Người Hải Phòng từ nơi sơ tán về ăn Tết Quý Sửu (1973).
Ảnh: Chu Chí Thành
Từ nơi sơ tán về ăn Tết
Tin vui! Tin vui! Hiệp định Paris đã được ký kết ngày 27/1/1973. Hòa bình được lập lại trên đất nước Việt Nam! Tin vui lan truyền như cơn bão. Đài phát thanh, báo chí Hà Nội liên tục đọc tin, bài về sự kiện này. Chỉ còn 5 ngày nữa là đã 30 Tết. Người đi sơ tán rầm rập đổ về thành phố. Chưa bao giờ các con đường từ ngoại thành về Hà Nội, Hải Phòng lại đông nghẹt như vậy. Tại Hà Nội, suốt ngày đêm cầu phao Chương Dương tràn ngập người gồng gánh ken sát ô tô, xe đạp. Cầu phao hẹp chỉ đi một chiều. Xe cộ, người đi bộ hai bên bờ sông Hồng đều phải xếp hàng chờ. Phía bờ Bắc đi được một lượt sang hết bờ Nam, rồi người bờ Nam mới được sang bờ Bắc. Ở bến phà Bính (Hải Phòng), người ta đi bằng phà, nhưng nhiều phà, xem ra nhanh hơn.
Gia đình một thương binh đợi tàu xe về quê ăn Tết Quý Sửu (1973). Ảnh: Chu Chí Thành
Người người gồng gánh, mang vác nào chăn màn, quần áo, nào xoong chảo, nồi niêu, bát đĩa, nào củi đuốc, bếp dầu, bếp than, rồi người già, trẻ nhỏ, thai sản ốm đau... tất cả chộn rộn, háo hức trở về. Tùy điều kiện, người thì ngồi xe hỏa, người thì đi ô tô, hoặc xe bò, xe ngựa, còn lại đa phần đi xe đạp và đi bộ. Vui sướng, tấp nập quên cả rét mướt. Ai về nhà nấy. Nhà nào cũng đầy bụi bặm, mạng nhện, im lìm lạnh lẽo. Nhiều người về đến cửa nhà, tự nhiên ứa lệ như gặp lại người thân. Vâng, ngôi nhà thân yêu còn nguyên vẹn, tức là họ còn nơi che thân, và còn có Tết. Việc đầu tiên mà ông hàng phố của tôi làm là ra thăm bể nước, rồi vặn vòi nước xem có nước hay không. Nước chảy ra xối xả, thế là hai ông bà bắt tay vào việc lau tường, lau cửa, rửa bàn ghế, giường, tủ, giặt quần áo, chăn chiếu, rồi cuối cùng là rửa nền nhà. Cả dãy phố chả ai bảo ai, kẻ trước, người sau đều tổng vệ sinh nhà cửa như vậy. Nước chảy lênh láng ra đường phố. Sau đó họ vào bếp đun nồi nước tắm. Chưa đến 30 Tết, nhưng vợ chồng ông bạn cạnh nhà tôi đã kiếm lá bưởi, lá sả, lá mùi cho vào nồi đun sôi, rồi hòa với nước lạnh để tắm gội. Mùi thơm của tinh dầu lá bay sang tận nhà tôi, thơm ngào ngạt. Tôi nói vọng sang trêu ông:
- Vợ chồng cậu nấu gì mà ngạt cả mũi hàng xóm thế?
Ông bạn thủng thẳng đáp:
- Chúng em tẩy trần ấy mà...
Tẩy trần xong, kiếm một cành hoa đào để bàn là có không khí Tết rồi. Vậy là vợ chồng nhà này ăn Tết sớm hơn mọi người. Phố tôi chưa có ai kịp bả tường quét vôi ve. Thực ra mọi người lúc đó còn nghèo lắm, không lấy đâu ra tiền mà sửa sang nhà cửa khang trang. Người còn, nhà còn là phúc lắm rồi.
Tuy nhiên, đường phố Hà Nội ngày giáp Tết đều khá sạch sẽ, sáng sủa. Băng rôn, cờ, khẩu hiệu đều tươi màu vải mới được căng lên từ phố lớn đến ngõ nhỏ. Tối đến, đèn đường lại sáng trưng. Nhà nhà đều lấp lánh ánh điện. Các đôi nam nữ thanh niên lại đèo nhau trên xe đạp. Trên hè phố nhiều cặp nắm tay nhau sánh bước, đường phố ùn ùn người ngược xuôi tấp nập. Nếu không đi qua khu phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên... nơi còn ngổn ngang gạch ngói bê tông, thì người ta khó nhận ra một Hà Nội vừa mới trải qua cơn ác mộng bom đạn khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Một cái Tết của máu và hoa
Tết Hà Nội năm ấy, ai có thể bỏ qua Khâm Thiên, Bạch Mai và hàng chục nơi vừa bị bom đạn Mỹ tàn phá? Đêm trừ tịch năm ấy, ai có thể ngoảnh mặt đi trước những nén hương lập lòe tia lửa đỏ trên những căn nhà đổ mất chủ? Không! Không ai bỏ qua, không ai ngoảnh mặt. Nỗi đau này không bao giờ mờ phai trong lòng người Hà Nội.
Tết đến! Ai về nhà nấy. Nhưng mất nhà thì về đâu?
Tết đến! Ai về nhà nấy. Nhưng chủ nhà bị bom chết ngay tại nhà mình thì còn gì nữa?
Tại Khâm Thiên, chiều 30 Tết, chẳng ai bảo ai, sau khi thắp hương ở bàn thờ nhà mình, nhiều bà con cầm hương sang các nhà đổ nát lân cận thắp hương cho những người quá cố. Có cụ già nước mắt lưng tròng còn bưng cả đĩa hoa, đĩa quả cùng nén hương tay run run đặt lễ lên tấm trần bê tông sập ở góc nhà người hàng phố, rồi chắp tay, miệng lầm rầm khấn khứa.
Khu dân cư phố Khâm Thiên sau trận bom B52 (1972). Ảnh: Chu Chí Thành
Tôi vẫn nhớ như in cảnh ba ngôi nhà 47 – 49 - 51 bị bom đánh sập. Thật không ngờ người trong ảnh do tôi bấm máy là ông thân sinh của Ngà, một nữ sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, là bạn của chị Xiêm vợ anh Xuân Lâm phóng viên ảnh cơ quan tôi. Ông đội mũ phớt, đứng trên bức tường đổ giáp nhà mình để chỉ dẫn đội tự vệ tìm cứu nạn nhân. May mắn thay, nhà Ngà vẫn nguyên vẹn, mấy hôm nữa, Ngà từ trường sơ tán về sẽ có cái Tết đầm ấm như mọi năm. Chính nơi đây, chỉ sau 18 ngày miệt mài làm việc, họa sĩ Nguyễn Tự đã hoàn thành bức tượng “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ”. Ông Tự và các đồng sự cố gắng hoàn thành bức tượng để đến
Tết mọi người có thể đặt hương hoa tưởng niệm. Hình tượng người mẹ bế con trong tư thế chết đột ngột, chính là phiên bản của hai mẹ con người phụ nữ trong gầm cầu thang số nhà 47.
Cách đấy không xa, khu tập thể xăng dầu ở số 1 đầu phố Khâm Thiên cũng bị bom đánh tan hoang. Nhưng tôi không biết căn nhà của gia đình chị Phạm Minh Hạnh bị trúng bom. Chị là bạn đồng môn với tôi học Khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp. Và cũng không biết ông thân sinh ra Hạnh, Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Nội trụ lại thành phố làm nhiệm vụ điều phối xăng dầu cho chiến trường đã bị hi sinh trong đợt bom cuối cùng của đêm 26/12. Hạnh và đứa con trai thoát chết là do chiều hôm trước (25/12) đã lên xe cơ quan của bố đi sơ tán đợt cuối. Vậy là bạn tôi mất cha, mất nhà, đón một cái Tết đầy nước mắt.
Chợ hoa Hải Phòng - Tết Quý Sửu (1973). Ảnh: Chu Chí Thành
Lấy tài liệu ở Khâm Thiên xong, tôi liền xuống Định Công, thuộc huyện Thanh Trì chụp xác máy bay B52, và xác giặc lái. Vừa chạy đến hiện trường tôi thấy ngay thi thể một phi công Mỹ nằm sõng xoài trên luống rau bắp cải, cà chua. Tên anh ta là Wim Brow Nutter Jerone III. Cách anh ta không xa là những mảnh vỡ kim loại và một phần thân máy bay kềnh càng cắm sâu vào thửa ruộng. Tôi nhanh chóng ghi lại tất cả những gì nhìn thấy, đặc biệt là tấm ảnh vợ con viên phi công này cùng thẻ lính của anh, kèm theo có lá cờ xin ăn và cứu mạng đầy sao vạch của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng lá cờ cứu mạng và những đồ hành trang của Wim Brow đã trở nên vô nghĩa. Từ nay trở đi, anh ta mãi mãi không được đón năm mới cùng vợ con nữa!
Đợt trực chiến 12 ngày đêm đánh B52 tại đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô bên hồ Trúc Bạch, tôi hay đi qua làng Ngọc Hà thấy các xã viên hợp tác xã vẫn bình thản chăm bón hoa. Lạ thật, bom đạn là vậy mà nơi đây vẫn đầy hoa đẹp. Tôi sững sờ khi lần đầu tiên nhìn thấy bông hồng vàng ở vườn một người bạn bên hồ Hữu Tiệp. Một màu vàng vừa rực rỡ vừa trầm lắng cứ sáng lên trong tâm tưởng tôi. Phải chăng hoa là hơi thở của người Thủ đô, là khát vọng thanh bình của tuổi trẻ Hà Nội? Có lẽ từ âm hưởng lạc quan ấy mà anh Văn Bảo, người cùng tổ ảnh Quân sự của tôi đã thành công với bức ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà tưới hoa bên xác pháo đài bay Mỹ dưới lòng hồ Hữu Tiệp. Và anh đặt tên cho bức ảnh mang tính tượng trưng này là “Xuân chiến thắng”.
Một cái Tết “ngoài tiêu chuẩn”
Thời gian ấy thực phẩm khan hiếm, những người hoạch định chính sách lương thực phải phân chia khẩu phần tỉ mỉ. Cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ, viện thì được hưởng tiêu chuẩn cao phiếu C; thứ, bộ trưởng trở lên là phiếu B và A, còn lại số đông tiêu chuẩn thấp (phiếu E và N). Tết đến các hộ gia đình được bổ sung tiêu chuẩn gạo nếp, đỗ xanh, kẹo bánh, thuốc lá... Nhà vợ tôi trừ hai chị gái đã ra ở riêng, còn lại 7 người gồm hai ông bà và 5 người con, chỉ có ông bố lương cao được phiếu E loại 15 kg gạo và 5 lạng thịt/ tháng, vợ tôi mới đi làm cũng phiếu E loại 13,5 kg gạo và 2,5 lạng thịt/ tháng. Còn lại 5 người trong diện phiếu N, mỗi người được 1 lạng thịt/ tháng. Dồn phiếu thịt cả nhà trong tháng được 1,25kg cho 3 ngày Tết. Nếu chia đều cho 6 bữa ăn, thì mỗi bữa được 2 lạng thịt cho 7 người, rán lấy mỡ xào rau là hết. Trải ra như vậy thì chưa có thịt nhân bánh chưng, thịt nhân nem, thịt nấu măng khô, nấu bóng, thịt nhồi bắp cải, thịt rán, thịt kho tàu... Các món này đương nhiên dôi ra “ngoài tiêu chuẩn”, muốn có phải mua “chui” ở ngoài chợ đen. Tôi là phóng viên ảnh, mang vác nặng, đi lại nhiều được xếp vào diện sản xuất trực tiếp, có phiếu E loại 15kg gạo, và 5 lạng thịt/ tháng. Tết này tôi không về nhà bố mẹ đẻ trên Võ Nhai, Thái Nguyên ăn Tết, vì phải trực tại cơ quan. Tôi bảo vợ đưa phiếu thực phẩm cho mẹ, nhưng mẹ tế nhị không nhận. Mẹ nói: Dồn cả vào Tết, ra Giêng anh chị lấy gì ăn. Thành thử nhà 2 chàng rể trên tôi, mỗi nhà một đứa con, cùng với vợ chồng tôi thành 7 người đều là “khách”. Đã là khách thì vào diện “ngoài tiêu chuẩn”.
Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) - Tết Quý Sửu (1973). Ảnh: Chu Chí Thành
Chiều 30 Tết, trong khi vợ chồng tôi đi mua hoa trên Nghi Tàm, thì ở nhà mẹ và mấy chị em bầy mâm ngũ quả, và làm cơm cúng. Hà Nội những năm ấy vẫn giữ được các loại hoa truyền thống: Hoa đào, có bích đào và đào phai, phổ biến là hoa lay-ơn, hoa vi-o-let, hoa đồng tiền, rồi đến hoa cúc, hoa thược dược... Chúng tôi mua hoa về thì đã thấy mẹ bầy xong mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả gồm nải chuối tiêu xanh, quả bưởi vàng tươi, dăm quả hồng đỏ mọng, vài quả cam Vinh đốm vàng có cuống có lá, và mươi quả quýt nửa xanh, nửa vàng. Thêm vào đó là gói chè Hồng Đào, hộp mứt Hữu Nghị, hộp bánh bích qui, bao thuốc lá Tam Đảo, và bánh pháo tép... Mâm cơm cúng gồm các món truyền thống: Con gà trống luộc ngậm bông hoa hồng, bát bóng điểm năm sáu nụ nấm hương, bát măng điểm vài cánh mộc nhĩ, bát miến lòng gà với nấm đen thái sợi. Bát canh ấy được mấy cọng lá mùi xanh rải lên rất mát mắt. Cạnh đó là đĩa cá trắm kho với gừng, giềng, và nước hàng. Để thơm dịu, bà lót khẩu mía chẻ rải dưới đáy nồi. Món đặc trưng của bà là sườn rán om đường phên, dưa cải tự tay nén, dưa góp cải hoa, rồi cơm trắng, bánh chưng, xôi đỗ, chè kho... Nghĩa là đủ các món của một cái Tết thịnh soạn.
Bà mẹ vợ tôi thuộc lớp người của thế kỷ trước được thấm nhuần lễ giáo phong kiến Việt Nam và một chút hào hoa của văn hóa Pháp. Lúc giầu có cũng như khi khó khăn, bà đều coi trọng tình cảm và đạo đức, giữ mực thước cho gia đình nề nếp, lịch sự. Chiến tranh, thiếu thốn vẫn phải là “đói cho sạch, rách cho thơm”. Với bà, Tết là một tục lệ văn hóa, là hạnh phúc gia đình. Bà tự chăm lo quán xuyến để đẹp lòng chồng, con và họ hàng. Tết hòa bình lại càng phải tươm tất hơn. Bà rất vui, đây là cái Tết hòa bình thứ hai trong đời, bà sung sướng nhìn con cháu đoàn tụ với nụ cười đôn hậu.
Cơm canh, hoa trái được bầy lên bàn thờ tươm tất, lúc đó ông bố vợ tôi quần áo chỉnh tề mới tiến đến bàn thờ làm lễ. Ông thắp hương, chắp tay vái ba vái, rồi nhỏ nhẹ khấn mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ về ăn Tết với con cháu. Ông không cầm sớ đọc, mà chỉ nói những lời từ tâm can của mình. Đấy là kiểu khấn nôm. Cuối lễ, hai bàn tay ông đan vào nhau, gập lại bái tạ, khác lúc khai lễ. Khi khai lễ thì hai bàn tay chắp thẳng, các ngón tay ép song song trùng khít. Hết ba tuần hương, chừng 90 phút, thì hạ lễ. Ông đứng lên lễ tạ, rồi bảo các con dọn mâm bát. Cả nhà vui vẻ ngồi quanh chiếc bàn to hình chữ nhật tiếp khách hàng ngày. Chiếc bàn được trải khăn trắng muốt, nó làm cho bữa cỗ và căn phòng trở nên khang trang. Tôi rỉ tai vợ:
- Cỗ mẹ làm sang như cỗ lãnh đạo tiếp khách quốc tế.
Vợ tôi bảo: - Mừng hòa bình và mừng con rể mới đấy.
Tôi thực sự xúc động vì được sống trong một gia đình đầm ấm, được bố mẹ vợ coi như con đẻ, được anh chị em gắn kết thương yêu nhau.
Sau bữa ăn, mấy anh chị em chúng tôi đi dạo phố, lên bờ hồ đón giao thừa. Tôi nắm tay vợ đi thư thả giữa hàng nghìn người hạnh phúc. Một làn gió lạnh luồn qua hai bàn tay chúng tôi, khiến tôi chợt nhớ tới cái bàn tay nhỏ nhắn ấy đã nắm chặt tay tôi khi ở dưới hầm trú ẩn bên vườn hoa Giám trước nhà. Đấy là lúc máy bay B52 Mỹ dội bom xuống Khâm Thiên đêm 26 tháng 12. Ngày ấy chúng tôi chưa cưới nhau, chúng tôi đều ở lại chiến đấu (chúng tôi làm lễ cưới trước ngày hòa bình 5 hôm). Ngày ấy vợ tôi chưa biết “bom B52” là gì. Nhưng sáng hôm sau, khi cùng cô bạn đi tìm đồng nghiệp ở Ngõ Chợ Khâm Thiên thì mới hiểu thế nào là “bom B52”! Còn tôi, tôi đã “nếm mùi B52” từ năm 1968, tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cho nên, khi nhận ra tiếng “bom B52” rất gần, một phản xạ tự nhiên trỗi dậy, người tôi run lên. Cô ấy hỏi: - Sao anh run thế? Tôi không trả lời, chỉ lặng yên hi vọng an toàn... Và tới đêm 30 Tết, đứng bên hồ Gươm giữa biển người náo nức chờ phút giao thừa, niềm hi vọng mong manh ấy đã là hiện thực. Tôi xiết tay vợ và ôm chặt vợ vào lòng. Không nói gì, một phút yên tĩnh, chúng tôi nhìn ngọn Tháp Rùa lung linh ánh điện.