Âm nhạc

Vĩnh biệt người “hồi sinh” xẩm Hà thành

Yến Ly 25/10/2023 08:28

Theo thông tin từ nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Thao Giang, người “hồi sinh” xẩm Hà thành, tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Kể chuyện ngày mùa”, “Tình quê hương” đã qua đời vào tối ngày 24/10/2023 ở tuổi 75.

Nhạc sĩ Thao Giang (22/7/1948 - 24/10/2023) sinh ra tại Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội và bắt đầu hành trình âm nhạc từ năm 10 tuổi. Niềm đam mê với cây đàn nhị của Thao Giang đã gặp không ít cản trở từ những mỉa mai, chế giễu nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi. Cho đến khi theo học với nhạc công lừng lẫy của âm nhạc Cung đình Huế - cụ Vũ Tuấn Đức tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), năng khiếu của Thao Giang có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Năm 1965, Thao Giang bắt đầu sáng tác bằng việc biến tấu bài Mừng hội cướp bông từ một điệu chèo quen thuộc. Năm 1967, ông có bài Lý chiều chiều sáng tác bè đệm, dựa trên tiết tấu của bài nhạc chèo Con gà rừng. Cùng năm, ông tốt nghiệp hệ trung cấp đàn nhị và được giữ lại trường làm giảng viên.

Trong lĩnh vực sư phạm, năm 1974 ông đã biên soạn giáo trình mang tên "Phương pháp học đàn nhị" được áp dụng trong giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông là thầy của nhiều nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng như: Thế Dân, Đình Nghi, Sĩ Toán, Văn Hà...

nhac-si-thao-giang-va-nguyen-quang-long.jpg
Nhạc sĩ Thao Giang (người bên trái) cùng nhạc sĩ Nguyễn Quang Long trong chuyến mấy thầy trò mang xẩm Hà Nội đi biểu diễn ở Thành phố Đà Lạt dịp Noel năm 2010.

Trong lĩnh vực sáng tác, ngoài tác phẩm độc tấu đàn nhị kinh điển Kể chuyện ngày mùa, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm viết cho cây đàn nhị khác như: Tình quê hương, Làng ven sông, Đan lưới… Bên cạnh đó, ông còn sáng tác tác phẩm cho một số nhạc cụ dân tộc quen thuộc như: Hương rừng (đàn tam thập lục), Ao cá Bác Hồ (đàn tranh), Du thuyền trên sông Hương (đàn bầu), Đường xa vui những tiếng đàn (đàn tỳ bà)…

Năm 1979, nhạc sĩ Thao Giang được đặc cách tốt nghiệp đại học và đã có 5 năm tu nghiệp sau đại học tại Ấn Độ. Sau đó, ông trở về và công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian rồi về Viện Âm nhạc.

Năm 2005, nhạc sĩ Thao Giang đã cùng GS. Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) với ba nhiệm vụ: sưu tầm, nghiên cứu; truyền dạy, đào tạo; biểu diễn, giới thiệu tác phẩm âm nhạc truyền thống.

Bằng sự tâm huyết và uy tín của mình, nhạc sĩ Thao Giang đã tập hợp nhiều nghệ sĩ uy tín trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật dân tộc như cố GS.TS.NGND Phạm Minh Khang, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan, NSND Đoàn Thanh Bình, NSND Thúy Ngần, nghệ sĩ Tự Cường… và thế hệ trẻ hơn có Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Khương Cường…

Nhạc sĩ Thao Giang đã cùng với các nghệ sĩ, học trò của mình vận động khắp nơi để làm nên chương trình “Hà thành 36 phố phường” diễn ra vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần trong khu vực phố cổ Hà Nội. Năm 2008, để xẩm của người khiếm thị, cơ cực được đưa lên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội bằng chương trình “Đêm hát xẩm và trống quân mừng xuân Mậu Tý 2008” và lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm được tái hiện là công lao to lớn của nhạc sĩ Thao Giang. Trong nhiều năm qua, công chúng đều biết nhạc sĩ Thao Giang chính là người đã “hồi sinh” xẩm Hà thành, là người có nhiều công lao trong việc xây dựng, gìn giữ và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc.

Năm 2023, nhạc sĩ Thao Giang được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2023 với hai tác phẩm Kể chuyện ngày mùaTình quê hương.

Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, nhạc sĩ Thao Giang là người thầy lớn đã gieo duyên cho anh với hát xẩm từ 20 năm trước. “Là một nghệ sĩ chơi đàn, hiểu đàn, hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền và tâm hồn người Việt, ông đã phát hiện những điểm chưa phù hợp của cây đàn nhị theo lối thiết kế của Trung Quốc, điểm yếu của cây đàn nhị dàn nhạc dân gian Việt Nam. Vì thế, ông đã trăn trở, nghiên cứu và từ đó có những cải tiến cây đàn nhị phù hợp với âm nhạc Việt Nam”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Trong nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, hình hài, cấu tạo thân đàn, cần đàn… của cây đàn nhị Việt Nam hôm nay có sự góp sức không nhỏ của nhạc sĩ Thao Giang. Sự ra đi của ông để lại nỗi tiếc thương và hụt hẫng lớn trong lòng các nghệ sĩ, học trò và công chúng yêu âm nhạc dân tộc./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh biệt người “hồi sinh” xẩm Hà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO