Gần tròn một năm không gian đi bộ quận Tây Hồ - tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn đi vào hoạt động (11/5/2018 - 11/5/2019).
Khác xa với những gì dự án đặt ra ban đầu, nhiều du khách đã rời bỏ không gian này để về tụ hội ở không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, khiến vùng trung tâm trở nên quá tải.
Thấp thỏm lo đụng xe
Từ 17 giờ thứ Sáu đến 23 giờ Chủ nhật hàng tuần, các con đường Rặng nhãn, đường Trịnh Công Sơn ở quận Tây Hồ vẫn được dựng rào chắn, ngăn xe cơ giới để mở không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Nhưng thay vì được nghe nhạc Trịnh, ngắm không gian thơ mộng với đầy đủ các loại hình nghệ thuật sắp đặt về người nhạc sĩ tài ba, thưởng thức các món ăn ẩm thực nổi tiếng của quận Tây Hồ thì người đi bộ lại canh cánh nỗi lo đụng xe cơ giới.
Cứ 5 - 10 phút, xe máy nối đuôi nhau chạy vèo vèo vào khu vực đi bộ. Thậm chí, vào ngày tối 20/4, chiếc ô tô cũ kỹ mang biển kiểm soát 29D - 505.04 ngang nhiên di chuyển trong không gian đi bộ, mặc cho lực lượng bảo vệ chốt chặn ở các đầu. Không gian ẩm thực - điểm nhấn quan trọng của không đi bộ quận Tây Hồ với các món ăn được coi là đặc sản như xôi Phú Thượng, chè sen… đã không còn tồn tại. Nếu như dịp khai trương nơi đây có hơn 30 quầy hàng ẩm thực lưu động thì đến nay chè sen, xôi Phú Thượng được thay bằng 2 - 3 quầy ốc luộc.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Lê Phú |
|
Chị Thanh Hà (xã Phú Thượng), người từng cùng các thành viên tham gia giới thiệu món ăn làng nghề tại phố Trịnh Công Sơn cho biết: “Sau khai trương 2 - 3 tháng, quầy xôi, chè bán tấp nập, nhưng dần dần chỉ bán được vào buổi tối vì ban ngày nơi đây rất nóng, vắng khách. Đến nay mọi người đã bỏ quầy để mưu sinh bán xôi ở các tuyến phố khác của Thủ đô”.
Theo kế hoạch, không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn sẽ có một sân khấu chính để trình diễn các chương trình nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca… của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước. Ngoài ra, tại sân khấu nhỏ ở đầu phố Trịnh Công Sơn sẽ là điểm biểu diễn nhạc Trịnh và các loại hình nhạc mộc.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên dịp cuối tuần những ngày cuối tháng 4/2019, âm nhạc chỉ còn vang lên ở sân khấu chính. Các sân khấu nhỏ tối đèn. Không gian thơ mộng chỉ còn trong dự án thay vào đó là không gian của xe cộ, của các trò phi tiêu ăn tiền, của các món ăn tạp nham và các món hàng đồ chơi Trung Quốc, cùng sự bụi bặm của công trường thi công ở trước cửa Công viên nước Hồ Tây, ngay đầu không gian đi bộ.
Triển khai không đến nơi đến chốn
Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh, một trong những nguyên nhân khiến không gian đi bộ Trịnh Công Sơn không thu hút được du khách là người dân sống xung quanh đứng ngoài dự án. Vào giờ mở phố đi bộ các ngôi nhà mặt đường phố Trịnh Công Sơn vẫn đóng cửa im ỉm.
“Chính quyền không kích thích được người dân kinh doanh dịch vụ. Có thời gian, người ta định làm các quầy ki ốt cố định, đối mặt với nhà dân phố Trịnh Công Sơn, tạo ra những cạnh tranh gây phản ứng” - KTS Đoàn Kỳ Thanh nhắc lại. Ngoài ra, với kinh nghiệm nghiên cứu dự án này từ thời kỳ manh nha, KTS Đoàn Kỳ Thanh từng đề xuất phải mở rộng quảng trường để tạo không gian giao tiếp cho người đi bộ, nhưng đề xuất này chưa được thực hiện.
Sau một năm triển tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Phó Chủ tịch quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thừa nhận, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động. “Chúng tôi muốn cải tạo hồ sen để tạo cảnh quan đẹp ở đường Rặng nhãn nhưng sở hữu đất đã thuộc về DN. Nhiều chương trình muốn tổ chức nhưng không thể thực hiện. Ví như ngày 19/5 đã có đơn vị xin cấp phép tổ chức lễ hội hoa, UBND TP đã đồng ý, nhưng đến phút chót DN lại thông báo dừng vì không có kinh phí”.
Được biết, hiện nay mỗi tháng quận Tây Hồ đầu tư 60 - 70 triệu cho không gian này nhưng cũng chỉ để đủ trả kinh phí cho chương trình nghệ thuật ở sân khấu chính vào tối thứ Bảy và tối Chủ nhật, nhân công bảo vệ, quét dọn… Hiện nay, quận Tây Hồ đang báo cáo đánh giá kết quả thực hiện không gian đi bộ quận Tây Hồ lên UBND TP, trong đó mong muốn đề xuất được giao đất ở các không gian xung quanh hoặc để DN có năng lực cùng tham gia đầu tư và khai thác.
Bài học của việc ngăn đường, cấm xe không thể trở thành phố đi bộ đã từng diễn ra ở chợ đêm Hàng Ngang, Hàng Đào… Và không gian đi bộ Trịnh Công Sơn cũng đang rơi vào những khó khăn tương tự. Muốn nơi đây trở thành không gian văn hóa thật sự cho người dân và du khách, rất cần những quyết sách và đầu tư bài bản, chứ không thể vui ngày đầu, hẩm hiu về sau.