Sự kiện & Bình luận

TP Hồ Chí Minh: Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sau 50 năm Ngày Giải phóng và 40 năm đổi mới (Bài 2)

Quỳnh Chi 09:41 20/04/2025

Sau ngày giải phóng cách đây 50 năm và trải qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực xây dựng, phát triển thành phố mang tên Bác giàu mạnh hơn. Trong đó, đời sống Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã, đang được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên.

Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh đã dựa vào Nhân dân để phát động các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân. Thành phố đã đầu tư nhiều nguồn lực chăm lo đời sống tinh thần của người dân.

duong-sach-tet.jpg
Lãnh đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng các đại biểu tham quan Đường sách Tết 2024. (Ảnh tư liệu/ Hoàng Giang)

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng thấm sâu, lan tỏa vào đời sống xã hội. Công tác bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được đẩy mạnh, hệ thống thiết chế văn hóa xây dựng ngày càng rộng khắp, góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống và phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí ngày càng đa dạng của Nhân dân. Các chính sách giảm nghèo và chăm lo an sinh xã hội được quan tâm triển khai, có sự tham gia tích cực từ các nguồn lực trong xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng cao... mang lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sinh động bản chất tốt đẹp của chế độ.

Các chính sách giảm nghèo và chăm lo an sinh xã hội được quan tâm triển khai, có sự tham gia tích cực từ các nguồn lực trong xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng cao. Thành phố đã từng bước xây dựng và phát triển hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội toàn diện, đa tầng, rộng khắp; triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thu hẹp nhanh sự chênh lệch đời sống giữa trung tâm đô thị và khu vực nông thôn; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội...

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị Thành phố và của cả xã hội đã đem lại quả ngọt khi đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trước thời hạn 2 năm. Đến cuối năm 2023, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì kết quả không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia đã hoàn thành vào cuối năm 2022, còn lại 22.867 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố (chiếm tỷ lệ 0,90%/tổng hộ dân Thành phố).

Đến tháng 7 năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện giảm 32.062 hộ nghèo và giảm 22.342 hộ cận nghèo; tiếp tục duy trì không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia, còn lại 21.454 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,84% tổng số hộ dân Thành phố); trong đó, có 7.176 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,28%) và 14.278 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,56%).

tphcm-2.jpg
Người cao tuổi trên địa bàn Phường 13 (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) khám sức khỏe tại Trạm Y tế.

Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Mạng lưới khám chữa bệnh được tập trung đầu tư; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện. Các chính sách y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội, người có công được quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Đến cuối năm 2024, đạt 21 bác sĩ/10.000 dân; đạt 43 giường bệnh/10.000 dân. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức triển khai mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Tính đến tháng 10/2024, đã có hơn 13.000 cộng tác viên, đạt hơn 82% chỉ tiêu đề ra. Thành phố đã thực hiện được hơn 1,1 triệu sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID thay cho sổ khám bệnh.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, Thành phố là địa phương đi đầu cả nước trong công tác phổ cập giáo dục, đến nay đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học; quy mô phát triển giáo dục mở rộng ở các cấp học với gần 2.295 trường học, gần 1,7 triệu học sinh; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được đào tạo và ngày càng vững mạnh, với hơn 91.000 cán bộ và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy; cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học không ngừng được nâng cấp, ngày càng khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh…

Nhìn chung, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của Thành phố đều được nâng lên; học sinh, sinh viên năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu học tiếp lên cấp cao hơn; có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho Thành phố, cả nước và hội nhập thế giới.

Thành phố đã đầu tư có trọng tâm trọng điểm các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; chăm lo xây dựng phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam; không ngừng vun đắp truyền thống đoàn kết, nghĩa tình trong cộng đồng xã hội. Thành phố đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là di sản văn hóa, chính trị của dân tộc, mà là tài sản của người dân Thành phố trong cuộc sống của mình, là nơi mà các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Bác hiện hữu mỗi ngày.

Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống của Thành phố; say mê với nghề nghiệp, khát khao cống hiến và sáng tạo.

ky-ket-1-.jpg
Lễ ký kết hợp tác phối hợp hoạt động giữa Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố Huế, năm 2023. (Ảnh tư liệu).

Phong trào văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động và thụ hưởng của đông đảo quần chúng Nhân dân. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại bước đầu được quan tâm, thúc đẩy đổi mới tư duy sáng tạo, phương thức sản xuất, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật có chuyển biến tích cực theo hướng coi trọng hiệu quả và thực chất. Các đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền đang tiếp tục được Thành phố quan tâm triển khai thực hiện.

Công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại quảng bá hình ảnh, tuyên truyền đối ngoại cũng được thực hiện một cách sâu rộng và bài bản hơn qua các bản tin, ấn phẩm và hoạt động hợp tác cụ thể. Công tác ngoại giao văn hóa được quan tâm đẩy mạnh, tạo nên dấu ấn mới, tự hào trong quan hệ hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các nước trong khu vực và quốc tế.

Thành phố tăng cường giới thiệu hình ảnh, nét đặc trưng của đất nước, của con người Việt Nam và thành phố với cộng đồng quốc tế thông qua các ngày lễ lớn, ngày hội văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới, thông qua hoạt động “Ngôi nhà chung của chúng ta”, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Thành phố, Lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm mới, Lễ hội Tết Nguyên đán, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày hội Đọc sách, Lễ hội áo dài, Lễ hội Đường sách, Lễ hội sông nước, Hội sách thành phố, phục vụ thư viện lưu động…. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đối ngoại trong và ngoài nước của Thành phố có quy mô xứng tầm, chất lượng nghệ thuật đạt yêu cầu và đảm bảo các yếu tố về nội dung, hình thức, tính sáng tạo, đổi mới trong tư duy nên rất thành công, tạo ấn tượng đẹp về Thành phố./.

(Còn nữa)...

Bài liên quan
  • 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển cùng đất nước
    Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy nền VHNT nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền VHNT “yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”; đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, VHNT đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Cuộc hành quân đặc biệt
    Tháng 4 mang theo sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn, gợi lên trong tôi bao ký ức không thể nào quên về người cha thân yêu nay đã đi xa. Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khi cả nước sục sôi khí thế tiến về giải phóng Sài Gòn, Xưởng phim truyện Việt Nam nhanh chóng cử các nghệ sĩ tinh nhuệ chia thành bốn nhóm gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, thu thanh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
  • Hà Nội chỉ đạo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố
    Chiều 19/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố để thực hiện lấy ý kiến nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp.
  • Xe buýt tuyến 34 bến xe Mỹ Đình- Gia Lâm chuyển đổi xe điện
    Ngày 18/4, Công ty CP Xe điện Hà Nội đã tổ chức khai trương tuyến buýt điện số 34 (Bến xe Mỹ Đình – Gia Lâm) hiện thực hóa chủ trương của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về triển khai “Đề án phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh”.
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sau 50 năm Ngày Giải phóng và 40 năm đổi mới (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO