Những ngày qua, dư luận bàng hoàng về vụ án xảy ra tại quận Cầu Giấy - là cái chết của nhân viên môi trường đô thị khi bị một thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Qua điều tra ban đầu, công an xác định hung thủ có tiền sử bệnh tâm thần.
Hung thủ sát hại nữ lao công khi đang làm việc tại quận Cầu Giấy |
|
Tại An Giang mới đây cũng xảy ra vụ án mạng đau lòng, một thanh niên đang chạy xe máy trên đường, thấy xe khách đi qua, vô cớ cầm gạch ném vào cửa xe rồi chạy vào nhà người dân gần đó chém chết người. Theo công an tỉnh An Giang, đối tượng có biểu hiện của người bị tâm thần.
Không chỉ 2 vụ việc trên, thời gian qua, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra như người dân vô cớ đốt nhà, người mẹ trẻ siết cổ con đến chết, cháu cầm gậy đánh vào gáy ông khiến nạn nhân tử vong, con giết bố, giết hàng xóm… Những đối tượng trên đa phần không phải chịu trách nhiệm hình sự vì bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Điều này đã dấy lên tâm lý hoang mang, lo lắng, bức xúc trong dư luận. Đây cũng là hậu quả đau xót khi người tâm thần sống trong cộng đồng không được quản lý và điều trị đúng cách.Pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hiện nay, phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng.Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 13,5 triệu người đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng. Để ngăn ngừa nguy cơ người tâm thần gây án, quan trọng nhất phải phát hiện sớm. Vì vậy, vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và đưa người bệnh đến chuyên gia tâm lý tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp.Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với những trường hợp tâm thần. Đặc biệt, đối với người bị tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật phải quản lý chặt chẽ, tránh để xảy ra các vụ việc liên quan an ninh trật tự, án mạng đau lòng. Đối với những trường hợp điều trị ngoại trú, gia đình phải hết sức sát sao, có sự giám sát chặt của chính quyền địa phương.Để góp phần ngăn chặn thảm án do người tâm thần gây ra, trách nhiệm đến từ nhiều phía, gia đình, lực lượng y tế cơ sở và chính quyền địa phương. Chỉ khi người tâm thần được quản lý chặt chẽ, xã hội mới vơi bớt những câu chuyện đau lòng kể trên.