Các kỹ năng an toàn ứng phó gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa gió trong cơn bão số 3, người dân Thủ đô cần lưu ý kỹ năng bảo vệ nhà cửa, công trình trước gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 11h ngày 22/7, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt 74 km/h (cấp 8), giật cấp 10. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10-15 km/h.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió mạnh dần lên cấp 3-4, từ ngày mai mạnh lên cấp 5-6, giật cấp 7-8. Khu vực trung tâm, phía Tây và phía Nam thành phố có thể mưa 100-180mm; các địa bàn như: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa... nguy cơ cao xảy ra ngập úng, cây đổ, sạt lở đất.
Cơ quan khí tượng lưu ý, trong mưa giông có thể xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh; Ngập úng tại vùng trũng, thấp, khu đô thị, khu công nghiệp; Nguy cơ lũ quét trên sông suối nhỏ, sạt lở đất tại sườn dốc. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1 do mưa lớn, lốc, sét và mưa đá.
Để bảo vệ tính mạng, giảm thiệt hại về tài sản, người dân Thủ đô lưu ý gia cố nhà cửa, mái tôn, biển quảng cáo, cắt tỉa cành cây gần khu vực sinh sống. Không trú mưa dưới gốc cây, gần trạm điện, nơi có vật thể dễ đổ ngã. Kiểm tra hệ thống thoát nước, hố ga quanh nhà để hạn chế úng ngập khi mưa lớn. Di chuyển phương tiện lên cao, tránh nơi trũng thấp. Với nhà tầng hầm, cần che chắn kỹ lối xuống, dự phòng bơm chống ngập.
Bên cạnh đó, người dân cần chuẩn bị sẵn thiết bị dự phòng như đèn pin, pin sạc, nước uống, lương thực khô, đặc biệt nếu sống ở khu vực thường xuyên bị cô lập khi mưa bão. Tuyệt đối không di chuyển qua khu vực bị ngập sâu, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm, mương, suối tràn. Khi có thông báo sơ tán, cần chấp hành ngay, không chần chừ vì nước có thể dâng nhanh. Cập nhật liên tục bản tin thời tiết, cảnh báo của cơ quan chức năng để chủ động có biện pháp ứng phó.
Để đảm bảo an toàn, người dân lưu ý theo các khuyến cáo sau:
