Với chủ đề Tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới, hội nghị tập trung đánh giá những thành tựu, cũng như hạn chế trong 30 năm thu hút FDI, đồng thời đề ra định hướng chiến lược trong thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. |
Các đại biểu tham gia hội nghị, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, tập trung thảo luận về quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam; thách thức, cơ hội đầu tư trong quá trình hội nhập quốc tế; cũng như các vấn đề liên quan đến tập trung đầu tư các cực tăng trưởng thúc đẩy liên kết, phát triển vùng; kết nối và lan tỏa khu vực FDI và đầu tư trong nước; thu hút FDI từ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Bên lề hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương sẽ tiếp lãnh đạo các tổ chức, hiệp hội và nhà đầu tư. Cũng sẽ có các phiên kết nối hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, xây dựng - bất động sản, năng lượng tái tạo, hạ tầng và logisitcs, du lịch và dịch vụ, công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và tài chính - ngân hàng…
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị, sẽ có triển lãm thành tựu 30 năm thu hút FDI với quy mô khoảng 100 gian hàng. Theo đó, một số hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, hiện vật sẽ được trưng bày nhằm giới thiệu một cách khái quát những thành tựu và kết quả đạt được về thu hút FDI tại Việt Nam trong 30 năm qua (1988-2018), đặc biệt là những thành tựu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá lại hành trình 30 năm thu hút FDI của Việt Nam. 30 năm là một khoảng thời gian không dài đối với tiến trình phát triển của một đất nước, nhưng cũng đủ để có thể đánh giá một cách khá toàn diện về kết quả thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đó là mở cửa, thu hút FDI.
Đánh giá toàn diện để thấy được những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra định hướng chiến lược thu hút, quản lý và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI đến nay, FDI luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và hoàn thành cơ bản mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu của quá trình mở cửa thu hút FDI, đặc biệt là giai đoạn 1988 - 1994, khi kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, lâm vào khủng khoảng trầm trọng, sản xuất công, nông nghiệp đình đốn, lạm phát phi mã 3 con số…, FDI đã giữ vai trò như những “người mở đường” trong việc khai thác các tiềm năng và cơ hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp FDI đã tạo tiền đề, đồng thời tạo tác động lan tỏa trực tiếp và gián tiếp đối với các khu vực kinh tế khác của Việt Nam. FDI đã mang đến cho chúng ta vốn, kinh nghiệm, công nghệ,… những thứ mà ở thời điểm đó gần như Việt Nam không có gì”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Không những thế, khu vực FDI cũng đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam phá bỏ thế bao vây cấm vận, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Bước sang giai đoạn 1995 - 2010, mục tiêu thu hút FDI là hướng vào xuất khẩu hàng hóa, tăng thu ngoại tệ, tạo việc làm, nâng cao năng lực quản lý, đóng góp ngân sách…
Giai đoạn từ 2011 đến nay, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh nền kinh tế đã có bước phát triển (tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm), trở thành nước có thu nhập trung bình, có độ mở lớn, hội nhập sâu…, FDI vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Lũy kế đến nay, cả nước có 26.500 dự án FDI, đến từ 129 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 334 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 185 tỷ USD.
Nguồn vốn này đã đóng góp lớn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời khơi dậy và phát huy hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực trong nước. Hiện FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực FDI cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. “Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đến nay, chúng ta đã thu hút được 334 tỷ USD, trong đó khoảng 58% tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
FDI cũng đã làm gia tăng số lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm liên tục. Cụ thể, FDI đã góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2017 khu vực FDI đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ngoài ra, khu vực FDI còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước và ngày càng tăng. Riêng năm 2017, FDI đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách. FDI cũng đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội với khoảng 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp.
Ngoài ra, FDI còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nâng cao trình độ tiếp nhận công nghệ của nền kinh tế, đồng thời tạo sức ép để nhiều doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Khu vực FDI cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công.
Không kém phần quan trọng, FDI đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 30 năm thu hút FDI, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Chẳng hạn, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI còn khiêm tốn; thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...
“Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã được nhận diện. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục cho được các vấn đề này trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.