Tọa đàm giới thiệu tập thơ “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn”
Sáng ngày 16/10/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo văn nghệ sĩ, hội viên.
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Hà Nội nhận định: “Thơ Nguyễn Thị Mai là tiếng nói của người nữ về thân phận người phụ nữ Việt Nam với những góc nhìn tinh tế, sâu sắc, giàu trắc ẩn. Bằng nhiều tác phẩm đã xuất bản, bà đã thành công khi có được nhóm bạn đọc riêng và nhận được nhiều bài viết đánh giá, chia sẻ từ các nhà nghiên cứu phê bình uy tín. Có thể nói rằng, Nguyễn Thị Mai là một trong những gương mặt thơ nữ tiêu biểu trong văn học hiện đại”.
Cuốn sách Bao giờ tươi mới giêng hai nõn của nhà thơ Nguyễn Thị Mai gồm 70 tác phẩm, do Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành vào quý III năm 2023. Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình chia sẻ cảm nhận, đánh giá về tập thơ Bao giờ tươi mới giêng hai nõn.
PGS.TS. Trần Thị Trâm cho rằng, “nhân vật trữ tình trong thơ chị luôn là người con hiếu thảo, người vợ dịu hiền, người mẹ từ tâm. […] Nhưng dù nói về những phận người trong cõi nhân gian, hay chỉ là những tình cảm riêng tư thì những bức thông điệp nhà thơ gửi đi đều thấm đẫm chất nhân văn, đã trở thành tiếng nói chung và dễ dàng tới được những vùng khuất lấp trong trái tim, đánh thức những mỹ cảm ngủ yên trong lòng công chúng”.
Còn trong tham luận Những nghịch lý qua “vẻ đẹp buốt trời” và “bao giờ tươi mới giêng hai nõn” của Nguyễn Thị Mai, tác giả Đinh Thiên Hương cho rằng, “cảm thức đầy dư vị triết lý nghịch cảnh trong thơ Nguyễn Thị Mai thể hiện trong nhiều bài thơ và câu chữ thật tinh tế trước những vẻ đẹp mà buốt xót giữa nhân sinh, thế cuộc. Đó là những phạm trù: có mà không [...], là gần mà xa, ít mà nhiều, hữu hạn mà vô hạn. [...] Những tương phản ấy khiến người đọc nghĩ rằng hình như càng sống, càng đau đáu trải nghiệm trong cõi đời này, Nguyễn Thị Mai càng ngộ ra nhưng bất công, hao vơi, khiếm khuyết và những nghịch lý ngay trong những cái có lý”.
“Vừa hướng nội lại vừa hướng ngoại, giữa nụ cười và nước mắt, giữa cô đơn và khát vọng, giữa cái thiêng và cái phàm…, thơ được viết từ bóng ngày ẩn ức, từ vang vọng của chuông nhà thờ. Hiện thực ấy vừa là nhị nguyên vốn có của đời sống, của thân phận, vừa là đặc điểm trữ tình trong thơ Nguyễn Thị Mai”, nhà thơ Lê Anh Phong chia sẻ.
Bao giờ tươi mới giêng hai nõn toát lên sự hài hước, tếu táo làm bước ra chân dung một nhà thơ “nghịch ngầm” đằng sau một Nguyễn Thị Mai chững chạc, nghiêm túc trong tác phong nhà giáo thường ngày là cảm nhận của nhà phê bình Vũ Nho.
GS. Nguyễn Chí Bền bày tỏ sự ngỡ ngàng và kính phục trước sức sáng tạo văn chương của nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Ông đánh giá cao tinh thần và năng lượng sáng tác của nữ nhà thơ, kính phục vì mỗi tác phẩm của bà ra mắt đều nhận được nhiều đánh giá, chia sẻ từ bạn bè văn chương và giới chuyên môn. Song ông cũng hi vọng có thêm một góc nhìn, một hướng nghiên cứu thơ Nguyễn Thị Mai tiếp cận từ văn hóa học…
“Dù biết rằng những lời khen, góp ý từ bạn văn đến từ những ưu ái quý mến, song tôi vẫn rất lấy làm vui!”, nhà thơ Nguyễn Thị Mai xúc động trước tình cảm chân thành và những chia sẻ của bạn bè văn chương. Bà bày bỏ sự trân trọng trước những khích lệ tại buổi tọa đàm.
Tổng kết những chia sẻ từ các văn nghệ sĩ đối với tập thơ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - nhà thơ Bùi Việt Mỹ khẳng định: “Các tham luận chia sẻ trong buổi tọa đàm là tình cảm của bạn bè văn chương dành cho nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Sự tham gia đông đảo này cho thấy tác giả tập thơ Bao giờ tươi mới giêng hai nõn được bạn bè văn chương yêu quý biết bao. Trong khi có nhiều nhà văn, nhà thơ cố tránh xa hiện thực trên con đường viết thì Nguyễn Thị Mai đã chọn để những trang viết gắn liền với đời sống. Đó là điều đáng quý và đáng trân trọng ở một nhà thơ. Văn chương cần gắn liền với đời sống và mang đến những giá trị nhân văn cao đẹp cho mọi người”./.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai sinh năm 1955 tại Gia Lâm, Hà Nội. Bà là Thạc sĩ Ngữ văn, từng làm việc tại Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Bà đã xuất bản 15 tập thơ, 3 tập truyện ngắn và nhận được nhiều giải thưởng văn học từ Trung ương đến địa phương.