hình sự. Việc "tách" này gây bất lợi cho Trần Văn Ngọc, vì bị cáo phải chịu hai bản án, 1 của Tòa Bắc Ninh và 1 của Tòa bên tỉnh Bắc Giang. 

Ngày 27-9-2017, Tòa án nhân dân Tỉnh Bắc Giang đã xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên bị cáo Trần Văn Ngọc phạm tội “Giả mạo trong công tác”, với hình phạt là 36 tháng tù giam 

TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm cũng tuyên phạt bị cáo Ngọc 36 tháng tù giam về tội danh như trên. Và tới đây, ngày 8/1/2018, bị cáo Ngọc sẽ bị ra xét xử phúc thẩm tại Tòa án cấp cao ở Hà Nội.

Như vậy, Ngọc một mặt chịu bản án có hiệu lực từ TAND tỉnh Bắc Giang; mặt khác, chuẩn bị “hầu tòa” phúc thẩm tại Tòa cấp cao ở Hà Nội cùng về một hành vi phạm tội.

Quá trình tố tụng có nhiều sai sót?

LS Trần Tuấn Anh, đoàn LS Hà Nội cho biết: Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết, khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do. Việc cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh tách 7 trường hợp Việt Kiều ở Bắc Giang gây bất lợi cho bị cáo.

Vụ án
Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội 

LS Trần Tuấn Anh cho biết thêm: Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền con người và quyền công dân, trong đó có quyền không bị kết án hai lần vì một tội phạm của bị can, bị cáo. Đây là quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người bị kết án. 

Khi được hỏi về việc không ai bị kết án hai lần về một tội phạm, Luật sư Trần Tuấn Anh nhận định: “Theo nguyên tắc có lợi cho bị can bị cáo, tới đây VKSND Cấp cao sẽ tuyên hủy cả hai bản án để điều tra, gộp lại làm một”.

Đồng tình với quan điểm của LS Trần Tuấn Anh, LS Vi Văn Diện - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng để xử lý lỗi vi phạm tố tụng, vi Hiến trong vụ án này, VKSND Cấp cao cần thể hiện trách nhiệm cùng vai trò của VKS trong việc giám sát các hoạt động tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Vụ án "Giả mạo trong công tác": Quá trình tố tụng có nhiều sai sót?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO