Hoàn thiện thi công vòm cầu số 93.
Theo đó, 5 vòm cầu được chấp thuận thi công đợt này là các vòm cầu từ số 79 đến 83, đại diện cho từng kết cấu khác nhau, như: Vòm cầu bịt kín 2 đầu, bên trong rỗng; vòm cầu bịt kín 2 đầu bên trong lấp đất, đá...
Việc chọn ra các vòm cầu đại diện cho từng loại hình để thí điểm đục thông, sẽ phục vụ hiệu quả cho quá trình đục thông toàn bộ số vòm cầu dẫn bị bít kín còn lại ở khu vực, từng bước hiện thực hoá Đề án "Không gian văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội" của UBND thành phố Hà Nội.
Cụ thể, khu vực trên có 131 vòm cầu dẫn đường sắt, nhưng hầu hết đều đang được bịt kín do yêu cầu của giai đoạn lịch sử trước đó. Đến nay, các công trình này đã được UBND thành phố Hà Nội xác định đục thông, để khai thác không gian di sản, phục vụ phát triển văn hoá, thương mại dịch vụ và du lịch không gian phố cổ.
Trưởng phòng Quản lý dự án, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Nguyễn Kim Quỳnh cho biết, dự kiến việc đục thông vòm cầu số 79 được thực hiện trong khoảng 20 ngày, với sự giám sát của các chuyên gia Cục Đường sắt, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình cầu đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt cũng như công tác khai thác sau này.
Sau khi vòm cầu số 79 hoàn thành việc đục thông, bảo đảm các yêu cầu đề ra, đơn vị sẽ tiến hành thi công tiếp 4 vòm cầu còn lại của đợt này, làm cơ sở đề xuất thực hiện đục thông toàn bộ vòm cầu trên khu vực.
Trước đó, tháng 9-2019, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 1042/TB-UBND về việc đồng ý nguyên tắc ý tưởng thiết kế tổng thể phương án phát triển không gian văn hóa thương mại, dịch vụ tại khu vực 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên và ý tưởng phân chia chức năng khu vực sử dụng theo chủ đề. Sau khi được phục hồi nguyên trạng, các vòm cầu này sẽ được khai thác thành các không gian sáng tạo, giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống cũng như các sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn khác...