“Tự truyện của một Geisha”: Câu chuyện xúc động về tình yêu và lòng nhân ái
Thế hệ độc giả 6x, 7x hẳn vẫn còn nhớ rõ cuốn tiểu thuyết “Hồi ức của một Geisha” – một tác phẩm đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ và được in ấn, phát hành bởi Nhà xuất bản Phụ nữ. Đến năm 2024, cuốn tiểu thuyết này một lần nữa tái xuất hiện tại Việt Nam với tên gọi mới: “Tự truyện của một Geisha” qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Bích Lan.
“Tự truyện của một Geisha” của Arthur Golden xuất bản lần đầu năm 1997, nhanh chóng trở thành một kiệt tác văn học, làm say đắm hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Người đọc ngay lập tức bị cuốn hút vào từng trang sách mô tả chi tiết về một thế giới từ lâu bị che giấu hoặc cố tình quên lãng - thế giới của các geisha.
Cuốn sách mở ra một thế giới bí ẩn, đầy cảm xúc về những người phụ nữ geisha trong xã hội Nhật Bản trước Thế chiến thứ hai. Thời điểm ấy, những người phụ nữ mang chức phận geisha được coi là biểu trưng của tài hoa, mực thước, mang lại niềm vui cho những quý ông bằng tiếng đàn, điệu múa, lối ăn nói hoạt bát, duyên dáng,... Được yêu quý, trọng vọng, nhưng theo quy luật của nghề nghiệp, họ phải chôn chặt những khát khao thầm kín, ngay cả tình yêu trong thế giới đầy “chuẩn mực”, “bán nghệ chứ không bán thân”.
Với lối viết tinh tế và sắc sảo, Golden đã khắc họa một câu chuyện sống động về những khát khao, hy sinh và lòng kiên định của những người phụ nữ trong nghề geisha.
Tác phẩm kể lại hành trình đầy gian truân của cô bé Chiyo nghèo khó sống trong làng chài Yoroido, kể từ khi bị lừa bán vào một nhà geisha ở Tokyo cho đến khi trở thành một geisha xuất sắc. Trong suốt quá trình ấy, Chiyo phải đối mặt với vô vàn thử thách, mất mát và những đau đớn tận cùng, nhưng cuối cùng, cô không chỉ vượt qua được mà còn trở thành một ngôi sao trong giới geisha. Cuộc sống khắc nghiệt ấy dạy Chiyo biết chôn giấu những cảm xúc cá nhân, dù có yêu, cũng không thể yêu trọn vẹn.
Tự truyện của một geisha không chỉ là câu chuyện về nghề geisha mà còn là hành trình tìm kiếm tình yêu và sự nhân ái trong một thế giới đầy những chuẩn mực khắc nghiệt. Những khoảnh khắc mong manh của tình yêu đầu đời, những khát vọng nghệ thuật cao quý và những dằn vặt chọn lựa giữa sự nghiệp và tình cảm… tất cả đều được Arthur Golden khắc họa đầy cảm xúc và tinh tế. Cuốn sách không chỉ là bức tranh văn hóa, xã hội Nhật Bản trước chiến tranh mà còn là tiếng nói trân trọng, cảm thông với những người phụ nữ trong xã hội ấy./.
Arthur Golden (sinh năm 1956, Tennessee, Hoa Kỳ) tốt nghiệp Đại học Harvard ngành lịch sử nghệ thuật và Đại học Columbia với bằng cử nhân ngành lịch sử Nhật Bản. Ông từng làm việc tại Trung Quốc và Nhật Bản. Tại Nhật Bản, ông đã phỏng vấn nhiều geisha, trong đó có Mineko Iwasaki - người đã gợi cảm hứng chính cho cuốn Tự tuyện của một Geisha. Cuốn sách đã trở thành hiện tượng toàn cầu, bán hơn 4 triệu bản tại Mỹ và được dịch sang 32 ngôn ngữ.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan là tấm gương tự học và vượt qua nghịch cảnh. Mắc bệnh loạn dưỡng cơ, không thể đến trường, chị tự học tiếng Anh, đọc sách, dạy học, viết truyện, làm thơ và dịch sách. Trước Tự truyện của một geisha, chị đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng và được yêu thích. Năm 2010, chị nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2020, cuốn Được học do chị chuyển ngữ giành giải C Giải thưởng Sách quốc gia.