Tiểu thuyết "Những đứa trẻ thượng lưu": Lát cắt chân thực về xã hội hiện đại
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt độc giả tiểu thuyết “Những đứa trẻ thượng lưu” của tác giả Ngô Hiểu Lạc, do Trần Trúc Ly dịch. Tác phẩm không chỉ là câu chuyện về tham vọng cá nhân mà còn đặt ra câu hỏi sâu sắc về cách cha mẹ định hướng tương lai cho con cái.
Nhân vật chính của tiểu thuyết “Những đứa trẻ thượng lưu” là Trần Vân Nhàn, một cô gái tỉnh lẻ luôn khao khát thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt. Khi lên Đài Bắc học đại học, cô quen biết Dương Định Quốc, một người đàn ông hơn cô tám tuổi, có công việc ổn định và địa vị xã hội vững chắc. Tin rằng hôn nhân với Định Quốc là con đường nhanh nhất để đạt được giấc mơ giàu có, Vân Nhàn quyết định từ bỏ con đường học vấn, đặt tất cả kỳ vọng vào cuộc hôn nhân này.
Nhưng cuộc đời không đơn giản như cô nghĩ. Biến cố đầu tiên xảy đến khi gia đình chồng gặp khủng hoảng tài chính, kéo theo sự sụp đổ của những giấc mơ vật chất mà cô hằng theo đuổi. Lúc này, Vân Nhàn đã trở thành mẹ và cô tin rằng một nền giáo dục tốt sẽ giúp con trai có tương lai rạng rỡ hơn.
.jpg)
Một cơ hội tình cờ xuất hiện: sếp của chồng cô, một người đàn ông giàu có, đề nghị tài trợ học phí cho con trai cô tại một trường tư thục danh giá. Nhờ đó, hai mẹ con dần bước vào thế giới của giới thượng lưu. Nhưng càng tiến sâu vào môi trường này, Vân Nhàn càng nhận ra rằng phía sau những ánh đèn lấp lánh là những toan tính vô hình.
Điểm nhấn của “Những đứa trẻ thượng lưu” nằm ở sự đấu tranh nội tâm của Vân Nhàn. Cô không ngừng tự nhủ rằng con trai mình xứng đáng có một môi trường học tập tốt nhất, nhưng cô chưa từng hỏi xem con mình có thực sự mong muốn điều đó hay không. Tác phẩm khéo léo đặt ra câu hỏi: Cha mẹ có đang áp đặt giấc mơ của mình lên con cái hay không?
Với lối viết giản dị nhưng sắc sảo, tác giả dẫn dắt người đọc qua hơn mười năm đầy biến động của cuộc đời Vân Nhàn. Câu chuyện không chỉ phản ánh những tham vọng cá nhân mà còn là một lát cắt chân thực về xã hội hiện đại, nơi nhiều bậc phụ huynh đang chạy đua không ngừng để con cái có chỗ đứng trong tầng lớp thượng lưu.
Ngay khi ra mắt, “Những đứa trẻ thượng lưu” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả Trung Quốc. Một số nhận xét cho rằng: "Cuốn sách chân thực như phim tài liệu, tàn nhẫn như một câu chuyện ngụ ngôn. Tác phẩm khắc họa chính xác tâm lý của những người phụ nữ trưởng thành, khi họ buộc phải đối diện với những lựa chọn khó khăn của cuộc đời".
Mặc dù lấy bối cảnh Đài Loan hiện đại, nhưng "Những đứa trẻ thượng lưu" lại khá gần gũi, tương đồng với bối cảnh Việt Nam khi mà các bậc cha mẹ sấp ngửa, vật vã với đủ mọi áp lực với hy vọng mang đến cho con những cơ hội tốt nhất, sẵn sàng hy sinh, đánh đổi thực tại của mình để làm bàn đạp cho con cái bước vào thế giới thượng lưu. Cũng bởi thế, tác phẩm cũng mang tính “thời sự”, “toàn cầu” cho công cuộc làm cha mẹ./.
Tác giả Ngô Hiểu Lạc sinh năm 1989 tại Đài Trung, tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Đài Loan. Cô là một nhà văn có phong cách sắc sảo, thường lồng ghép những quan sát tinh tế về xã hội, tình mẫu tử, mối quan hệ gia đình và giới tính vào các tác phẩm của mình. Văn phong của cô cuốn hút, sâu sắc và giàu tính nhân văn, khơi gợi nhiều suy ngẫm về giáo dục và đời sống.
Dịch giả Trần Trúc Ly sinh năm 1980 tại Hà Nội, là Tiến sĩ Trung Quốc học, hiện giảng dạy tại Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị chuyên nghiên cứu về văn học nữ tính, vấn đề phụ nữ ở Trung Quốc và điện ảnh châu Á.