Một điểm thu gom pin và rác thải điện tử miễn phí trên địa bàn TP Hà Nội. |
Với tình yêu môi trường, chị Lê Hoàng Phương, công tác tại Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông - Vận tải) cùng nhóm bạn tình nguyện thu gom pin và rác thải điện tử tận nhà dân, sau đó, chuyển đến điểm tập kết do tổ chức Việt Nam tái chế (tổ chức do các nhà sản xuất thiết bị điện nhằm thể hiện trách nhiệm với các sản phẩm tới cuối vòng sử dụng) đặt tại Hà Nội. “Ý thức được tác hại của pin nên tôi tham gia và vận động bạn bè, người thân cùng thực hiện. Khi nhận được thông tin (trên mạng xã hội), nhóm của tôi sẽ xuống từng hộ dân để thu gom pin và rác thải điện tử miễn phí”, chị Phương chia sẻ.
Bà Miriam Lassernig, Phát ngôn viên của tổ chức Việt Nam tái chế cho hay, đơn vị đang triển khai thu gom pin và rác thải điện tử ở hai thành phố lớn gồm: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Rác thải điện tử sau khi thu gom trực tiếp từ người dân hoặc tập hợp tại các điểm thu gom của Việt Nam tái chế sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng (có giấy phép phù hợp theo quy định) và đưa đến nhà máy (được cấp phép xử lý chất thải nguy hại).
Bên cạnh 5 điểm thu gom cố định tại Hà Nội, trong năm 2018, tổ chức Việt Nam tái chế đã triển khai dịch vụ thu gom tận nơi hoàn toàn miễn phí cho các gia đình trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hoạt động này nhằm tạo thói quen xử lý rác thải điện tử đúng cách, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của quy trình tái chế rác thải điện tử chuyên nghiệp. Tổ chức đã kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một số trường đại học phát động chương trình thu gom tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô. Hiện, Việt Nam tái chế đã đào tạo được gần 70 sinh viên trở thành đại sứ của chương trình.
Thực tế, nhiều người dân vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về xử lý pin và rác thải điện tử đúng cách. “Những điểm thu gom pin và rác thải điện tử chưa nhiều, trong khi đa số người dân chưa biết, chưa hiểu về những nguy hại từ pin và rác thải điện tử. Do vậy, để chương trình hiệu quả, rất cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội”, bà Nguyễn Thị Liên ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) chia sẻ.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, pin và rác thải điện tử là những thiết bị điện tử lỗi, hỏng, không còn sử dụng. Thực tế cho thấy, do nhu cầu đời sống cao nên hiện nay có nhiều người sở hữu thiết bị điện tử, từ đó lượng rác thải ra trong lĩnh vực này ngày càng tăng. Pin và rác thải điện tử có thể bị vứt ra bãi rác sinh hoạt, bị chôn lấp, bị đốt... gây ô nhiễm không khí; rò rỉ kim loại, hóa chất độc hại như: Chì, thủy ngân, cadmium, asen... Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân, mỗi người dân cần quan tâm đến việc phân loại pin, rác điện tử tại nguồn bằng cách tách riêng để thuận lợi cho thu gom, xử lý.
Những hành động vì môi trường, điển hình như nhóm tình nguyện thu gom pin và rác thải điện tử của chị Lê Hoàng Phương, đang là những nhân tố tích cực lan tỏa tới đông đảo nhân dân Thủ đô trong chung tay xây dựng môi trường trong lành, rất cần được nhân rộng.
Hà Nội hiện có 5 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí: Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân (45 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy); Ban Quản lý Công trình công ích Hoàn Kiếm (số 1 Trần Quang Khải, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm); UBND phường Quán Thánh (12-14 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình); UBND phường Thành Công (quận Ba Đình); Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (số 17 Trung Yên 3, Trung Hòa, quận Cầu Giấy). |