Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức được khai hội bằng vở kịch “Antigone” với sự trình diễn khá ấn tượng của sân khấu LUCTEAM. Đây là vở diễn nằm trong “Dự án sân khấu Antigone” do Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức, đã được ra mắt từ cuối năm 2021 cũng như có một số buổi công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam (11 Ngô Thì Nhậm). “Antigone” tiếp tục được đạo diễn, NSƯT Trần Lực dàn dựng theo phương pháp ước lệ biểu hiện (với vũ đạo, không gian biểu diễn, đạo cụ, âm nhạc… gần với sân khấu chèo, tuồng truyền thống) mà trước đó anh đã từng thành công trong một số tác phẩm do LUCTEAM thực hiện như “Quẫn”, “Bạch đàn liễu”… Cùng với đó, kịch bản gốc của “Antigone” - vở kịch kinh điển được tác gia Hy Lạp Sophocles viết từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên khá phức tạp và có thời lượng dài mấy tiếng đồng hồ. Song, đến bản dựng của LUCTEAM, kịch bản đã được tối giản trong 65 phút, tập trung vào câu chuyện nàng Antigone dám chống lệnh vua và tìm cách mai táng cho anh trai, dù biết rằng sẽ bị chết.
Nối tiếp đó là những vở diễn của các đơn vị nghệ thuật Việt Nam cũng có thời lượng biểu diễn gọn ghẽ, chỉ khoảng một tiếng đồng hồ như: “Giác” (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội), “Ê-Đíp làm vua” (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), “Bản tình cả trên núi” (Nhà hát Múa rối Việt Nam), “Đến bờ bên kia” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng)… Trong đó, đáng chú ý là vở kịch “Giác” kể về những “rác đời” làm con người đau khổ và chỉ có thể giải quyết bằng Giác của nhà Phật. Vở diễn có sự tái xuất của nghệ sĩ Thanh Tú đã đem đến cho bạn nghề và khán giả sự nể phục, ngưỡng mộ. Dù năm nay đã ở tuổi 78 nhưng nghệ sĩ tài danh năm xưa này vẫn có thể cùng lúc hóa thân vào 4 nhân vật có số phận, tính cách khác nhau, từ người mẹ đến con gái và cả con trai, người chồng.
Cùng với đó, một số vở diễn như “Người trong cõi nhớ” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Lá đơn thứ 72” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Hoa khôi dạy chồng” (Nhà hát Kịch nói quân đội), “Độc thoại đêm” (Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh), “Lời thề” (Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng) cũng được rút ngắn về thời lượng biểu diễn xuống còn khoảng 100 phút. Tất nhiên, tham gia liên hoan vẫn còn những vở diễn dài 120 phút như “Hedda Gabler” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Truyền tích nàng Thơm” (Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An), “Thượng thiên Thánh mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam - Liên đoàn Xiếc Việt Nam); thậm chí có những vở dài đến hơn 130 phút như “Trái tim người Hà Nội” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Đối thoại âm dương” (Câu lạc bộ Sân khấu điểm hẹn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng).
Việc các vở diễn được rút ngắn thời lượng biểu diễn, từ lệ thường tối đa 120 phút xuống 100 phút thậm chí có nhiều vở chỉ còn khoảng 60 phút là một thử nghiệm khá mạnh dạn của các đơn vị nghệ thuật trong nước. Sự thử nghiệm này là một cách bắt nhịp và hòa vào dòng chảy chung của xu hướng sân khấu thế giới. Thực tế này có thể thấy rõ khi 5 vở diễn của các nước Italia, Singapore, Ba Lan, Hàn Quốc, Pakistan tham dự liên hoan đều có thời lượng biểu diễn tối đa 60 phút, thậm chí có một số vở chỉ hơn 40 phút như “Then there were none” của đoàn Yvua - Hàn Quốc, “Sea stories” của đoàn Patch Theater - Ba Lan, “The painted skin” của đoàn Singapore Raffles Music. Tất nhiên, sự thử nghiệm này có thể khiến thế hệ khán giả vốn quen xem kịch dài 2 tiếng đồng hồ cảm thấy hụt hẫng nhưng lại đem đến sự hài lòng cho khán giả trẻ - thế hệ ưa chuộng sự nhanh gọn, hiện đại. Bởi vậy, đây là một sự thử nghiệm đáng khích lệ khi lâu nay sân khấu nước nhà vẫn bị cho là chưa tích cực đổi mới để đáp ứng nhu cầu khán giả hôm nay.
Một điểm cộng nữa của liên hoan cũng cần nhắc đến là thu hút được sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, trong đó có đến 4 đơn vị phía Bắc như Sân khấu Lệ Ngọc, LUCTEAM, Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hà Nội) và Câu lạc bộ Sân khấu Biển hẹn (Hải Phòng). Sự mới mẻ này đem đến không ít ngạc nhiên vì lâu nay nói đến đơn vị nghệ thuật xã hội hóa là gần như được mặc định cho sân khấu phía Nam còn sân khấu phía Bắc thường được nhắc đến các nhà hát công lập.
Cùng với đó, nếu như ở những kỳ liên hoan trước các vở diễn thường quen thuộc với khán giả vì được dàn dựng và đã công diễn trong nhiều năm thì ở liên hoan này có nhiều vở diễn mới được dàn dựng trong khoảng một năm trở lại đây như: “Thượng thiên Thánh mẫu”, “Ê-Đíp làm vua”, “Antigone”, “Lá đơn thứ 72”, “Người trong cõi nhớ”, “Trái tim người Hà Nội”… Thậm chí nhiều vở còn vừa mới ra mắt công chúng như: “Giác”, “Truyền tích nàng Thơm”, “Bản tình ca trên núi”, “Hedda Gabler”… Dù rằng về kịch bản vẫn có nhiều vở được dàn dựng lại từ kịch kinh điển thế giới như “Antigone”, “Hedda Gabler”, “Ê-Đíp làm vua” hay kịch bản được viết cách đây mấy chục năm của tác giả Lưu Quang Vũ như vở “Người trong cõi nhớ” nhưng các vở diễn tham gia liên hoan được đánh giá là những tác phẩm được đầu tư lớn về chuyên môn. Đây cũng là những vở diễn có yếu tố, cách làm làm mới mẻ từ dàn dựng đến thiết kế sân khấu, trang phục, tạo hình nhân vật, diễn xuất… tạo nên sự hấp dẫn cũng như mang lại không ít ngạc nhiên cho bạn nghề và khán giả.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, không chỉ mang tính chất giao lưu học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với những tinh túy nghệ thuật trên thế giới mà còn cho thấy sức mạnh của nền nghệ thuật trên thế giới khi vừa vượt qua đại dịch Covid-19. “Liên hoan lần này đối với các đơn vị nghệ thuật trong nước đã có những sự thử nghiệm đáng kể trong các lĩnh vực múa rối, kịch nói, sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc. Trong đó, sự thử nghiệm càng độc đáo mang lại sự ngạc nhiên và cảm xúc mãnh liệt cho khán giả thì những vở diễn đó càng được đánh giá cao”, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.