Trống đồng Kính Hoa - Ảnh: Trịnh SinhThêm một chiếc trống cổ thuộc văn hóa Đông Sơn Đã 40 năm trôi qua, khảo cổ học Việt Nam chưa phát hiện thêm chiếc trống Đông Sơn nào trong nhóm A1 đẹp nhất. Chiếc trống thuộc nhóm này được phát hiện lần cuối là trống đồng Cổ Loa tìm thấy trong lòng đất khu Mả Tre, cạnh lớp thành Trung của thành Cổ Loa, năm 1982. Nay thì trống này được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Thế là di sản trống đồng Đông Sơn được các nhà khảo cổ học bổ sung trống Cổ Loa vào nhóm trống hàng đầu thành 4 chiếc: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa.
Trống đồng Ngọc Lũ thì đã quá nổi tiếng, đào được trong lòng đất tỉnh Hà Nam vào khoảng năm 1893, được thờ trong đình làng Ngọc Lũ cho đến khi Viện Viễn Đông Bác cổ mang về Hà Nội, nay được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trống đồng Hoàng Hạ được nhân dân tìm được ở độ sâu 1,5m trong khi đào mương ở xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vào năm 1937 và hiện nay cũng đang trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trống đồng Sông Đà thì lưu lạc tận bên Cộng hòa Pháp từ năm 1889 khi được mang từ Việt Nam sang trưng bày tại cuộc đấu xảo quốc tế ở Paris. Sau đó trống ở hẳn bên Pháp và hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Guimet, trung tâm Paris hoa lệ.
Cả 4 chiếc trống vừa kể đều có hình dáng cân đối, kích thước lớn, đường kính mặt trống khoảng gần 80cm. Chỉ trừ 1 chiếc trống lưu lạc bên Pháp, còn 3 chiếc đã được Nhà nước xếp hạng là bảo vật quốc gia với những tiêu chí cơ bản là: trống còn nguyên vẹn, dáng đẹp, hoa văn trang trí hình người múa hóa trang, nhà sàn, chim bay, thuyền, các động vật, kỹ thuật đúc hoàn hảo…
Hoa văn trên thân trống Kính Hoa - Nguồn: Trịnh Sinh Gần bốn mươi năm qua, đất nước đổi mới, nhiều công trình xây dựng đã đào móng sâu xuống đất, xẻ mương thuỷ lợi, làm đường xây nhà khắp nơi nhưng chưa tìm ra thêm một chiếc trống nào đủ tiêu chí của nhóm 4 chiếc trống đầu bảng này. Đó là vì nhiều trống đẹp như vậy, kích thước lớn như vậy đã bị “hủy hoại” từ khi nhà Hán mới sang ta, với chính sách “tận thu trống đồng để đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện”. Số “lọt lưới” còn lại thì cũng đã được người Việt chôn giấu trong lòng đất suốt 2.000 năm, thất lạc, đời sau biết đâu mà tìm? Vì thế, việc tìm ra trống Đông Sơn đã khó, mà trống đẹp lại càng khó hơn. Chỉ có may mắn mới có thể gặp được thêm một chiếc trống quý để bổ sung thêm vào danh sách 4 chiếc trống hàng đầu nói trên. Trống Kính Hoa xuất hiện trong bối cảnh như vậy. Trống được các nhà khoa học xếp vào cùng nhóm với 4 chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất đã có. Và như vậy di sản trống đồng đẹp nhất nước ta có thêm một thành viên thứ 5 là trống Kính Hoa.
“Truân chuyên” buổi ban đầu
Trống được phát hiện ngay trong lòng đất ở một vùng quê ven sông Hồng. Ngay sau đó, các nhà sưu tập đã thính tai, biết được, lập tức tìm đến và “hạ tiền” mua ngay. Qua một thời gian lưu lạc trong giới sưu tập cổ vật và cuối cùng chiếc trống cổ này đã đến tay một doanh nhân yêu cổ vật ở Hà Nội - ông Nguyễn Văn Kính (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội). Trống được ông Kính bày trang trọng trong nhà và mời mọi người am hiểu trống đồng đến xem, có cả giới sưu tập đồ cổ đất Hà Thành, giới nghiên cứu trống đồng, giới đúc trống đồng ở các làng nghề Thanh Hóa. Tất cả (100%) số người xem trống đều khẳng định đây là trống giả bởi họ cho rằng làm sao có được chiếc trống đồng kích thước to và hoa văn người hóa trang như vậy lại còn có thể tồn tại cho đến ngày nay. Còn có lý do nữa là bây giờ trống đồng đúc giả trên thị trường rất nhiều, thật giả lẫn lộn. Mà chủ yếu là trống giả chứ mấy khi gặp trống thật? Trống giả cũng to như thế, hoa văn nhang nhác như thế…
Hoa văn trên mặt trống Kính Hoa - Nguồn: Trịnh Sinh Để xác định rõ thật giả, chủ nhân sở hữu trống đồng bèn cho người tìm khắp nơi xem có ai giám định trống đồng uy tín để hy vọng có được cái kết luận giám định chính xác là trống giả thì có cớ trả lại cho người ta. Thế rồi, mọi chuyện vòng vèo cũng đến Viện Khảo cổ học… Tôi may mắn được mời giám định. Lúc đầu khi chưa nhìn tận mắt, cũng nghĩ giờ làm gì có trống thật. Thôi thì người ta mời thì mình cũng đi xem để biết.
Thực mục sở thị, tôi mới sững người. Cảm giác ban đầu là trống khá hoàn hảo. Tôi đã dùng đến 10 phương pháp giám định, từ phân tích hoa văn, kỹ thuật đúc, dấu vết thời gian để lại trên trống, dùng khoan để lấy mẫu đồng phân tích thành phần hóa học, dùng hóa chất để thử… Tất cả các tiêu chí đều “lọt” qua. Với kinh nghiệm nghiên cứu trống đồng nửa thế kỷ, có “tu luyện” thêm ở bên Liên Xô trước đây (hoàn thành luận án Tiến sĩ về phân tích thành phần hóa học trong đồ đồng cổ), Hoa Kỳ, Nhật Bản… đã giúp cho việc khẳng định đây là chiếc trống đồng đích thực quý giá của tổ tiên người Việt.
Sau thủ tục làm biên bản ký xác nhận, có đóng dấu của Hội Di sản văn hóa Việt Nam thì số phận chiếc trống cổ đã được an bài. Không còn ai thắc mắc về chuyện trống giả hay thật nữa… Trống được đặt tên là Kính Hoa (theo tên chủ nhân của bảo vật, là một đại gia hoa lan người Tây Hồ, Hà Nội); được các Hội đồng khoa học từ Sở Văn hóa Hà Nội đến Cục Di sản Bộ Văn hóa, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, nâng lên đặt xuống và cuối cùng thống nhất xếp hạng là Bảo vật quốc gia, có giấy chứng nhận của Phó Thủ tướng ký.
Mọi chuyện từ bấy suôn sẻ, đã có 2 cuốn sách chuyên khảo về trống Kính Hoa do Nhà xuất bản Thế giới in, có nhiều bài báo lớn viết bài, có chương trình về trống chiếu trên VTV1, chương trình quay phim 3D, các chương trình nói chuyện như buổi nói chuyện ở Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội… Tuyệt nhiên, không có bất kỳ ý kiến phản hồi nào nghi ngờ về tính chân xác của chiếc trống cổ nữa.
Hoa văn kể chuyện cảnh quan và chủ nhân đúc trống
Trống Kính Hoa có dáng cân đối, mặt trống hình tròn, rìa mặt chưa chờm ra khỏi tang. Thân trống được chia thành 3 phần rõ rệt: phần trên là tang trống, có độ nở đều, phần giữa là lưng trống có hình gần nón cụt, phần dưới là chân trống hơi loe. Giữa tang và lưng của trống có 4 cặp quai trống, nằm đối xứng qua trục tâm trống. Đường kính trung bình mặt trống: 89cm. Đường kính chân trống: 98,5cm. Chiều cao thân trống: 59,5cm. Chiều cao của quai trống: 9,6 cm. Cân nặng của trống: 110 kg.
