Thủ tướng biểu dương Hà Nội vì đã đưa bốt Hàng Đậu, ga Gia Lâm, nhà tù Hỏa Lò thành nguồn lực văn hóa
Thủ tướng biểu dương Hà Nội vì trong thời gian qua, nhiều địa điểm, di sản văn hóa trên địa bàn đã được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách, như ga Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, nhà tù Hỏa Lò, qua đó phát huy nguồn lực văn hóa, biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực.
Chiều 7-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, chủ trì hội nghị lần thứ hai của hội đồng với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt; trong đó có 19 quy hoạch cấp quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 32 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ KH-ĐT đã triển khai xây dựng quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học.
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất 6 định hướng phát triển, trong đó tổ chức không gian phát triển vùng hợp lý gồm: 3 hành lang quốc gia, kết nối quốc tế - 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng - 1 hành lang ven biển - 2 vùng động lực phát triển - 2 tiểu vùng kinh tế - xã hội. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới; Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng…
Vùng đồng bằng sông Hồng có vị trí trung tâm, được coi là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - một thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia với lịch sử hàng nghìn năm, có quy mô dân số lớn nhất cả nước với lực lượng lao động có trình độ cao. Nơi đây cũng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ với hệ thống cao tốc dài nhất cả nước lẫn đường biển, đường sông, đường hàng không và đường sắt. Vùng có hệ thống đô thị và các cơ sở kinh tế tương đối mạnh; trong đó, hạt nhân là Thủ đô Hà Nội - đô thị loại đặc biệt.
Vùng có cơ cấu kinh tế khá tích cực, khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2015 cho tới nay, vùng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, gấp 1,37 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Tuy nhiên, đồng bằng sông Hồng có không ít hạn chế và khó khăn, thách thức lớn như: tăng trưởng kinh tế của vùng thời gian qua chưa thực sự ổn định và chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Cơ cấu ngành nghề chưa hiện đại, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu vững chắc. Trình độ công nghệ còn thấp, hiệu suất phát triển chưa cao. Doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Tổ chức không gian, bố trí lãnh thổ còn bộc lộ nhiều bất hợp lý, đặc biệt là sự quá tải tại các khu vực đô thị ở nội đô Hà Nội, Hải Phòng. Cùng với đó là ảnh hưởng khách quan của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường…
Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết như: định hướng tổ chức không gian phát triển của vùng; định hướng, giải pháp về phát triển ngành, lĩnh vực, trọng tâm là kết cấu hạ tầng liên kết vùng; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, danh mục dự án liên kết vùng ưu tiên đầu tư, chính sách liên kết vùng...
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ KH-ĐT khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2023.
Thủ tướng nêu rõ, cùng với vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt, do đó quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng rất khác biệt, cơ hội rất nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ của vùng. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn phải chiến lược và có tính ổn định, lâu dài; tích hợp, kết nối quy hoạch của các địa phương với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
Riêng về hàng không, Thủ tướng cho rằng khu vực phía Bắc đồng bằng đã có 3 sân bay (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét, quy hoạch, xây dựng 1 sân bay quốc tế mới tại khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng cũng phân tích, chỉ rõ thêm một số đặc điểm nổi bật của vùng cần nhấn mạnh thêm trong Quy hoạch để khai thác, phát huy mạnh mẽ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, vùng đồng bằng sông Hồng có Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng, nền văn minh lúa nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Hà Nội vì trong thời gian qua, nhiều địa điểm, di sản văn hóa trên địa bàn đã được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách, như ga Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, nhà tù Hỏa Lò, qua đó phát huy nguồn lực văn hóa, biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ kết nối Trung Quốc-ASEAN bằng cả đường bộ và đường biển. Do đó, phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế./.