Từ vai trò "người mẹ" thứ hai...
Trò chuyện với phóng viên trong ngôi nhà nhỏ trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) vào một ngày cuối tháng 12-2020, bà Nguyễn Thị Tường Minh mang đến cảm giác ấm áp cho người tiếp xúc bằng khuôn mặt, nụ cười phúc hậu. Vừa thưởng thức chén trà hoa cúc, bà Tường Minh vừa kể về cơ duyên tiếp xúc, giúp đỡ trẻ em lang thang trong nhiều năm qua.
Đó là vào năm 1995, sau khi nghỉ làm tại một đơn vị phát hành sách, bà Tường Minh về làm cán bộ phụ trách công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em của UBND phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm). Ở vị trí công việc mới, bà Minh gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và nhận ra rất nhiều em cần được giúp đỡ để vươn lên. Bằng tất cả tấm lòng thấu hiểu, chia sẻ và luôn nỗ lực giúp đỡ các em, bà Tường Minh ngày càng nhận được sự tin yêu, quý mến của cộng đồng. Sau khi nghỉ hưu, bà tình nguyện làm công tác này cho đến nay, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn các vấn đề về gia đình và trẻ em quận Hoàn Kiếm.
Nhớ lại những tháng ngày gắn bó với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bà Tường Minh cho biết, khoảng hơn 10 năm về trước, quận Hoàn Kiếm tập trung khá đông trẻ em lang thang. Với mong muốn góp phần mang đến cho các em cuộc sống tốt đẹp hơn, bà rong ruổi khắp ngõ, phố tìm cách tiếp cận, tìm hiểu về hoàn cảnh của từng trẻ. Đối với trẻ có gia đình, bà liên hệ với người thân, chính quyền địa phương đưa các trẻ hồi gia. Những trẻ chưa rõ thông tin hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, bà và các cộng sự giúp đỡ trẻ bằng nhiều cách.
“Chúng tôi đã tập hợp nhóm trẻ lang thang với tên gọi Câu lạc bộ Trẻ em đường phố, thường xuyên đón nhận vài chục trẻ, thời điểm đông nhất lên tới hơn 100 em. Trẻ được học văn hóa ở tầng 3 chợ Đồng Xuân, hỗ trợ ăn tối và nơi ngủ tại trung tâm tiếp nhận, tư vấn cho trẻ khó khăn ở số 360 Phúc Tân, nay là Địa chỉ nhà tin cậy - Nhà tạm lánh quận Hoàn Kiếm”, bà Tường Minh kể lại.
Càng tiếp xúc, gắn bó với trẻ, bà càng thấy rõ điều cần thiết nhất với trẻ lang thang là cơ hội có việc làm để hòa nhập cộng đồng. Vì thế, với những trẻ có khả năng làm việc, bà thường giới thiệu học nghề để các em có thêm cơ hội tiếp cận việc làm.
Là người nhận được sự chỉ bảo của bà Tường Minh, chị V.T.T, hiện trú tại huyện Đông Anh, chia sẻ: “Mẹ Tường Minh như người mẹ thứ hai của chúng tôi. Còn ngôi nhà 360 Phúc Tân là ngôi nhà chung của trẻ đường phố. Nhờ sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ của các mẹ và cơ quan chức năng, tôi từ một đứa trẻ lang thang đã được học văn hóa, học nghề. Hiện nay, tôi có công việc ổn định, gia đình đầm ấm và các con ngoan ngoãn”.
... đến nhà tư vấn tâm lý
Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm cơ bản không còn trẻ em lang thang, thì nhóm đối tượng bà Tường Minh tiếp cận, trợ giúp cũng thay đổi. Là thành viên Ban Quản lý mô hình Địa chỉ nhà tin cậy - Nhà tạm lánh quận Hoàn Kiếm - nơi tạm lánh của nạn nhân bị bạo hành trên cơ sở giới, phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bà Tường Minh luôn lắng nghe, chia sẻ mọi vấn đề liên quan đến các nạn nhân. Từ sự động viên, giúp đỡ của bà và các chuyên gia gỡ rối, không ít trường hợp đã tìm lại niềm vui, ý nghĩa cuộc sống. Có thể kể đến trường hợp 3 mẹ con chị K.T.L, hiện trú tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) đã thoát khỏi cảnh bị người thân có hành vi bạo lực.
Cùng tham gia tư vấn tại cộng đồng, bác sĩ Chu Nguyệt Anh cho biết: “Bà Nguyễn Thị Tường Minh với vai trò là nhà tư vấn tâm lý đã giúp không ít trường hợp “rối tơ lòng” tìm lại được thăng bằng trong cuộc sống”. Là người phối hợp với bà Minh trong nhiều chương trình, hoạt động, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tràng Tiền Võ Quỳnh Anh đánh giá: “Tinh thần làm việc vì cộng đồng, luôn cố gắng hết mình để mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng của bà Minh là tấm gương để những người làm công tác xã hội học tập, noi theo”.
Dưới góc độ quản lý, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung mong rằng, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều người thầm lặng cống hiến vì cộng đồng như bà Nguyễn Thị Tường Minh để phụ nữ, trẻ em và các trường hợp yếu thế nhận được sự quan tâm, trợ giúp nhiều hơn. Đó cũng là giải pháp góp phần bồi đắp văn hóa, xây dựng Thủ đô văn minh, ấm áp nghĩa tình.