Hoạt động hội

Bài ca Hà Nội - Năm tháng không quên

Yến Ly 10/10/2023 21:01

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), sáng ngày 10/10/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Bài ca Hà Nội – Năm tháng không quên”.

Trong không khí “thu rất thật là thu” đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, các văn nghệ sĩ lại bồi hồi nhớ về những khoảnh khắc không quên của Hà Nội một thời bom đạn và hào hùng. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xúc động khi nhắc nhớ về một Hà Nội từng trải qua bom đạn đã xa mà ngỡ rất gần. Đó là Hà Nội trong ký ức của mỗi người Hà Nội, là Hà Nội được lưu giữ trong từng áng văn chương, nhạc phẩm… Và đặc biệt, là lời ca “kỳ lạ” đầy tính tiên tri trong tác phẩm Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao.

Tiến về Hà Nội là ca khúc được Văn Cao sáng tác vào năm 1949 - trước ngày giải phóng Thủ đô vừa đúng 5 năm. Theo nhiều nhạc sĩ và những người trải qua khoảnh khắc lịch sử của tháng 10/1954 thì lời ca trùng khớp một cách kỳ lạ với hình ảnh đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Và những lời ca mang tính dự báo của Văn Cao vẫn được các văn nghệ sĩ cất lên mỗi độ thu về: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố/ [...] Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Trong tư liệu ít ỏi còn lại về Văn Cao, cố nhạc sĩ đã từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Tiến về Hà Nội. Đó là lời hứa viết một ca khúc về Hà Nội của Văn Cao với các đồng chí Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo sau cuộc họp Chi bộ vào cuối năm 1948 ở Liên khu 3. Và sau một bữa tối, Lê Quang Đạo đã xúc động bày tỏ sự yêu thích với các ca khúc của Văn Cao và tâm sự rằng: “Nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!” và “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô đấy”.

Thế rồi, trên đường làng trở về nhà, trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài Tiến về Hà Nội đã đến với người nhạc sĩ: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…” Và ca khúc được viết xong sau đó 2 tuần, vào mùa xuân năm 1949.

img_9167.jpeg
Đông đảo văn nghệ sĩ là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề

Trong các văn nghệ sĩ, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, rất nhiều người đến từ muôn phương và đã chọn Hà Nội để gắn bó. Thời gian dù bao lâu đã qua, nhưng tình yêu với Hà Nội luôn dạt dào trong họ. Tiếng lòng ấy được bộc bạch qua từng vần thơ, trang viết… Nhà thơ Hoàng Cát là một trong số đó. Chia sẻ tại cuộc trò chuyện, ông nhớ về hơn 60 năm trước, dù sinh ra ở xứ Nghệ nhưng từ năm 1960, ông đã gắn bó với Hà Nội. “Tôi rất yêu Hà Nội, yêu Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nhà văn Hà Nội. Nhưng do bệnh nặng nhiều năm nên lâu nay tôi không tới Hội được. Những kỷ niệm buồn vui và tình yêu của tôi từ ngày gắn bó với Thủ đô tới nay là không kể xiết. Đối với tôi, Hà Nội đã là quê hương thứ hai!”, nhà thơ Hoàng Cát xúc động. Ông đã đọc bài thơ Bài thơ trời đất để tỏ lòng mình về tình yêu với Hà Nội mùa thu.

Đối với các nhà thơ vốn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội hoặc sinh ra trong gia đình người Hà Nội gốc, tình yêu với Hà Nội lại càng tha thiết và như một thói quen mỗi ngày. Cùng tỏ lòng mình với tình yêu Hà Nội trong ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô, có nhiều nhà thơ khác đã đọc lên những tác phẩm viết về Hà Nội và mùa thu Hà Nội như: nhà thơ Nguyễn Mạnh Chu, Đỗ Bạch Mai, Lê Quang Định, Trần Khánh Toàn, Đỗ Thu Yên, Bùi Văn Kha, Nguyễn Đình Nhữ, Kim Ngọc, Phi Tuyết Ba, Bùi Thanh Hà, Linh Chi, Thái Xuân Nguyên, Lê Lâm, Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Linh Khiếu, Bùi Việt Mỹ…

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vui mừng chia sẻ thành tựu của tác giả Trần Văn Mỹ với cuốn sách "Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội" do ông chủ biên. Tác giả Trần Văn Mỹ cho biết, cuốn sách là tập hợp các bài viết của các hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Trong đó, nhiều lễ vật dâng hội làng có từ lâu đời được ghi lại rất tỉ mỉ và chi tiết, giúp độc giả hình dung dễ hơn và có thêm góc nhìn về lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh những tìm tòi nghiên cứu và nỗ lực lưu giữ truyền thống văn hóa, cuốn sách là tình yêu với Hà Nội của các tác giả.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhà thơ khác đã đọc những thi phẩm khác làm cho không khí buổi tọa đàm, giao lưu giữa Thủ đô càng thêm thu và tràn ngập tình yêu Hà Nội./.

Một số hình ảnh khác tại buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 10 của Hội Nhà văn Hà Nội:

nha-tho-hoang-cat.jpg
Nhà thơ Hoàng Cát đọc thơ tại buổi sinh hoạt chuyên đề.
nha-tho-bui-viet-my.jpg
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ đọc thơ tại buổi sinh hoạt chuyên đề .
nha-van-tran-van-my.jpg
Tác giả Trần Văn Mỹ giới thiệu cuốn sách "Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội" .
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Quận Hai Bà Trưng: Hứa hẹn chương trình “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”
    Thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) vừa cho biết, từ ngày 13 - 15/12/2024 tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ diễn ra Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng, các điểm di tích lịch sử và du lịch trên địa bàn quận với chủ đề “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
Đừng bỏ lỡ
Bài ca Hà Nội - Năm tháng không quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO