“Viết để không cảm thấy bị mất mát quá nhiều…”

Hoàng Anh| 05/10/2022 05:10

Dù luôn bận bịu với công việc của một biên tập viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam, bận bịu với muôn việc không tên của một người mẹ tảo tần, vậy mà nhà báo, tác giả Anh Thư vẫn không quên dành thời gian thả hồn mình vào những trang văn.

“Viết để  không cảm thấy  bị mất mát  quá nhiều…”
Viết văn đối với nhà báo, tác giả Anh Thư là một sự hữu duyên.
Và sau 10 năm, chị đã gửi đến bạn đọc 2 tập truyện ngắn (“Thư không gửi cho ba” - 2012, “Ở trọ phố phường” - 2022), 2 tập tản văn (“Cafe & quán vắng” - 2013, “Giấc mơ trung thu” - 2017). Trò chuyện cùng Người Hà Nội, nhà báo, tác giả Anh Thư giản dị: “Tôi là một người viết bé nhỏ, viết về những điều bé nhỏ” và chị viết để không cảm thấy bị mất mát quá nhiều…”

PV: Từ “Thư không gửi cho ba” (2012) đến “Ở trọ phố phường” (2022) - quãng nghỉ 10 năm với truyện ngắn - với chị là dài hay ngắn? 
Tác giả Anh Thư: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này mà chỉ cảm nhận thấy một sự hữu duyên đối với mình. “Thư không gửi cho ba” là những truyện ngắn thiếu nhi tôi viết rải rác trong khoảng 10 năm. Đến “Ở trọ phố phường” cũng là một khoảng thời gian như vậy. Tôi luôn tự nhủ viết như một cách để thực hành trong từng ngày sống, gom góp chắt chiu và lưu giữ lại những cảm xúc, để không cảm thấy bị mất mát quá nhiều khi từng ngày qua ta lại tự tay bóc đi một tờ lịch. Có người cả đời chỉ viết một cuốn sách và thành công rực rỡ. Có người viết rất nhiều, in rất nhiều nhưng không tạo được một giọng điệu một dấu ấn riêng. Vì thế, thời gian dài hay ngắn, trang viết nhiều hay ít cũng chỉ mang tính định lượng, không phải định tính để đánh giá, nhận xét về một tác giả. 
“Viết để  không cảm thấy  bị mất mát  quá nhiều…”

“Viết để  không cảm thấy  bị mất mát  quá nhiều…”
Một số tác phẩm của nhà báo, tác giả Anh Thư. 

PV:Nếu như “Thư không gửi cho ba” là những truyện nhỏ xinh dành cho con trẻ thì “Ở trọ phố phường” là những truyện dành cho người trưởng thành. Đây là một cách chọn đối tượng sáng tác có chủ ý của chị hay chỉ là ngẫu nhiên? Giữa con trẻ và người lớn, chị thuận tay với bên nào hơn?
Tác giả Anh Thư: Tôi có nhiều năm làm biên tập các chương trình phát thanh trên làn sóng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, như “Kể chuyện và hát ru”, “Văn nghệ thiếu nhi”, “Trang văn học tuổi mới lớn”, rồi “Tiếng thơ”, “Đọc truyện đêm khuya”… Ngay từ cái tên chương trình đã rõ tính đối tượng rồi. Liên hệ một chút với điện ảnh, các nhà kiểm duyệt thường dán nhãn phân loại phim theo độ tuổi. Với trang văn cũng vậy. Mình lựa chọn chủ đề gì, cách triển khai ra sao, giọng điệu thế nào… Những điều ấy đều phải xác định rõ trước khi đặt bút. Và cũng giống như điện ảnh có những bộ phim dán nhãn P nghĩa là cả gia đình có thể cùng đi xem, thì nhiều truyện ngắn của tôi các bố mẹ và con cái đều có thể đọc được và mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng. Một điểm chung là dù viết cho đối tượng nào, tôi luôn hướng tới sự ấm áp, nhân hậu và trong sáng.
Viết cho/ viết về thiếu nhi hay viết cho/ viết về người lớn là cách gọi để phân biệt đối tượng viết/ đối tượng đọc một cách tương đối. Cách gọi này thường được sử dụng khá phổ thông và được nhiều người chấp nhận. Tôi cũng thường sử dụng những cách gọi này, dù rằng để bàn một cách cặn kẽ thì còn nhiều điều phải tranh luận. Và cũng theo cách gọi này, tôi nhận thấy viết cho đối tượng nào cũng có cái khó riêng, nhất là trong bối cảnh của cuộc sống số hôm nay, người đọc có những “gu” thẩm mỹ riêng, thị trường xuất bản phong phú và văn học không phải là miền đất thu hút được nhiều sự chú ý. Tôi vẫn nhớ khoảng gần 20 năm trước, nhà thơ Trần Đăng Khoa khi ấy là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam, thủ trưởng cũ của tôi, trong một lần trò chuyện bên bàn trà anh nói: “Bây giờ không phải là thời của văn chương”. Thời điểm ấy tôi thấy nhà thơ Trần Đăng Khoa nói đúng và đến bây giờ vẫn thấy đúng.  
 PV:Chị thấy sao trước nhận xét: Phong cách viết của Anh Thư không ồn ã, không ào ạt, không đao to búa lớn mà là rủ rỉ, nhẹ nhàng, thầm thì kể về những điều rất đỗi bình dị của cuộc sống? Và chị có thể chia sẻ về cách đưa những điều bình thường ấy vào trang văn không bị tầm thường, không bị nhạt, không bị nhàm mà vẫn có thể chạm đến cảm xúc bạn đọc - điều chị đã làm được ở mỗi truyện ngắn của mình?
Tác giả Anh Thư: Tôi là một người viết bé nhỏ, viết về những điều bé nhỏ, viết để chia sẻ với lòng mình và trong chừng mực nào đó, nếu nhận được sự quan tâm của bạn đọc, bạn viết thì đó là điều rất đáng quý. Vì thế, nếu có nhận xét là văn của tôi rủ rỉ, nhẹ nhàng với những điều bình dị của cuộc sống thì cũng dễ hiểu. Và tôi cảm ơn lời nhận xét đó. 
Thế giới chúng ta đang sống thật nhiều thứ hấp dẫn, thật nhiều niềm đam mê và cũng thật nhiều bất ổn, họa và phúc đôi khi như trở bàn tay. Thế nên, là người “Ở trọ phố phường”, tôi chỉ mong ước một cuộc sống bình dị, với những niềm vui nỗi buồn đời thường. Tôi vun vén cho điều ấy, qua công việc hàng ngày ở cơ quan ở gia đình, và qua cả trang viết. Còn “tầm thường” và “nhạt nhẽo” ư? Khi mình viết bằng sự rung động của tâm hồn, với  những câu văn như chắt từ gan ruột thì tôi tin rằng tôi chạm được vào cảm xúc của người đọc. 
“Viết để  không cảm thấy  bị mất mát  quá nhiều…”
PV:Nhưng dường như cái sự rủ rỉ, nhẹ nhàng, thầm thì ấy chỉ là sự yên ả bề mặt khi đằng sau những con chữ dịu dàng kia là những đợt sóng ngầm cuộn trào, thưa chị?
Tác giả Anh Thư: Tôi không dám khẳng định rằng có sóng ngầm cuộn trào hay không. Tác phẩm của tôi không khó hiểu, không đánh đố, cũng không thuộc đổi mới cách tân. Tuy nhiên mong rằng mỗi độc giả cũng đừng đọc một cách vội vã, lướt qua. Khi nhập tâm vào văn bản, vào trạng thái tâm lý trạng thái cảm xúc của nhân vật, sống cùng nhân vật, độc giả sẽ nhận ra những ý tình sau con chữ của tôi.  
PV:Ở tập truyện ngắn “Ở trọ phố phường” vừa mới xuất bản, độc giả thường bắt gặp những lát cắt không quá phức tạp về chuyện tình yêu, hôn nhân, công việc, bạn bè, con cái… của các bà, các mẹ, các chị. Nhưng mỗi câu chuyện lại rất ít dư vị ngọt mà phần nhiều là vị mặn, vị đắng ngay từ đầu môi. Liệu đây có phải là những trải nghiệm, đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ của chị với những nhân vật nữ ở xung quanh mình?
Tác giả Anh Thư: Tôi biết nhiều người phụ nữ thành đạt, giàu có, được chồng con yêu chiều. Song cũng có không ít người bề ngoài luôn tỏ vẻ hạnh phúc rạng rỡ nhưng trong lòng họ là bao chua xót, nín nhịn. Một phần của những nỗi buồn trong cuộc sống đến từ những định kiến, những ràng buộc. Nếu góp phần xóa bỏ những điều đó, tôi nghĩ phụ nữ sẽ hạnh phúc hơn. Những khó khăn mà các nhân vật của tôi gặp phải không cá biệt. Và họ vẫn nỗ lực để khẳng định mình, tồn tại một cách độc lập chứ không phụ thuộc vào người khác. Họ có thể bị lừa gạt, nghèo túng, cô đơn, buồn tủi, tính cách có hơi bướng bỉnh hay “gàn dở” thì họ vẫn giữ lòng tự trọng và tình yêu thương với cuộc sống này. 
PV: Cũng trong “Ở trọ phố phường”, có lẽ chỉ đôi ba truyện độc giả được đón nhận cái kết trọn vẹn và ấm áp như truyện “Tuổi xuân thì”, “Bí mật của cái cây” hay “Ba ngọn nến”, còn lại phần nhiều là những cái kết mở phả vào không gian bao mênh mang, hoang hoải. Sao chị lại gieo những bối rối vào lòng độc giả để rồi hối thúc độc giả nắm quyền tự quyết khi họ bước vào trang văn của mình?
Tác giả Anh Thư: Ồ, đâu phải chỉ ba truyện đó. Nhiều truyện khác trong tập “Ở trọ phố phường” cũng có cái kết ấm áp đó chứ. Như truyện “Mùa đầu của tình yêu”. Vì một tình huống hiểu lầm năm cuối cấp ba mà cô gái cố gạt bỏ, cố phủ nhận những rung cảm đầy trong sáng dành cho người bạn cùng khóa. Nhưng sâu thẳm bên trong cô vẫn khắc khoải về mối tình học trò đơn phương ấy. Cũng vì sự hiểu lầm, người bạn khác giới ấy có dịp để tìm hiểu về cô và rụt rè trước vẻ lạnh lùng của cô. Khi họ gặp lại nhau, những hiểu lầm được gỡ bỏ thì hai nhân vật của tôi đều cười, cười giòn giã, sảng khoái, như thể trút bỏ được một vật rất nặng đang đè lên lồng ngực họ bao nhiêu năm nay. “Chưa bao giờ cô thấy mình được cười sảng khoái như thế, hồn nhiên như thế. Tiếng cười như chơi trò chơi trốn tìm, mười mấy năm rồi mới quay lại gặp cô”. Khi viết đến đây, tôi cũng bật cười, đầy nhẹ nhõm. Các nhân vật của tôi đã nhận ra nhau sau một hành trình lưu lạc. Họ hạnh phúc và tôi cũng thực sự hạnh phúc.   
Dẫn chứng một chút như vậy để thấy rằng tôi không áp đặt, không cố tình “gieo những bối rối” cho người đọc. Tôi chỉ trung thực với hoàn cảnh và tâm lý nhân vật. Nhân vật dẫn dắt tôi mở ra và kết lại truyện ngắn như thế nào. Mỗi người đọc, tùy theo tính cách, hiểu biết, vùng văn hóa, sự từng trải cá nhân… nếu có chia sẻ với nhân vật của tôi ở mức độ nào, tôi đều rất trân trọng và cảm ơn.
PV: “Sắc màu” nữ quyền trong các truyện ngắn của chị khá đậm nét và trôi theo dòng chảy tâm lý: từ những hương buồn sâu thẳm thậm chí ôm cả biển thất vọng khi đem lòng cả tin để nếm trải sự giả dối; bị ném vào sự bất lực, ràng buộc, bế tắc, hoảng sợ, âu lo… nhưng cuối cùng chị lại dịu dàng đặt họ vào những bừng thức để lựa chọn. Xem ra, cùng với việc nghiêm khắc bóc trần hiện thực chát đắng mà ai cũng có thể gặp đâu đó ngoài đời thực, chị còn luôn muốn nâng niu tâm hồn, ước muốn bình dị của những người bà, người mẹ, người chị, người em, người cháu trong mỗi tác phẩm của mình. Chị giải thích sao về điều này?
Tác giả Anh Thư: Có một lần, khi phỏng vấn một nhà văn - nhà báo lão thành về cuốn tiểu thuyết mới ra của ông, ông khẳng định “Những người phụ nữ đẹp mới có thân phận. Không đẹp thì sao có thân phận được”. Tôi hiểu ý ông muốn nói rằng  những người phụ nữ đẹp thường đa đoan, ba chìm bảy nổi, cuộc đời nhiều sóng gió của họ là chất liệu phong phú để xây dựng tác phẩm với những mâu thuẫn, bi kịch, cao trào, hấp dẫn. Tôi không dám phản đối, nhưng không đồng thuận. Nếu trên màn ảnh chỉ ngập tràn hình ảnh các minh tinh, nếu họa sĩ chỉ vẽ những người đàn bà đẹp, nếu nhà văn chỉ ca ngợi và khóc thương cho giai nhân tài tử, thì còn bao nhiêu, bao nhiêu nữa, những gương mặt bình thường, những con người của đời thường. Chẳng lẽ họ chỉ biết nuốt hờn tủi vào bên trong, và sống lặng lẽ với những buồn vui kiếp người? Hẳn chúng ta vẫn nhớ nhân vật Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn trong tác phẩm của Nam Cao. Trong thế giới này, phần nhiều chúng ta là những con người bình thường, với gương mặt, vóc dáng và chỉ số IQ không cao. Có người cả đời quẩn quanh với bếp núc, buồn vui theo chồng con, buồn vui theo những định kiến có sẵn. Có người không nhận thức được sự tồn tại của mình. Song, ai chẳng có quyền được sống, được hạnh phúc, được nói lên tâm sự lòng mình. Chỉ có điều, ta có quan tâm và lắng nghe những câu chuyện đôi khi rất “tầm phào” và “nhạt nhẽo” đó không. 
PV:Sau “Ở trọ phố phường” chị dự định sử dụng quãng nghỉ bao lâu để tiếp tục ra mắt tập truyện mới? Và chị vẫn tiếp tục rủ rỉ, thì thầm những chuyện thưởng ngày của các bà, các mẹ, các chị, các em chứ?
Tác giả Anh Thư: Tôi đang chuẩn bị bản thảo cho một tập tản văn - thể loại mà tôi rất yêu thích. Nếu được một nhà xuất bản đồng ý in thì rất vui. Còn không thì lại để đó, và tiếp tục hoàn thiện. Sau đó có thể là một bản thảo tập truyện ngắn thiếu nhi, và một bản thảo “Gom nhặt tháng ngày” về chân dung các văn nghệ sĩ, thể hiện qua các bài viết, bài phỏng vấn mà tôi đã thực hiện. Tôi luôn tự nhủ nếu mình có thể viết được thì vẫn sẽ viết, cũng giống như người ta tập thiền, tập Yoga, hay thực hành nghệ thuật hằng ngày vậy. Nếu tác phẩm của mình nhạt nhẽo, không có nội lực thì cũng không cần phải cố. Thế giới sẽ chẳng làm sao nếu thiếu tôi và những trang viết của tôi. Nếu đã yêu văn chương, yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp thì trước hết mình phải là một người sống tự trọng, tử tế. Mình viết về sự tử tế mà mình không sống được như thế thì viết để làm gì, phải không ạ! 
PV:Trân trọng cảm ơn nhà báo, tác giả Anh Thư!
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
“Viết để không cảm thấy bị mất mát quá nhiều…”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO