Văn học Việt cần nhiều người trẻ dấn thân

HNM| 24/01/2022 08:31

Tìm kiếm và nâng đỡ các tác giả trẻ luôn là mục tiêu mà nhiều sân chơi văn học cùng hướng đến. Đã từng có những giải thưởng dành cho các cây bút trẻ như Văn học Tuổi 20, Tác phẩm Tuổi xanh, nhưng giải thưởng Tác giả trẻ mới đây của Hội Nhà văn Việt Nam đã đem lại sự khác biệt.

Giải thưởng như đánh dấu một bước chuyển trong việc đặt văn học trẻ trở thành một trong những mối quan tâm quan trọng hàng đầu trong hoạt động của Hội.
Văn học Việt cần nhiều người trẻ dấn thân
Một số tác phẩm được vinh danh ở Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ 1.

Lẽ ra, trước khi giải thưởng Tác giả trẻ được trao thì Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 đã phải được tổ chức vào tháng 12-2021. Nhưng do tình hình dịch diễn biến phức tạp, Hội nghị đã tạm dừng mà không tổ chức trực tuyến như những sự kiện khác. Tạm dừng, bởi theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đó không đơn thuần là hội nghị mà “là một ngày hội để những người trẻ được giao lưu, chia sẻ, cất tiếng, bày tỏ”. Những tác giả trẻ của ngày hôm nay, chỉ một thời gian không xa nữa sẽ là chủ nhân của nền văn học tương lai. Lắng nghe người trẻ cất tiếng là điều cần thiết để biết họ cần gì, mong muốn gì, qua đó định hướng và bổ khuyết để các tác giả trẻ vững tin trên con đường viết và dần định hình phong cách của mình, tiến xa hơn trên con đường hội nhập vào nền văn học chung của thế giới.

“Vì sao chúng ta viết?” - khẩu hiệu Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc buộc các nhà văn trẻ phải đặt ra câu hỏi trước khi cầm bút: "Viết cho ai, viết về cái gì, và sau đó mới viết như thế nào?". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, các tác giả trẻ cần phải xác lập được con đường của văn chương: “Có người nói văn chương là trò chơi vô tăm tích, tôi không nghĩ vậy, đó là thái độ sống của một người cầm bút. Tôi không khuyên, không đợi chờ, không kỳ vọng các bạn trở thành nhà văn của triệu bạn đọc, nhưng các bạn phải trở thành nhà văn của một bạn đọc, đó chính là các bạn. Khi các bạn ngồi xuống, cầm bút, viết một điều gì, đó là lúc các bạn đã tự vấn mình rằng hành động của ta, thái độ của ta, cách nhìn của ta, sự chia sẻ của ta đang ở đâu, đang như thế nào?”.

Văn chương là câu chuyện của tài năng, nhưng sự đầu tư nghiêm túc và cẩn trọng trong đọc và viết còn thể hiện hành vi sống, thể hiện thái độ của người cầm bút đối với con người, với xã hội, với đất nước, và thế giới. Ở đó, trên mỗi trang viết cần sự tích cực, cần sự đẹp đẽ để truyền tình yêu thương, gieo lòng tin và từ đó xây dựng một xã hội, một thế giới tốt đẹp hơn. Nếu không trả lời được câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”, nhà văn trẻ sẽ không để lại điều gì cho bạn đọc.

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” là một quá trình học hỏi và dấn thân. Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đã gọi tên những tác giả đã dám đi con đường riêng mà ít người dám đi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Tôi đã đọc hết tất cả các cuốn sách giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, và tôi đã hạnh phúc. Ở đó, các tác giả mang đến cho tôi cái nhìn mới mẻ về đời sống này, mang đến một phong cách, một thi pháp rất hiện đại. Nhưng điều quan trọng là sự hiện đại ấy, mới mẻ ấy chứa đựng một vẻ đẹp nhân tính bên trong”.

Đặc biệt nhất phải kể đến Nguyễn Bình, một tác giả mới 20 tuổi đã “cả gan” đi con đường dịch "Truyện Kiều" ra tiếng Anh. Với Hội đồng giải thưởng, đây là hành động vượt qua cả tâm huyết, đam mê để trở thành một sự dấn thân. Và văn học Việt Nam cần có nhiều tác giả dám dấn thân như thế. Trao giải cho bản dịch "Truyện Kiều" của Nguyễn Bình có lẽ còn là trao giải cho một thái độ trân trọng đặc biệt của một người ở thế hệ trẻ đối với di sản văn học mà ông cha để lại, để các tác phẩm ấy sống với hiện đại, mang vẻ đẹp của hiện đại.

Trong thế giới phẳng mà sự tiếp nhận văn hóa từ nước ngoài ngày càng nhiều, lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến các tác phẩm văn học xưa, thì việc say mê với kiệt tác văn học của dân tộc đã là đáng quý, càng tuyệt vời hơn khi dám thử sức chuyển ngữ kiệt tác ấy. Dịch những tác phẩm lớn, những tác phẩm hay, những tác phẩm quan trọng của Việt Nam ra tiếng nước ngoài để giới thiệu với bạn đọc thế giới cũng là cách giới trẻ chứng minh sự hội nhập của mình.

Đây là năm đầu tiên Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức nhằm tạo thêm sân chơi độc lập và uy tín cho đội ngũ sáng tác trẻ. Tin rằng, với giải thưởng này và với mục tiêu kiến thiết một nền văn học hiện đại, cởi mở, dân chủ hơn, câu chuyện của người viết trẻ sẽ mang lại một không khí mới tác động đến nền văn chương Việt Nam trong những năm tới đây.

(0) Bình luận
  • "Người Hà Nội" đã và đang làm tốt sứ mệnh lan tỏa văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến
    "Người Hà Nội" sẽ mừng "sinh nhật" tuổi 40 vào ngày 8/5/2025. Chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Người Hà Nội đã có được một “hệ thống” cộng tác viên là văn nghệ sỹ ở nhiều lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, lý luận phê bình;… các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Thủ đô và cả nước.
  • PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: “Người Hà Nội ” luôn giữ được “chất” Hà Nội
    PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn là một cộng tác viên có nhiều bài viết chất lượng đăng trên Người Hà Nội, từ những ngày đầu nhà văn Tô Hoài làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. “Đọc Người Hà Nội, người ta thấy được cái "chất" Hà Nội, thấy được những tâm tư, tình cảm của nhiều cây bút là văn nghệ sỹ tài năng và những câu chuyện, vấn đề của Hà Nội” - PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, chia sẻ.
  • Nhà văn Lê Phương Liên: "Còn có thể gõ bàn phím thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội"
    Nhà văn Lê Phương Liên nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc. Ít ai biết, tác giả truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” là cộng tác viên gắn bó với Tạp chí Người Hà Nội suốt 40 năm nay. Nhà văn Lê Phương Liên, chia sẻ: “Tên gọi Người Hà Nội luôn nhắc nhở tôi “dù có đi bốn phương trời” thì cũng luôn nhớ về Người Hà Nội để gửi, viết bài”, và viết bài cho “Người Hà Nội” chính là viết cho quê hương mình.
  • Văn học trong thời đại số - Những cơ hội và thách thức
    Vai trò không thể thay thế của văn học trong việc phản ánh đời sống và truyền tải giá trị nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh thời đại số.
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn học Việt cần nhiều người trẻ dấn thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO