Tổng liên đoàn Lao động: Lo ngại về làn sóng rút bảo hiểm xã hội

Lệ Quyên| 08/12/2022 10:55

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lo ngại về làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần khi hơn 42.000 lao động mất việc, dự báo sau Tết thêm 15.000 người.

Sáng 7/12, tại họp báo chăm lo Tết cho người lao động, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phân tích trong các giai đoạn khó khăn, làn sóng rút BHXH một lần đã xảy ra dù cơ quan quản lý không muốn, công đoàn tích cực tuyên truyền công nhân gắn bó sản xuất. Với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn từ nay đến giữa năm sau, làn sóng này có thể gia tăng. Hiện ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước.

Theo quy định, người lao động sau một năm nghỉ việc mà không tìm được việc làm mới, không tiếp tục đóng BHXH thì đủ điều kiện rút một lần, song về già không có lương hưu. Những ngày này, hàng trăm người dân xếp hàng suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn (TP HCM) chờ làm thủ tục rút BHXH một lần. Người rút hầu hết là lao động mất việc sau đợt dịch Covid cuối năm 2021.

bao-hiem-1(1).jpg
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại họp báo  về chăm lo Tết cho lao động dịp xuân Quý Mão. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Phan Văn Anh cho rằng trong bối cảnh hiện nay rất cần chính sách hỗ trợ kịp thời lẫn những thay đổi căn cơ, lâu dài trong chính sách. Công đoàn mong muốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh Xã hội sớm báo cáo lên cấp có thẩm quyền, xem xét  trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, giãn đóng BHXH để hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi sản xuất ổn định trở lại. Các chính sách này đều đã được luật định, thẩm quyền quyết định là Quốc hội.

Riêng kinh phí công đoàn (trích 2% quỹ lương đóng BHXH) mà doanh nghiệp đóng hàng tháng, ông Văn Anh cho biết tới đây khi sửa Luật Công đoàn sẽ tính toán sửa đổi theo hướng trực tiếp báo cáo Thường vụ Quốc hội trong trường hợp bất khả kháng để sớm xử lý. Về đoàn phí công đoàn (người lao động đóng 1% tiền lương đóng BHXH) thuộc thẩm quyền Tổng liên đoàn, cơ quan này sẽ nghiên cứu cho lùi đóng với những lao động bị cắt giảm việc trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đơn hàng.

Về đề xuất gia hạn một số chính sách hỗ trợ của gói 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68), theo lãnh đạo Tổng liên đoàn là "hoàn toàn hợp lý" bởi ban hành gói mới vào cuối năm sẽ mất thời gian, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lẫn lao động bị ảnh hưởng.

Những ngành giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng (%)

1(3).jpg

Trước mắt, Tổng liên đoàn trích kinh phí hỗ trợ công nhân bị cắt giảm việc làm, có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất 500.000 đồng, dự kiến khoảng một triệu lao động thụ hưởng. 22 tỉnh thành sẽ tổ chức các phiên chợ Tết để công nhân mua sắm đồ dùng thiết yếu, giá mặt hàng thấp hơn thị trường từ 15% đến 50%.

Xuân Quý Mão, Công đoàn, Trung ương Đoàn huy động doanh nghiệp hỗ trợ hơn 8.000 phần quà Tết cho người lao động khó khăn tại 11 tỉnh thành. Mỗi suất 700.000 đồng, gồm 300.000 đồng tiền mặt cùng nhu yếu phẩm. Công đoàn cơ sở sẽ lập danh sách từng hoàn cảnh và lấy ý kiến lao động, không để phát sinh thủ tục rườm rà.

Công đoàn dự báo từ nay đến hết quý II/2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Ngoài ra sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ khác hoặc lợi dụng tình hình để thanh lọc lao động trên 35 tuổi nhằm tuyển dụng người trẻ, chi phí thấp hơn.

Sản xuất khó khăn cũng khiến ngừng việc tập thể gia tăng. Tới cuối tháng 11, cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu vẫn liên quan đến lương, phúc lợi bị cắt giảm hoặc chưa được điều chỉnh trong khi lao động giảm sút thu nhập, tích lũy sau hai năm đại dịch.

Theo Tổng hợp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Tổng liên đoàn Lao động: Lo ngại về làn sóng rút bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO