Kiến trúc - Quy hoạch

Gợi mở giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội

Thụy Phương 06:47 02/12/2023

Chiều 1/12, Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tổ chức tọa đàm “Quy hoạch, kiến trúc nhà ở xã hội hiện tại và tương lai”. Nhiều vấn đề xoay quanh thực trạng, định hướng phát triển cũng như những giải pháp phát triển nhà ở xã hội của Thủ đô đã được các diễn giả tập trung bàn thảo.

Cung chưa đủ cầu

Khái niệm “nhà ở xã hội” lần đầu xuất hiện trong văn bản pháp luật là Luật Nhà ở 2005 và cho đến nay đã được triển khai nhiều tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Tại Hà Nội, nhà ở xã hội đã được Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội quan tâm, chú trọng. Bên cạnh việc triển khai mới các dự án nhà ở xã hội, Thành phố đã đặt hàng nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội; chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

1(1).jpg
TS.KTS Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Đề cập tới thực trạng phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 – 2020, TS.KTS Nguyễn Văn Hải – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay từ năm 2016 đến năm 2020, Thành phố Hà Nội đã thực hiện 25 dự án; năm 2021, 2022 thực hiện 52 dự án và 5 khu nhà ở xã hội tập trung. Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân thì nhà ở xã hội của Thành phố vẫn chưa được đáp ứng đủ nhu cầu. Đơn cử như năm 2020, nhu cầu nhà ở xã hội của Hà Nội lên tới 4.670.000m2 sàn, nhưng thực tế mới chỉ thực hiện được 1.230.000m2 sàn.

KTS Nguyễn Bá Nguyên – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh: “Quỹ đất được quy hoạch dành cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu, quy định về quỹ đất cho nhà ở xã hội chưa phù hợp, ngoài ra việc thực thi chính sách về quỹ nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc”.

Tăng tốc phát triển nhà ở xã hội

TS.KTS Nguyễn Văn Hải cho hay, năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu phát triển 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập và quy hoạch chi tiết cho 2- 3 khu; Năm 2030 phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đảm bảo tất cả các khu công nghiệp và khu chế xuất có khu nhà ở xã hội, đảm bảo tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê và cho thuê mua phải đạt quy định...

3(1).jpg
Quang cảnh tọa đàm.

Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2025 – 2030 đó là: Xây dựng nhà ở và khu đô thị mới theo hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đảm bảo chất lượng xây dựng công trình nhà ở đồng nhất cho các loại hình phát triển nhà ở; Phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình; Giảm số lượng nhà ở tạm, đơn sơ và bán kiên cố; hỗ trợ nâng cấp nhà ở xuống cấp, nhà ở hư hỏng cho hộ nghèo và hộ cận nghèo; Điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; Phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, công khai, minh bạch.

Theo KTS Nguyễn Bá Nguyên, vấn đề phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội đã được định hướng theo điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung 1259 và quy hoạch phân khu.

Về định hướng theo điều chỉnh quy hoạch chung 1259, trên cơ sở nhu cầu, quỹ đất nhà ở của các nhóm đối tượng, đất cho nhà ở xã hội cũng được ưu tiên sau nhà ở giãn dân, nhà ở tái định cư. Bên cạnh đó, quy hoạch chung 1259 cũng định hướng đa dạng hóa nguồn cung nhà ở xã hội qua việc bổ sung thêm các hình thức phát triển nhà ở xã hội; giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân gắn với khu vực sản xuất; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí quy hoạch bổ sung quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Về định hướng theo quy hoạch phân khu, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được xác định trong nhóm đất nhà ở xây dựng mới thuộc các khu đô thị mới, khu chức năng đô thị. Quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cũng được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết...

Huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất

Nhà ở xã hội là một phân khúc quan trọng trong quá trình phát triển đô thị và an sinh xã hội. Nhìn một cách tổng thể các dự án nhà ở xã hội đã được triển khai thời gian qua, KTS Nguyễn Văn Hải cho rằng còn rất nhiều những vấn đề tồn tại, đòi hỏi cần có những điều chỉnh về chính sách, quy hoạch kiến trúc, vốn và thuế sao cho phù hợp. “Để phát triển nhà ở xã hội, cần phải phân bổ hợp lý các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, rà soát quỹ đất, bố trí nguồn vốn, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích nhà đầu tư khu công nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, đồng thời tăng cường tuyên truyền”, KTS Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.

KTS Nguyễn Bá Nguyên đề xuất nên rà soát, xác định, bổ sung các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ở quy mô lớn để tạo lập các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Ngoài ra, cần hướng dẫn chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung các quỹ đất quỹ sàn nhà ở xã hội...

2(1).jpg
KTS Manuel Der Hagopian chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội ở một số nước trên thế giới.

Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn thiết kế nhà ở xã hội – Công ty CP Kiến trúc Lập Phương – CUBIC Architects, KTS Trần Vũ Lâm và Ths.KTS Nguyễn Trung Dũng cho rằng “một dự án nhà ở xã hội thành công và có thể đi đến đích, đảm bảo chất lượng, được người sử dụng chấp nhận là dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa ba nhà: Nhà nước – Nhà đầu tư – Nhà tư vấn.

Với bề dày kinh nghiệm của đơn vị tư vấn kiến trúc, nhóm kiến trúc sư của CUBIC Architects đã đưa ra 3 yếu tố cần thiết trong thiết kế nhà ở xã hội đó là tính giao lưu cộng đồng (đảm bảo hoạt động, tương tác, giao lưu cộng đồng), tính độc lập tương đối (đảm bảo tính riêng tư) và tính nơi chốn (tạo nên một không gian thân thuộc, một hình ảnh bình yên, một nơi chốn đi về).

“Cần tránh “mặc đồng phục” cho nhà ở xã hội, tránh thiết kế nhà thành những khối bê tông. Cần có những giải pháp tối ưu cho các khối nhà ở xã hội bằng việc chú trọng cảnh quan, không gian công cộng, tối ưu không gian sống trong căn hộ, đảm bảo chất lượng hình ảnh kiến trúc công trình, ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế”, KTS Trần Vũ Lâm nhấn mạnh.

Tham gia tọa đàm, KTS Manuel Der Hagopian đến từ Thụy Sĩ, đồng sáng lập G8A Architects đã giới thiệu một số những tác phẩm nhà ở xã hội xanh cùng những kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà ở xã hội ở Singapore, Thụy Sỹ và Trung Quốc. KTS Manuel Der Hagopian hi vọng Việt Nam có thể học tập từ những mô hình này những kinh nghiệm, giải pháp trong phát triển nhà ở xã hội./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Gợi mở giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO