Lãnh đạo trung tâm tín dụng của một NHTMCP trên đường Huỳnh Thúc Kháng tiết lộ, những tháng trong năm, thông thường mức giải ngân trung bình chỉ vài chục tỷ đồng nhưng 3 tháng cuối năm con số này có thể tăng lên gấp 3 - 4 lần bình thường.
Quy định rõ để bảo vệ người vay
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,3% so với đầu năm, trong đó tín dụng tiêu dùng tiếp tục có tốc độ tăng trưởng đột biến. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Chỉ còn gần một tháng nữa kết thúc năm, để tín dụng “cán đích” như mục tiêu đề ra cho cả năm là 21% các ngân hàng phải đẩy mạnh đưa vốn vào nền kinh tế. Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận, rất khó đẩy tín dụng ra cho vay DN do lo nợ xấu và tỷ lệ lãi cận biên (NIM - chênh lệch lãi suất cho vay và huy động) ở mức rất thấp. Do đó đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là lựa chọn tốt với lãi suất cao hơn và hồ sơ cũng đơn giản. Nhờ đó, các kênh cho vay tiêu dùng, mua sắm càng thực sự sôi động.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tổ chức cho vay tiêu dùng đang chạy theo số lượng trước sức ép giành thị phần. Đi kèm với mức lãi suất thấp còn rất nhiều khoản phí cũng như những điều khoản ràng buộc phía sau trong hợp đồng. Do đó, cần có quy định rõ hơn bởi nếu hàng loạt khách hàng rơi vào bẫy nợ nần, không có khả năng trả nợ thì chính các tổ chức cho vay tiêu dùng sẽ phải trả giá. Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật BASICO, để bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là khách vay, hầu hết các nước đều cấm đưa các thông tin khó hiểu, mập mờ vào hợp đồng. Theo quy định, ngân hàng hay công ty tài chính phải công khai mẫu hợp đồng tại website của mình để khách hàng nghiên cứu. Vì vậy, khách hàng nên tìm hiểu, trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ.