Tới dự Lễ trao giải cuộc thi có các đại biểu: Bà Vũ Thuý Hạnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam; bà Trịnh Thị Lan, Trưởng phòng Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội, Thành viên Ban giám khảo cuộc thi; ông Trần Minh Quang, đại diện Tổ chức Plan International Việt Nam; bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội; bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi; bà Lê Thị Hồng Minh, Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô…
Được phát động từ ngày 15/6/2022, sau hơn 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 2.000 bài dự thi từ các tác giả trên khắp cả nước, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Các bài dự thi tập trung vào 4 chủ đề chính: “Ngợi ca tấm gương, hành động đẹp, lan tỏa giá trị nhân văn của phụ nữ”, “Phụ nữ rèn luyện kỹ năng sống để đi đến thành công”, “Khát vọng sống bình yên và hạnh phúc cho trẻ em”, “Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà văn Võ Thị Xuân Hà và tác giả đoạt giải Nhì Nguyễn Lan Hương giao lưu với khán giả tại lễ trao giải cuộc thi.
Từ hơn 2000bài viết, Ban Sơ khảo đã chọn ra 65 bài xuất sắc nhất vào vòng Chung khảo. Ban Giám khảo Chung khảo đã làm việc thận trọng, khách quan, nghiêm túc và chọn ra 24 giải trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 10 giải Khuyến khích, 5 giải Chuyên đề. Giải Nhất thuộc về tác giả Chu Thị Thu Hằng (giáo viên Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội) với bài viết “Không gục ngã – Hành trình của sự sống và ước mơ”. Ba giải Nhì thuộc về tác giả Phùng Thị Mai Xuân với bài viết về cuốn sách “Dấn thân”, tác giả Nguyễn Lan Hương với bài viết về cuốn sách “Tôi là Malala”, tác giả Đào Thụy Kha với bài viết về cuốn sách “Sơn ca vẫn hót”.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội trao giải Nhất cho tác giả Chu Thị Thu Hằng.
Báo cáo tổng kết cuộc thi, nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết:Chủ đề của cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I – năm 2022 là “Bình yên và Mơ ước”, với mục đích hướng các cây bút đến với những giá trị cốt lõi và chân thật của đời sống. Đó là một chân lý vô cùng giản dị, một mong ước bình yên trong đời sống và tâm hồn mỗi con người để mơ ước tới những điều cao cả, tốt đẹp.
Khá ấn tượng là những bài viết về các vấn đề xoay quanh đề tài phụ nữ, trẻ em. Trong đó, nhiều bài viết viết về những cuốn sách ca ngợi hình ảnh, tấm gương cao đẹp cùng nỗ lực phi thường của người phụ nữ. Tác giả Chu Thị Nguyệt Hằng (Sơn Tây) viết cuốn tự truyện “Không gục ngã” của dịch giả, nhà văn Nguyễn Thị Bích Lan bởi ngưỡng mộ sự vươn lên, vượt qua bệnh tật, khó khăn của chị để cống hiến những điều có ích cho đời.
Hàng loạt cuốn sách về tấm gương các phụ nữ thành đạt trên thế giới được chọn viết như về đệ nhất phu nhân Mỹ- Jill Biden, cô gái trẻ Helen Keller phi thường vượt lên số phận trong cuốn “Câu chuyện đời tôi”, về những nữ lãnh đạo đã mạnh mẽ nói lên tiếng nói bảo vệ hòa bình thế giới, nhân quyền… trong cuốn “Khi phụ nữ lên tiếng”.
Tương tự như vậy những cuốn sách viết về kỹ năng sống, cách thức để thành công, kỹ năng bảo vệ sự an ấm trong mỗi mái nhà cũng được các độc giả lựa chọn và cảm thụ. Bên cạnh đó là những bài viết về các cuốn sách có chủ đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Mỗi bài viết đều chất chứa rất nhiều trăn trở, thậm chí là sự phẫn nộ đối với tình trạng bạo hành, bất bình đẳng giới, bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em để từ đó kêu gọi bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bày tỏ khát vọng về môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Hà Nội khẳng định: “Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I năm 2022 là sự cụ thể hóa hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 62-KH/UBND ngày 24/3/2020 của UBND Thành phố Hà Nội về phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích góp phần lan tỏa tình yêu sách và đọc sách,khuyến khích thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hướng tới xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thông qua những cuốn sách hay, các tác giả đã chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc chân thực, sâu sắc, trong sáng, nhiều thông điệp ý nghĩa đã được rút ra, các giá trị tốt đẹp như tình yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình, yêu thương con người, sự bình yên, mơ ước về một cuộc sống tươi đẹp, no ấm, không có chiến tranh và bạo lực. Đây cũng chính là những giá trị mà cuộc thi năm nay muốn gửi gắm...”