Mỹ thuật

Thưởng lãm “nét hiện đại dung dị” trong tranh sơn mài Phùng Phẩm

Yến Ly 11/10/2023 11:21

Tối ngày 10/10/2023, triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Phùng Phẩm đã được khai mạc tại Thăng Long Gallery (41 Hàng Gai, Hà Nội). Đây cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Thăng Long Gallery, một trong những phòng tranh lớn, lâu đời, được biết đến tại Hà Nội.

Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm sơn mài của họa sĩ Phùng Phẩm cùng với những tranh in khắc gỗ và phác thảo của ông đã tìm lại được sau rất nhiều năm. Tại đây, có nhiều tác phẩm hầu như chưa từng trưng bày rộng rãi trước đây, mà có thể, công chúng chưa từng được biết đến. Cùng với đó, cuốn sách mang tên Phùng Phẩm (Nxb Mỹ thuật, 2023) viết về cuộc đời và nghệ thuật của ông cũng được ra mắt tại triển lãm. Đặc biệt càng ý nghĩa hơn, ngày khai mạc triển lãm cũng chính là sinh nhật họa sĩ Phùng Phẩm.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo các họa sĩ, giới sưu tập tranh và người yêu hội họa. Ở tuổi 91, họa sĩ Phùng Phẩm bày tỏ sự vui mừng phấn khởi và gửi lời cảm ơn tới Thăng Long Gallery và khách tham dự triển lãm.

07.jpg
Họa sĩ Phùng Phẩm chia sẻ tại triển lãm của mình.

Tại buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ Thành Chương bày tỏ sự ngưỡng mộ trước một tấm gương lao động, làm việc và tấm gương về nhân cách Phùng Phẩm. Ông cho rằng, trong quá trình khổ luyện hết mình, sự tìm tòi sáng tạo của người họa sĩ từ những điều cơ bản có thể quyết định được người đó thành công hay không. Ông chúc mừng họa sĩ Phùng Phẩm với thành công khi đã tạo ra được phong cách cá nhân. Rằng dù một bức tranh đã bị che đi và lộ ra một góc, ông vẫn có thể nhận ra đó là tranh Phùng Phẩm.

“Thấy Phùng Phẩm là thấy tinh thần Việt Nam trong tranh của ông. Tranh ông có tạo hình hiện đại và không lỡ nhịp với các trào lưu trên thế giới. Nhưng kết quả này không phải là sự cố gắng tỏ ra kì dị, cố làm khác để hội nhập. Mà đó là sự hiện đại dung dị như chính con người họa sĩ, vững vàng, cơ bản và rất lạ kỳ nhưng cũng rất Phùng Phẩm”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

08.jpg
Triển lãm thu hút sự quan tâm đông đảo của giới họa sĩ và người yêu tranh.

Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932 tại tỉnh Vĩnh Phúc, từng tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Ông bén duyên với hội họa từ năm 1952 sau những buổi học ngắn với thầy Nguyễn Khang khi được cử đi học ở Học xá bên Trung Quốc. Sau đó, ông thi đỗ Trung cấp mỹ thuật khóa I (1957 - 1960) của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), được học với các thầy dạy đều là những họa sĩ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương tài ba như Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ… Sau nhiều năm, ông tiếp tục thi đỗ vào khóa IX (1965 - 1970) của trường để được học hỏi tiếp nhưng cuối cùng đã bỏ ngang sau 2 năm theo học. Ông từng làm việc tại Hãng phim hoạt hình Việt Nam...

06.jpg
Tác phẩm "Đoàn vệ quốc quân" - sơn mài trên gỗ, 1998.

Họa sĩ Phùng Phẩm nổi tiếng với các tác phẩm sơn mài, khắc gỗ, đa dạng đề tài, thể loại. Ông từng tham gia nhiều triển lãm Đồ họa Quốc tế tại Đức, Rumania, Ba Lan, Nauy, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong các sự kiện giao lưu văn hóa do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Tại Việt Nam, ông đã có triển lãm cá nhân vào các năm 2003, 2006, 2008, 2010 và triển lãm lần này tại Thăng Long Art Gallery. Ông đoạt nhiều giải thưởng như: Giải A triển lãm nghệ thuật đồ họa 1975-1985 tại Hà Nội; Huy chương Vàng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 tại Hà Nội; giải thưởng về mỹ thuật ở Đức, Hàn Quốc; Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam...

sach.-pp.jpg
Cuốn sách "Phùng Phẩm".

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Các tác phẩm in khắc gỗ - Nước bạc cơm vàng, 1977; Chống hạn, 1977; Lớp học miền núi, 1983; Xóm chợ, 1986; Trước vận mệnh Tổ quốc, 1991. Các tác phẩm sơn mài - Chống hạn, 1990; Kiêu hãnh, 1993; Những nụ hôn tình yêu, 1995; Đoàn vệ quốc quân, 1998. Trong số đó, có 5 tác phẩm đang được trưng bày tại bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là Xóm chợ, bức sơn mài Chống hạn, Trước vận mệnh Tổ quốc, nhất là bộ tác phẩm Kiêu hãnh và bức bình phong sơn mài 4 tấm Những nụ hôn tình yêu do cựu Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam - bà Ellen Berends hiến tặng Bảo tàng.

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 11/10 - 28/10/2023./.

Một số tác phẩm của họa sĩ Phùng Phẩm được giới thiệu tại triển lãm:

05.jpg
04.jpg
03.jpg
02.jpg
01.jpg
Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Nhớ về họa sĩ Dương Bích Liên
    Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên, sáng ngày 13/7, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình Art talk “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng”. Art talk đã đưa công chúng đến với ký ức về họa sĩ Dương Bích Liên thông qua những tác phẩm của cố họa sĩ, những câu chuyện kể đầy xúc động của các vị khách mời, người thân trong gia đình của họa sĩ.
  • Bức tranh Sen Liên Hoa Tịnh Cảnh trưng bày tại lễ hội Sen Hà Nội 2024
    Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Quận Tây Hồ, Hà Nội) từ ngày 12 đến ngày 16/7/2024. Lễ hội giới thiệu nhiều sản phẩm từ sen, các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị của cây sen trong phát triển kinh tế và đời sống tinh thần của con người.
  • Nhiều tác phẩm độc bản của họa sĩ Lê Bá Đảng đưa từ Pháp về lần đầu triển lãm
    Trong số 150 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Khát vọng Hòa bình” của hoạ sĩ Lê Bá Đảng được trưng bày thì có 100 tác phẩm lần đầu tiên được đưa về từ Pháp.
  • Triển lãm “Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời”
    Triển lãm ngợi ca vẻ đẹp và ý nghĩa nội tại trong từng khoảnh khắc thường nhật của cuộc sống. Thông qua các chủ đề phong phú cùng ngôn ngữ tạo hình tươi mới, hấp dẫn, “Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời” đặt ra những câu hỏi hiện sinh mà mỗi người phải đối mặt trong quá trình trưởng thành, mời gọi người xem suy ngẫm về trải nghiệm lớn lên và tìm kiếm ý nghĩa cho hành trình của chính họ.
  • Văn hóa dân gian qua góc nhìn gen Z
    Triển lãm “Dân gian trong Gen Z” là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian Việt Nam trong tâm hồn thế hệ trẻ. Gen Z đã và đang tiếp nối và sáng tạo trên nền tảng di sản văn hóa truyền thống, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân.
  • Triển lãm "Cuộc sống quanh ta": Chạm đến trái tim từ những điều giản dị, thân thương
    Chiều 26/6, tại số 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật "Cuộc sống quanh ta 2024". Triển lãm do Câu lạc bộ sáng tác đề tài xây dựng tổ quốc (Hội Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thưởng lãm “nét hiện đại dung dị” trong tranh sơn mài Phùng Phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO