PV: Là một người Dao và cũng là một nhà nghiên cứu từng có nhiều chục năm dày công gìn giữ bảo tồn văn hóa Dao, ông có thể điểm qua những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình?
TS Bàn Tuấn Năng: Văn hóa dân tộc Dao, cùng với lịch sử thiên di nhiều nghìn năm và tác động của việc thờ cúng trong Đạo giáo - tôn giáo chính của người Dao đã khiến tộc người bị chia nhỏ thành rất nhiều nhóm địa phương. Người Dao ở Việt Nam, nếu xét theo phương ngữ có 2 nhóm là Mùn và Miền, hai nhánh Dao này cơ bản không giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ giao tiếp thường nhật, tập tục, nghi lễ trong đời sống cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Trong từng phương ngữ lại có nhiều nhóm nhỏ như: ở phương ngữ Miền có các nhóm Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao Lô gang, Dao Lù đạng, Dao khâu, Dao sừng, Dao Tả pan…; ở phương ngữ Mùn có các nhóm: Dao Thanh y, Dao quần trắng, Dao họ, Dao tuyển, Dao áo dài, Dao đầu bằng… Thậm chí, ngay trong nhóm Dao tiền, nếu căn cứ vào trang phục lại có Dao tiền khăn trắng và Dao tiền khăn đen; trong nhóm Dao tiền khăn trắng còn chia nhỏ ra thành Dao tiền khăn trắng váy ngắn và Dao tiền khăn trắng váy dài. Mỗi nhóm Dao đều có các đặc trưng văn hóa riêng, hệ thống trang phục riêng. Chẳng hạn, nhóm Dao tiền khăn trắng váy dài có nghi lễ cấp sắc 12 đèn với sự tham gia của cả dòng họ, nhóm Dao tiền khăn trắng váy ngắn lại chỉ có lễ cấp sắc 3 đèn trong phạm vi gia đình.
Dao còn là tộc người nổi trội nhất về nghề thuốc và đa dạng nhất về trang phục truyền thống. Thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam hiện nay, người Dao có ít nhất 25 loại hình trang phục truyền thống. Một kỷ lục về trang phục tộc người, xứng đáng đưa vào kỷ lục guiness trong tương lai.
PV: Trong bối cảnh hội nhập và phát triển việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống là vô cùng quan trọng. Ông có thể chia sẻ những nỗ lực của nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bản địa?
TS Bàn Tuấn Năng: Ngay từ khi thành lập nhóm, chúng tôi đã đặt ra hai sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng của nhóm là: Bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế, coi văn hóa là tài sản để sinh lợi cho kinh tế. Văn hóa của người Dao với những nhánh Dao khác nhau có bề dày lịch sử phát triển tạo nên nét văn hóa đặc sắc từ ăn, ở, đến các nghi lễ vòng đời, nề nếp sinh hoạt. Trong sự phát triển của cơ chế thị trường và mạng internet, nếu không có phương pháp bảo tồn, gìn giữ rất có thể bị lai căng, mất bản sắc. Lớp trẻ người Dao rất có thể bị cuốn đi bởi sự hấp dẫn của đời sống tinh thần hiện đại và khi kinh tế không theo được, nảy sinh tâm lý chán nản, tự ty, tiêu cực… Vậy nên, không thể chịu nghèo đói bảo vệ di sản được mà phải từ di sản phát triển kinh tế, tạo dựng đời sống mới, no ấm.
Với công tác du lịch, homestay thu hút khách bởi cơ sở vật chất đạt chuẩn, đặc sản địa phương hấp dẫn, quà lưu niệm ý nghĩa cùng với tìm hiểu văn hóa bản địa từ thực tế và các nguồn tin cậy, có thể tham gia các lễ hội, nghi lễ tại địa phương… Khi đã tạo dựng được uy tín hẳn sẽ có thu nhập, bà con có ý thức chủ động gìn giữ và bảo tồn văn hóa bản địa của mình với trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc.
Đại diện nhóm có ban trung ương, ban tỉnh và có quy định hoạt động, tương trợ và tư vấn lẫn nhau. Điều này đúng như tên gọi của nhóm. Xin lấy ví dụ, trong Lễ hội Bàn Vương ở Ba Chẽ - Quảng Ninh, thành viên nhóm phối hợp nghiên cứu gia phả, sách cúng, tìm ra thời điểm nhóm Dao cập bến đến đất liền Việt Nam tại cửa sông Ba Chẽ, làm cơ sở lịch sử - khoa học đại chí rất quan trọng đối với người Dao Việt Nam.
Còn nữa, nhóm chúng tôi giới thiệu trên diện rộng, thuốc quý của người Dao và đặc sản vùng miền trên các kênh thông tin và mạng xã hội đạt hiệu quả từ uy tín, chất lượng nên đã tạo dựng được thị trường, sản phẩm nông, lâm nghiệp, thảo dược có đầu ra lớn khiến kinh tế gia đình của đồng bào Dao phát triển, con em được ăn học tốt và được về Thủ đô học đại học nhiều hơn.
Chúng tôi vẫn luôn luôn nhắc nhở nhau phải gắn kết, gìn giữ bản sắc và không bao giờ quên bài toán kinh tế gia đình, địa phương. Khi ấm bụng, yên lòng mọi việc sẽ hanh thông hơn.
PV: Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc đã trải qua 2 mùa hội. Đây có phải là một sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với cộng đồng người Dao không thưa ông?
TS Bàn Tuấn Năng: Trong những năm qua, công tác dân tộc đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư thông qua nhiều chương trình, nhiều hình thức. Ở lĩnh vực văn hóa, nhiều ngày hội văn hóa của các dân tộc đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng UBND các tỉnh tham gia tổ chức. Một số dân tộc, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đã được Bộ và UBND các tỉnh tổ chức ngày hội như: Dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Dao… Điều này đã làm khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa ông cha, giúp cộng đồng bảo lưu và trao truyền di sản ngày càng tích cực hơn, đáp ứng tốt hơn đối với quá trình coi di sản văn hóa tộc người như một nguồn lực quan trọng để thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững.
Cách đây 5 năm, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất đã được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Phó ban thường trực của Ban tổ chức ngày đó cũng là một chuyên gia nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nhân học về Lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ ở tỉnh Tuyên Quang, do đó, việc tổ chức ngày hội lần thứ nhất gặp rất nhiều thuận lợi. Chương trình khai mạc ngày hội văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất sử dụng toàn bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao (gần như không có trang phục cách tân). Bên cạnh đó, hội thảo khoa học tại ngày hội đã chỉ ra rất nhiều vấn đề chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, những vấn đề về văn hóa ứng dụng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Dao hiện tại và tương lai. Các hoạt động của ngày hội văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất, dù vẫn cơ bản được tổ chức theo khuôn mẫu chung, nhưng cũng đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho bà con đồng tộc.
Mới đây, (từ ngày 6 - 8/10/2022), Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2 cũng đã diễn ra tại tỉnh Thái Nguyên có thể thấy rõ sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khi phối hợp cùng UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi băn khoăn là tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc, nhưng cả Ban tổ chức và bộ phận thường trực đều không có chuyên gia người Dao nào tham dự. Điều này đã để lại những lỗ hổng rất lớn về mặt chuyên môn, khiến ngày hội văn hóa Dao nhưng lại thiếu sắc màu và hơi thở của dân tộc Dao.
Thêm nữa, cách thức tổ chức đã biến các đoàn nghệ nhân của dân tộc Dao thành khách thể, chỉ được trình diễn theo đơn đặt hàng của từng địa phương. Nghĩa là, cán bộ cơ sở thấy gì hay, lạ, hoặc tự tìm hiểu theo sự hiểu biết của mình rồi chọn lựa các trích đoạn di sản, sân khấu hóa nó rồi mang đi trình diễn. Cũng bởi thế đã giảm đi phần nào sức hấp dẫn của di sản trong lúc trình diễn…
PV: Từ những băn khoăn trăn trở này, ông mong đợi điều gì trong những ngày hội văn hóa dân tộc Dao tới đây hoặc những sự kiện tương tự nói chung?
TS Bàn Tuấn Năng: Bất cứ lĩnh vực văn hóa nào, ở đồng bằng hay miền núi, khi vai trò chủ thể văn hóa bị thay thế hay lấn át, các sáng tạo văn hóa sẽ bị hạn chế, thay vào đó là các bài bản, công thức có sẵn, dễ trở nên nhàm chán. Đa dạng văn hóa tộc người lâu nay được các nhà quản lý coi như một đòn bẩy quan trọng để phát triển du lịch và kinh tế đa ngành nghề ở miền núi. Tuy nhiên, khoảng cách giữa quản lý văn hóa ở tầm vĩ mô và thực hành cụ thể ở từng địa phương vẫn còn quá lớn. Muốn dung hòa vấn đề này, đội ngũ chuyên gia tộc người đóng một vai trò quan trọng, bởi đồng bào dân tộc thiểu số thường dễ bị thuyết phục bởi những người hiểu biết và có uy tín trong cộng đồng của họ.
Trong các ngày hội văn hóa các dân tộc nếu chủ thể văn hóa được tham gia vào quá trình tổ chức nhiều nhất có thể, thì niềm tự hào về di sản văn hóa cha ông sẽ được cộng đồng đánh thức từ tiềm thức, quá trình thực hành văn hóa sẽ tạo động lực thực sự cho một môi trường gắn kết và phát triển.
Ngoài ra, quá trình tổ chức cần chú ý đến hoạt động xã hội hóa. Ví như, trong ngày hội văn hóa dân tộc Dao, các tập đoàn y dược nên chú ý đến tri thức về nghề thuốc của người Dao, tham gia và trao thưởng cho những thầy thuốc người Dao còn lưu giữ được các bài thuốc bí truyền quý, cần thiết trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở thời điểm hiện tại….
Một đặc điểm nữa không thể không nói đến là không gian ẩm thực. Người Dao vốn nổi tiếng về nghề thuốc, vậy nên cũng rất cần không gian ẩm thực với các món ăn - bài thuốc cho thực khách cùng trải nghiệm. Thiếu phần tinh hoa này cũng thì ngày hội sẽ bớt đi những thành công với những di sản là thế mạnh vốn có của tộc người.
PV: Là người đau đáu với văn hóa dân tộc Dao, ông có nghĩ đến sự chuẩn bị cho một dự án bảo tồn hay kế hoạch quảng bá để bản sắc dân tộc mình được vinh danh?
TS Bàn Tuấn Năng: Tại hội thảo khoa học trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất, Ban tổ chức hội thảo đã kết luận và đề nghị đưa danh mục di sản lễ cấp sắc của người Dao vào thứ tự lập hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 2025. Và chúng tôi chờ đợi món quà quý báu cho cả dân tộc Dao này vào năm 2027, khi diễn ra Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 3.
Ở phương diện cá nhân và với tư cách là Trưởng ban Đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”, nơi hội tụ tinh hoa của người Dao Việt Nam, chúng tôi sẽ từng bước huy động kinh phí, lập hồ sơ để công nhận kỷ lục guiness Việt Nam về sự đa dạng trang phục truyền thống của người Dao ở Việt Nam. Các danh hiệu ấy sẽ hà hơi, tiếp sức mạnh mẽ cho quá trình lấy di sản văn hóa tộc người làm đòn bẩy để bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!