Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
Tranh dân gian xuất hiện cách đây từ nhiều thế kỷ, là kho tàng quý giá của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cũng như những thăng trầm của đất nước, dòng tranh này vẫn giữ được vẻ vui tươi, dí dỏm, sự hiền lành đôn hậu, thể hiện giá trị nhân văn và văn hóa Việt Nam.
Tranh dân gian Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16. Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này là vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau đó suy tàn vào nửa cuối thế kỷ 20. Tranh dân gian Hàng Trống- món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Thành xưa, là thú chơi tao nhã mỗi độ xuân về. Chủ đề của tranh Hàng Trống rất đa dạng và phong phú nhưng chủ yếu là hai đề tài chính là tranh thờ và tranh tết, theo thời gian xuất hiện thêm nhóm tranh thứ 3 là tranh thế sự.
Tranh Thờ: là loại tranh phục vụ nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu. Do yêu cầu ấy, tranh thờ mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật linh tuy gần gũi mà vẫn rất thần bí.
Tranh Tết: người Hà Nội trước đây treo tranh Hàng Trống để trang trí nhà cửa mỗi dịp đầu năm mới thể hiện ý nghĩa chúc tụng và cầu mong những điều tốt lành. Không chỉ là mong muốn về một cuộc sống ấm no, đủ đầy, thú chơi tranh Tết còn thể hiện ước mơ về công danh, phú quý, trường thọ… của giới thị dân xưa.
Tranh Thế sự: không có nhiều đề tài như tranh thờ, tranh Tết nhưng dòng tranh này lại chứa đựng nhiều điều thú vị về cuộc sống thường ngày của người Việt Nam, đặc biệt giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Tại Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” vừa qua được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt được ra mắt. Điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, và đặc biệt kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hoá độc đáo của người Kinh kỳ xưa. Niên đại của các bộ tranh trưng bày tại triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” được nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho rằng có lẽ được sáng tạo từ thế kỷ 19 cho tới trước những năm 1945, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống đã có từ cách đây hàng trăm năm. Do những biến động của lịch sử, từ những năm 1945 đã không còn in dòng tranh truyện, nếu có cũng chỉ là các dòng tranh nhỏ, tranh đơn. Tranh truyện là dòng tranh cần có sự đầu tư lớn, từ việc mua ván gỗ để khắc in tranh. Không phải loại gỗ nào cũng có thể dùng để khắc bản in, mỗi tấm tranh phải ghép từ 2 đến 3 tấm ván gỗ lại với nhau. Sau khi ghép, những người thợ mộc phải gia công các ván gỗ này cho bằng phẳng, rồi mới đến công đoạn gia công về vẽ và khắc gỗ.
Từ vẽ đến khắc gỗ là một quá trình hết sức kỳ công, tốn rất nhiều chi phí và thời gian, hơn thế nữa không phải người thợ nào cũng có thể khắc được bản in của tranh truyện Hàng Trống. Những người thợ phải có kỹ thuật, tay nghề rất cao mới có thể hoàn thiện được những bản in đẹp nhất, tinh xảo nhất.
Nét vẽ của tranh Hàng Trống hết sức nghệ thuật, có đậm, có nhạt, có màu sắc đặc trưng. Tranh Hàng Trống là một dòng tranh quý, nhưng nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho hay: "Tranh Hàng Trống không phải tất cả đều bắt nguồn từ Hàng Trống. Từ trước năm 1945 ở đình Hàng Trống có một chợ buôn bán tranh, đây là nơi tập trung của tất cả các thương nhân đến từ Thường Tín, Canh Diễn, hay các làng nghề vẽ tranh xung quanh vùng đất Kinh kỳ.... Có rất nhiều nghệ nhân làm dòng tranh này theo cùng một phong cách tranh Hàng Trống, từ công đoạn khắc nét, in tranh rồi vẽ lại tranh bằng bút, sau đó mới tô màu".
Bằng những tác phẩm ấy, tranh dân gian Hàng Trống còn lưu lại mãi mãi trong tâm trí mỗi người dân Hà Thành. Những tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống quả là những kiệt tác, toát lên cái sinh động, tinh tế, ý nhị và sâu sắc lạ thường cả về nội dung lẫn hình thức. Ở những bức tranh này đã bộc lộ đầy đủ tài năng của những người nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống. So với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống có phần uyển chuyển hơn, sắc độ trên tranh cũng êm ái hơn.
Khá nhiều tranh Hàng Trống đã đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam, không thể trộn lẫn./