Bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội trong 3 tháng vừa qua có nhiều mảng tối, chỉ có "điểm sáng" duy nhất là phân khúc văn phòng cho thuê.
Thị trường này đã có sự tăng trưởng ngoạn mục về giá cho thuê, đạt kỷ lục trong 6 năm trở lại đây.
Giá thuê tăng kỷ lục
Anh Trần Đức Anh – Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội cho biết, Công ty anh vừa cho thuê lại một văn phòng rộng hơn 80m2 thuộc hạng C tại tầng 9 một tòa nhà trên phố Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm) với mức 33 triệu đồng/tháng.
“Cách đây hơn một năm tôi thuê mặt bằng này với giá 30 triệu đồng/tháng, bao gồm một số tiện ích đi kèm như sử dụng thang máy, camera an ninh, điều hòa trung tâm… Hiện tại, do không có nhu cầu sử dụng nên tôi đã cho thuê lại, vừa đăng tin đã có đơn vị đến đặt tiền ngay để giữ chỗ” - anh Đức Anh chia sẻ.
Khảo sát thực tế tại địa bàn một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông… mức giá văn phòng cho thuê ở tất cả các hạng đều tăng nhẹ so với quý II/2019, tăng cao so với cùng kỳ năm 2018.
Giá văn phòng cho thuê tăng kỷ lục trong 6 năm trở lại đây. Ảnh: Doãn Thành |
|
Cụ thể, văn phòng hạng C tăng giá cao nhất, bình quân từ 5 – 7% (tùy vào vị trí) so với cùng kỳ, ở mức từ 15 – 25 USD/m2/tháng; hạng A và hạng B tăng khoảng 4% so với cùng kỳ, ở mức từ 25 – 50USD/m2/tháng. Số liệu thống kê của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, mức tăng này đạt kỷ lục trong 6 năm trở lại đây.
Một thống kê khác của Công ty CBRE Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tính từ năm 2017 đến nay, giá văn phòng cho thuê lại Hà Nội liên tục tăng và tỷ lệ trống ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong đó, văn phòng hạng A có tỷ lệ trống thấp nhất, với giá bình quân đạt khoảng 27 USD/m2/tháng, giá cho thuê cũng tăng xấp xỉ 4%.
Lý giải về việc tăng giá của phân khúc văn phòng cho thuê, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường BĐS Hà Nội có sự sụt giảm về nguồn cung sản phẩm mới, đặc biệt là trong quý III/2019 chứng kiến sự giảm sút sâu hơn so với hai quý trước.
“Từ tình trạng thiếu nguồn cung mới, trong khi nhu cầu vẫn tăng khiến các chủ đầu tư phải tăng giá sản phẩm của mình để bù lấp các chi phí. Điều này đã dẫn đến việc tăng giá của một loạt sản phẩm” – ông Đính cho hay.
Cùng quan điểm, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung cho rằng, việc Chính phủ rà soát lại quỹ đất và thắt chặt cấp phép dự án mới ở các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc ra hàng của các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, siết chặt tín dụng BĐS cũng dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung trong một vài năm tiếp theo. “Tuy nhiên, việc rà soát này là cần thiết để kìm hãm sự tăng trưởng quá “nóng” sẽ khiến cho chất lượng của các sản phẩm bị ảnh hưởng” – bà Dung nhìn nhận.
Cần sớm nới rộng cơ chế?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019 có trên 102.000 DN mới được thành lập, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, còn có 27.600 DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Như vậy, nhu cầu về văn phòng làm việc trong thời gian tới sẽ tăng mạnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam, việc Chính phủ thực hiện “hãm phanh” tạm thời sẽ giúp cho các DN BĐS xem xét lại thực lực của mình, những nhà đầu tư có đủ tiềm lực sẽ tiếp tục tồn tại. Sự cạnh tranh lên cao sẽ khiến cho các chủ đầu tư phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ…
“Nhưng nếu việc kiểm soát này kéo dài quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường. Các DN không phát triển được dự án mới, kéo theo giá các sản phẩm sẽ không ngừng tăng, người có thu nhập thấp càng khó mua được nhà và người dân phải chịu mức phí dịch vụ hàng hóa cao hơn, do DN phải thuê địa điểm kinh doanh, hoạt động với mức giá cao” – ông Nam nhận định.
Theo giới chuyên gia, những khó khăn hiện nay của thị trường kéo dài hay ngắn phụ thuộc vào cơ chế của Chính phủ. “Chính phủ nên sớm nới rộng các cơ chế cho DN BĐS, khi cung cầu ổn định, thị trường càng nhanh chóng bình ổn trở lại” – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.
"Chính phủ nên để các DN BĐS phát triển theo quy luật cung – cầu, dưới sự điều tiết của cơ chế thị trường, do các sản phẩm trên thị trường khan hiếm nên việc DN chủ động tăng giá là tất yếu. Khi nguồn cung sản phẩm của DN tương ứng với nguồn cầu, ắt DN sẽ phải thực hiện bình ổn giá hoặc điều chỉnh giá xuống theo thực tế." - Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam Trần Quốc Việt |