Văn hóa – Di sản

“Văn miếu Sơn Tây phải là điểm sáng của văn hóa giáo dục xứ Đoài”

Quỳnh Chi 28/07/2024 06:03

Đó là ý kiến của TS. Đinh Công Vỹ - nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hội thảo khoa học “Các nhà khoa bảng Sơn Tây và Văn miếu Sơn Tây” do UBND Thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) tổ chức ngày 24/7.

hoi-thao-van-mieu-2-.jpg
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Các nhà khoa bảng Sơn Tây và Văn miếu Sơn Tây”.

Hội thảo kể trên có sự tham dự của TS. Đoàn Kim Đồng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Đổi mới sáng tạo; GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán; Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, sử học và các cán bộ, thầy, cô giáo và học sinh trên địa bàn thị xã. Trước khi diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 – 2024).

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nguyễn Quang Hán, cho biết, cùng với một số Văn Miếu hàng tỉnh tiêu biểu như: Văn Miếu Xích Đằng ở tỉnh Hưng Yên, Văn Miếu Mao Điền ở Hải Dương hay Văn Miếu Bắc Ninh ở tỉnh Bắc Ninh, Văn miếu Sơn Tây là nơi tôn thờ, tri ân công đức to lớn của Đức Thánh Khổng Tử và các vị hiền triết, cùng hàng trăm danh nhân khoa bảng của vùng xứ Đoài xưa.

hoi-thao-van-mieu-1-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nguyễn Quang Hán phát biểu tại Hội thảo.

“Văn Miếu Sơn Tây hiện hữu nhiều công trình tín ngưỡng tôn nghiêm, bề thế, luôn được chính quyền phong kiến và nhân dân sở tại trân trọng, gìn giữ, quản lý. Ngoài việc khẳng định là nơi tôn thờ các bậc thánh hiền, khoa bảng, tôn vinh truyền thống hiếu học của vùng, Văn Miếu Sơn Tây còn thể hiện sự lao động, sáng tạo, ý thức giữ gìn của các nghệ nhân và nhân dân đương thời” – đồng chí Nguyễn Quang Hán, cho biết.

Thời gian qua, di tích Văn Miếu Sơn Tây đang là điểm đến tham quan tìm hiểu của nhiều du khách, các em học sinh các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác. Văn Miếu cũng được thành phố, thị xã chọn là địa điểm để tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng như: Lễ Dâng hương, phát động Tết trồng cây, Khai bút đầu xuân, các hoạt động khuyến học, khuyến tài…

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ một số vấn đề: xác định rõ sự thay đổi địa giới và tổ chức chức hành chính của tỉnh Sơn Tây qua các thời kỳ lịch sử; các nhà khoa bảng Sơn Tây qua các giai đoạn; thời điểm khởi công xây dựng Văn miếu Sơn Tây; nhận xét, đánh giá, ghi nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của các nhà khoa bảng Sơn Tây đối với lịch sử dân tộc và khẳng định vị trí, vai trò, giá trị lịch sử văn hóa của Di tích Văn miếu Sơn Tây.

anh-thang-3.jpg
Đồng chí Lê Đại Thăng tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Đại Thăng, cho biết, Văn miếu Sơn Tây được khởi công vào năm Tân Mão 1891, đời Vua Thành Thái và đến tháng 3 năm Nhâm Thìn 1892 thì hoàn thành. Cũng như các Văn miếu đã tồn tại ở các tỉnh thành khác, Văn miếu Sơn Tây được Triều đình cho xây dựng để thờ Đức thánh Khổng Tử và các vị tứ phối gồm Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử và Tử Tư cùng 72 vị hiền triết và 288 vị khoa bảng danh nhân xứ Đoài. Ngoài ra còn có đền Khải Thành - nơi thờ cha mẹ Đức Thánh.

Trong khi đó, GS.TS. Đinh Khắc Thuận (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, Văn miếu Sơn Tây ban đầu được dựng ở làng Cam Giá, huyện Phúc Thọ. Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1846) thì được quan Thự Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) Nguyễn Đăng Giai chuyển về làng Mông Phụ. Đến năm Thành Thái thứ 3 (1891) quan Tổng đốc Sơn Tây là Long Cương Cao Xuân Dục cho sửa sang trùng tu lại và cho soạn họ tên các vị khoa bảng khắc lên bia đá. Đến năm 1947 tiêu thổ kháng chiến, Văn miếu Sơn Tây bị dỡ bỏ, chỉ còn chiếc khánh đá để ở đình Mông Phụ. Năm 2012 Văn miếu Sơn Tây được xây dựng lại trên cơ sở quy mô được xây dựng từ Thành Thái thứ 3 (1891).

bac-dinh.jpg
PGS.TS Bùi Xuân Đính phát biểu tại Hội thảo.

Về nội dung các nhà khoa bảng của Thị xã Sơn Tây, PGS. TS Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) cho biết, thị xã Sơn Tây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và hiếu học. Trong 68 vị đại khoa, chỉ có 1 người thuộc hàng “Tam khôi” là Thám hoa Giang Văn Minh (xã Đường Lâm), số còn lại chủ yếu là các đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và hoàng giáp. Các tiến sĩ người Sơn Tây đã đảm nhận các chức vị khác nhau trong bộ máy hành chính các cấp, trong đó có 4 người làm tể tướng và phó tể tướng, 12 người làm thượng thư. Một số người nổi tiếng trên diện trường chính trị, như Trần Văn Huy, Trần Cận, Phùng Khắc Khoan, Lê Anh Tuấn, Phan Huy Ích…

TS. Phan Đăng Thuận (Viện Sử học) trao đổi về các nhà khoa bảng Sơn Tây nhưng đi sâu vào thời nhà Mạc. Cụ thể, trong suốt 65 năm (từ 1527 đến năm 1592), Sơn Tây có 43 vị đỗ đại khoa. “Các vị đại khoa này, nhanh chóng được bổ dụng vào bộ máy chính quyền và có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc cũng như làm rạng danh cho truyền thống hiếu học của Sơn Tây”, TS. Phan Đăng Thuận, cho biết.

Với 32 đại khoa được khắc tên họ trên bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sơn Tây là vùng địa linh nhân kiệt, góp phần làm giàu truyền thống giáo dục, khoa bảng Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám,

van-mieu-sontay.jpg
Văn miếu Sơn Tây.

TS. Đinh Công Vỹ - nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đánh giá, Văn miếu Sơn Tây có đầy chất văn, chất khoa bảng. TS. Đinh Công Vỹ nêu ý kiến, nên chăng chúng ta cần đưa thêm các nhà văn hóa, giáo dục xứ Đoài thuộc hàng khoa bảng vào phối thờ ở Văn miếu, như Giang Văn Minh, Kiều Phúc, Hoàng Bồi, Kiều Oánh Mậu, Phan Phu Tiên, Phùng Khắc Khoan, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Bá Lân... Kèm theo đó là các tấm văn bia giới thiệu tiểu sử, công đức của từng vị bằng cổ văn tiếng Hán hay tiếng Việt (như văn biền ngẫu, thơ luật Đường) để tạo không khí cổ kính trang trọng. Việc này phải kén người khảo cứu, sáng tác.

“Các cháu học sinh phổ thông cấp III, sinh viên đại học ở thị xã Sơn Tây và các vùng miền khác có thể đến đây học tập nghiên cứu các nhà khoa bảng, báo công với các Ngài. Các trường lớp ở quanh thị xã có thể tiến hành các lễ dâng hương cấp bằng tốt nghiệp ở đây. Đây cũng là nơi trao đổi, học thuật giữa các nhà tri thức Sơn Tây với trí thức các nước “thư đồng văn, xã đồng quỹ” đều có Văn miếu như: Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản” – TS. Đinh Công Vỹ, chia sẻ.

TS. Đinh Công Vỹ nhấn mạnh: “Văn miếu Sơn Tây phải là điểm sáng của văn hóa giáo dục xứ Đoài, nói như bác học Quốc Tử Giám Phan Phu Tiên trong bài thơ “Vịnh Văn miếu” với các câu: Giáo là đàn hạnh còn vang tạc, Phép để kinh luân hãy sáng gương”./.

Hội thảo khoa học “Các nhà khoa bảng Sơn Tây và Văn miếu Sơn Tây” là một trong những hoạt động chào mừng Kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây, 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây (3/8/1954 - 3/8/2024), 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469-2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Văn miếu Sơn Tây phải là điểm sáng của văn hóa giáo dục xứ Đoài”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO