Cần rất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
Đây là lần thứ 2 sự kiện được tổ chức với kỳ vọng tiếp tục đưa ra những giải pháp, đề xuất các chính sách sát với thực tế nhằm tạo động lực: bố trí quỹ đất, tạo cơ chế thu hút đầu tư, đồng hành và cam kết nhằm hiện thực hóa ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Nhằm tạo một diễn đàn để cùng phân tích, thảo luận và tháo gỡ các vấn đề còn vương mắc, vừa qua vào ngày 19/10/2023, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Tọa đàm "Hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội".
Tọa đàm có sự tham dự của: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Lãnh đạo Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; cùng đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lãnh đạo một số tỉnh, thành, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương Bắc Giang... Lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản.
Tọa đàm với 2 phiên thảo luận chính sẽ tập trung vào các nội dung về: Một triệu căn nhà ở xã hội - Kỳ vọng và thực tế; Cơ chế khơi thông, tăng tốc làm nhà ở xã hội với những hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng, cũng như mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các văn bản hướng dẫn dưới luật, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong đó, đã quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp; Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án. Đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án.
Theo thống kê, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn. Đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.
Như vậy, số căn hộ hoàn thành mới chỉ đạt 9,4% chỉ tiêu 1 triệu căn hộ. Sẽ cần rất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án. Các chuyên gia cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng; hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo báo cáo gửi tới Bộ Xây dựng, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho việc xây dựng nhà ở xã hội. Hiện đã có đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn. Với những kết quả bước đầu, Bộ Xây dựng khẳng định việc triển khai đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.
Tại buổi Toạ đàm, đứng ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ – Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ, thành phố phấn đấu đến 2025 xây dựng được 15.000 căn hộ, trong đó 80% căn hộ hoàn thành. Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Hải Phòng tập trung lựa chọn, bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố nhằm chủ động và linh hoạt trong phát triển nhà ở.
Trong đó, ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị, các cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di chuyển, các khu nhà ở kém chất lượng cần thay thế. Về quy hoạch, thành phố chuẩn bị trước các định hướng quy hoạch cho hệ thống nhà ở xã hội để chủ động phát triển nhà ở xã hội với quan điểm đây là một khu đô thị, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
Ông Thọ nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách hỗ trợ đặc thù về tài chính để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của thành phố. Cần hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách khi thực hiện thuê mua, mua nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống tại các khu nhà ở xã hội mới.
Đưa ra giải pháp về thiết kế và công nghệ xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thiết kế và công nghệ xây dựng bảo đảm nguyên tắc cân bằng hài hòa giữa 03 yếu tố: Thẩm mỹ, cảnh quan đô thị - Quy mô, chất lượng công trình - Giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ liên thông các dữ liệu dân cư để đẩy nhanh quá trình xét duyệt và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách. Thực hiện công tác tuyên truyền để người dân dần xóa bỏ thói quen “ở nhà mặt đất”. Xóa bỏ tư duy nhà ở xã hội là nhà cho đối tượng “yếu thế - thu nhập thấp” để hình thành quan điểm nhà ở xã hội là một dạng phân khúc nhà ở có chất lượng tốt và giá cả phù hợp với khả năng chi trả do có sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Với những kết quả bước đầu triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng nhận thức rằng việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp./.