Trống được trang trí hoa văn đẹp: Giữa mặt trống có hoa văn ngôi sao đúc nổi có 10 cánh nhọn. Giữa mỗi cánh sao được trang trí hình 1 cặp “Giao Long”, tổng số có 10 cặp như vậy. Xung quanh hình ngôi sao giữa mặt trống có 13 vành hoa văn với độ rộng không đều nhau, miêu tả các mô típ hình động vật và các hoa văn hình học: 10 hoa văn hình con sam biển, hình 16 thú đuôi dài có thể là cáo, hình 21 con chim Lạc dang cánh bay.
Tang trống cũng có những hoa văn đẹp: ngoài các tổ hợp hoa văn hình học làm nền còn có vành hoa văn: 6 chiếc thuyền nối đuôi nhau, trên thuyền có 6-7 người đội mũ lông chim, có người cầm giáo, có người chèo thuyền. Trên thuyền có cả lầu có người ngồi chắc là người chỉ huy cuộc đua. Xen giữa các thuyền là hoa văn chim đậu trên lưng cá sấu, hình sàn nhà có đôi chim đang xoè cánh, hình hươu, chó…
Trên lưng trống có hoa văn hình học làm nền, chia ra 8 ô hình chữ nhật. Trong mỗi ô đều có chung một chủ đề: một con chim bay thẳng đứng hướng lên phía trên. Phía dưới hình chim bay là hai người đội mũ lông chim đang múa. Chân trống không trang trí hoa văn Hoa văn trên trống Kính Hoa miêu tả những động vật thuộc về biển, cận biển, đầm lầy. Đó là hoa văn hình con sam biển, hình cá sấu. Chính những cư dân Đông Sơn với môi trường cận biển như vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ mới là người đúc trống Kính Hoa, mới phản ánh cuộc sống, cảnh quan của vùng đất mà họ sinh sống lên hoa văn trống chứ không phải là cư dân vùng núi cao xa biển như Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) đã đúc trống đồng và mang đến vùng Bắc Bộ nước ta.
Hoa văn trên quai trống Kính Hoa là hoa văn bông lúa, đã gián tiếp nói về cuộc sống nông nghiệp trồng lúa của cư dân đúc trống, lúa gạo là thực phẩm chủ yếu của họ. Họ đã biết đúc đồng thành thạo để tạo ra những tác phẩm tuyệt mỹ như trống đồng Kính Hoa, biết pha chế hợp kim ba thành phần đồng, chì, thiếc để đúc trống là kỹ thuật cao trong thời điểm cách đây hơn 2.000 năm, khi mà nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á chưa có kỹ thuật đúc giỏi như vậy. Họ không còn phải mặc quần áo bằng vỏ cây như nhiều tộc người ở các đảo Đông Nam Á vẫn còn sử dụng mà đã biết dệt vải, may quần áo. Dấu tích vải vẫn còn thấy trên mặt trống Kính Hoa. Trong ngày hội, họ đã có bộ quần áo hóa trang, trên đầu cắm lông chim.
Chủ nhân của trống Kính Hoa đã ở nhà sàn, trên tang trống Kính Hoa còn có hoa văn miêu tả một sàn nhà có 4 cây cột rõ nét. Vậy là, chuyện ăn, mặc, ở và sản xuất nông nghiệp, luyện kim đã được trống Kính Hoa kể lại qua các hoa văn, vết tích để lưu truyền cho hậu thế.
Bước đầu, nghiên cứu trống đồng Kính Hoa, các nhà khoa học đã thu được một số thành quả khoa học và dựng được một phần bức tranh lịch sử đương thời của một cộng đồng người Việt cổ, cư dân Đông Sơn. Đấy cũng là những cư dân của vua Hùng trong thời dựng nước.